Tìm ra kháng thể vô hiệu hóa đến 98% virus HIV

23/11/2016 - 11:42

PNO - N6 thậm chí có thể được tiêm dưới da thay vì tĩnh mạch, có khả năng vô hiệu hóa hầu hết các chủng HIV, bao gồm 16/20 chủng từng “miễn dịch” với các kháng thể cùng loại.

Các nhà khoa học Mỹ vừa tìm ra một kháng thể mới gọi là N6, được phân lập từ người nhiễm HIV; đồng thời các nhà nghiên cứu Anh cũng vừa thử nghiệm một phương pháp ứng dụng vắc-xin hữu hiệu hơn để chống lại HIV. Hai kết quả này được đánh giá là khả quan nhất sau nhiều thập niên nỗ lực bất thành của y học trong việc đối phó với virus HIV.

Trong bài viết công bố trên tạp chí Immuny, các tác giả từ Mỹ lưu ý, N6 thậm chí có thể được tiêm dưới da thay vì tĩnh mạch, có khả năng vô hiệu hóa hầu hết các chủng HIV, bao gồm 16/20 chủng từng “miễn dịch” với các kháng thể cùng loại.

ThS Mark Connors, Trưởng phòng Thí nghiệm miễn dịch và nghiên cứu vắc-xin thuộc Viện Nghiên cứu bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), người đứng đầu nhóm các nhà khoa học này xác định, kháng thể N6 có thể gắn vào tế bào CD4 bị nhiễm virus HIV tại vùng V5, vốn ít thay đổi giữa các chủng HIV. Nhờ liên kết này, N6 có thể “chịu đựng được những thay đổi trên lớp vỏ tế bào nhiễm HIV” và bỏ qua sự kháng cự của mẫu virus đối với các kháng thể khác.

Tim ra khang the vo hieu hoa den 98% virus HIV
Virus HIV tấn công trực tiếp vào các tế bào bạch cầu của cơ thể, từ đó sinh sôi và di chuyển theo hệ tuần hoàn.

Trước đây, năm 2010, từng có một kháng thể gọi là VRC01, cũng do các nhà khoa học tại NIAID phát hiện, có thể tạm thời ngăn chặn đến 90% số chủng HIV lây nhiễm cho các tế bào của con người; nhưng N6 hiệu quả hơn VRC01, vì tác động mạnh và bền hơn trong ngăn ngừa và điều trị các ca nhiễm HIV. Phân tích cấu trúc còn cho thấy, N6 có thể giúp kháng thể tránh xung đột với polisacarit, một cơ chế chung của miễn dịch.

Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục theo dõi thêm quá trình vô hiệu hóa các chủng HIV của N6. Nếu nghiên cứu được khẳng định, thử nghiệm lâm sàng bằng cách truyền tĩnh mạch sẽ giúp kết luận đây có thực sự là một liệu pháp ngăn ngừa lây nhiễm HIV một cách an toàn không, từ đó hỗ trợ việc chế tạo rộng rãi loại vắcxin giúp tạo ra kháng thể trung hòa.

Một tin vui từ các nhà nghiên cứu tại Anh cũng vừa công bố trên tạp chí Nature - phương pháp kết hợp sử dụng một loại virus cảm lạnh thông thường để đưa vắc-xin vào cơ thể, cùng lúc với tiêm vắc-xin dựa vào khuôn mẫu DNA, đã giúp hệ thống miễn dịch ở chuột thí nghiệm chủ động chống lại HIV trong ruột và các khoang cơ thể.

Tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Branka Grubor-Bauk, đang làm việc tại ĐH Adelaide và BV Nữ hoàng Elizabeth cho biết: “Một lý do khiến các thử nghiệm vắc-xin HIV trước đây không thành công là vì thiếu hàng rào bảo vệ ở tiền tuyến. Chúng tôi tiêm rhinovirus (virus cảm lạnh thông thường) vào bên trong mũi của chuột thí nghiệm, những virus này đã được thay đổi để chứa các protein của HIV. Đồng thời, chuột được tiêm dưới da một loại vắc-xin dựa trên DNA. Cách tiếp cận này dẫn đến những phản ứng khác nhau trong hệ thống miễn dịch: các tế bào máu trắng tấn công virus HIV, trong khi các kháng thể nhận ra và cách ly những tế bào nhiễm HIV, ức chế quá trình tự sao chép của virus”.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, số tế bào nhiễm đã giảm đáng kể ở những con chuột mắc bệnh, cho thấy phương pháp này là một hướng tiếp cận mới trong việc sản xuất vắc-xin chống HIV.

Theo Bộ Y tế Mỹ, bệnh AIDS xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1981. Một báo cáo từ Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) gần đây xác định, tính đến cuối năm 2015 đã có khoảng 36,7 triệu người trên thế giới đang sống chung với HIV/AIDS.

Bảo Tùng (Theo Science Daily, MBJ Star)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI