Trời lạnh coi chừng bị liệt mặt, méo miệng

03/01/2018 - 09:00

PNO - Đây là bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên - bệnh lý thường xảy ra trong mùa lạnh, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.

Theo số liệu từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trung bình mỗi ngày có gần chục bệnh nhân đến đây khám vì bị liệt nửa mặt, méo miệng, mắt nhắm không kín. 

Bỗng dưng... méo miệng

Mới đây, chị Trần Thu N., 27 tuổi, ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đã đến Bệnh viện (BV) Đại học Y dược khám trong tình trạng nửa mặt bên trái bị liệt, miệng méo, mắt không nhắm kín được. Chị kể: “Sau một đêm ngủ dậy, tự dưng tôi thấy miệng bị méo qua phải, đánh răng hay uống nước là nước chảy trào ra khóe môi.

Một nửa bên mặt cũng... đơ đơ, mắt không chớp nhanh được như bình thường, nhắm lại không kín. Má nói tôi bị trúng gió nên cạo gió và mua thuốc cảm về uống nhưng không hết. Có người chỉ tôi hơ lá trầu, rồi đi châm cứu nhưng cũng chẳng ăn thua. Tôi đến BV tỉnh khám, bác sĩ (BS) nói bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm lạnh đột ngột".  

Troi lanh coi chung bi liet mat, meo mieng
Cạo gió, bấm huyệt có thể làm chậm quá trình phục hồi bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

Trường hợp chị Nguyễn Kim A., 38 tuổi, ở P.16, Q.8, TP.HCM, còn tệ hơn vì bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đến... 25 năm mới chịu đi điều trị. Chị tâm sự: “Mấy chục năm nay mắt tôi không nhắm kín được; đến mùa lạnh là bị chảy nước mắt; miệng thì méo xệch; trẻ con thấy tôi là phát hoảng làm tôi mặc cảm, chỉ ru rú trong nhà.

Tình trạng này xảy ra sau khi tôi bị mẹ đánh đòn vì tội nghịch phá, mẹ thấy tôi khóc mặt méo xệch còn la tôi giả bộ. Lúc đó tôi đang học lớp Bảy. Ba mẹ tôi vì có nhiều con nên cũng chẳng để ý tới biểu hiện khác lạ của tôi. Đến năm lớp Chín thì tôi cười hay khóc đều bị lệch mặt, mắt trái luôn mở trừng trừng không nhắm kín được, ăn uống luôn bị rơi vãi, mẹ nói tôi bị trúng phong, dẫn đến một lương y nhờ châm cứu suốt 3 tháng nhưng không chữa được nên không điều trị nữa.

Mới đây, tôi đi khám sức khỏe định kỳ do cơ quan tổ chức, BS nói mắt bên liệt của tôi bị nhược thị 6/10, đề nghị phải chữa trị. Do mắt trái không nhắm lại được nên dễ bị bụi chui vào gây viêm loét giác mạc, làm giảm thị lực và có thể bị mù vĩnh viễn. Tôi sợ mù nên đi BV kiểm tra, BS cho biết tôi bị đã quá lâu, rất khó phục hồi”. 

Thủ phạm hàng đầu là nhiễm vi-rút

Theo BS Trần Ngọc Tài - Phó khoa Thần kinh, BV Đại học Y Dược, nhiều người vẫn nghĩ cảm lạnh, trúng gió, trúng phong hàn là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên; nhưng thật ra, đó chỉ là những yếu tố liên quan chứ không phải nguyên nhân chính.

Troi lanh coi chung bi liet mat, meo mieng

Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là do nhiễm siêu vi - trong đó vi-rút herpes là thủ phạm chính. Khi vi-rút tấn công gây bệnh cảm cúm cũng đồng thời làm viêm dây thần kinh và vi-rút này sẽ “ẩn mình” ở đó, chờ lúc cơ thể suy yếu, mỏi mệt, hay khi bệnh nhân uống rượu bia nhiều, bị suy giảm miễn dịch, tiểu đường… sẽ bùng phát và gây viêm dây thần kinh số 7 ngoại biên, khiến người bệnh bị liệt mặt, méo miệng, không nhắm mắt được…

Một số ít trường hợp, vi-rút tấn công trực tiếp vào dây thần kinh số 7  và các dây thần kinh khác, có thể vào cả màng não, nền sọ, nên bệnh nhân có thể bị viêm màng não gây đau đầu, sốt. 

Theo các chuyên gia thần kinh, bệnh này dễ gây lầm với trúng gió, cảm lạnh nên nhiều bệnh nhân chỉ tìm đến các biện pháp dân gian như cạo gió, hơ trầu, ngãi cứu, đắp lá, cắt lễ hút máu độc… đến khi bệnh tiến triển nặng thì mới chịu đến BV. Sự chậm trễ đó sẽ làm cho cơ hội tự phục hồi giảm đi và đáp ứng thuốc sẽ kém, khả năng để lại di chứng cao hơn.

Đặc biệt, có những trường hợp vừa liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên vừa kèm đột quỵ, nếu đến BV trễ có thể tử vong. BS Trần Ngọc Tài lưu ý: “Tuy bệnh có thể để lại nhiều di chứng, biến chứng, nhưng nếu đến BV sớm và được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, cơ hội phục hồi hoàn toàn sẽ lên đến 85%. 

Dấu hiệu bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên:
- Bị liệt nửa mặt.
- Mất nếp nhăn trán.
- Mắt nhắm không chặt, giảm độ nháy, bệnh nặng có thể làm mắt bất động, không nhắm lại được.
- Miệng bị méo về phía bên lành.
- Uống nước, đánh răng là nước bị 
chảy ra.
- Chân mày không chau lại được.
Biến chứng của bệnh: 
- Đau vùng mặt.
- Nhắm không kín, bụi vô mắt dễ gây nhiễm trùng gây viêm loét giác mạc - ảnh hưởng đến thị lực, nguy cơ bị mù.
- Mất vị giác.
- Ảnh hưởng một phần thính giác.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI