Bất hợp lý thanh toán bảo hiểm nhiều lãng phí, người bệnh thêm gánh nặng

26/12/2016 - 07:16

PNO - Nhiều kỹ thuật chẩn đoán, điều trị cấp thiết, nhưng không được thanh toán bảo hiểm y tế, trong khi một số kỹ thuật khác hiệu quả chẩn đoán chưa cao, chi phí lớn lại được thanh toán.

Kỹ thuật xét nghiệm tìm tế bào ung thư cổ tử cung (UTCTC) với khả năng bỏ sót đến 80% vẫn được BHYT chi trả, trong khi áp dụng kỹ thuật tìm chủng vi-rút HPV nguy cơ cao gây UT chỉ bỏ sót khoảng 7%, lại không được thanh toán. Tương tự, bệnh nhiễm viêm gan siêu vi C, cần dùng thuốc tránh biến chứng xơ gan, UT gan cũng không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Ngược lại, cắt u nang ống mật chủ, cắt thùy phổi điển hình, dị tật hậu môn… bằng mổ nội soi, mổ hở và cả mổ bằng robot vẫn được thanh toán BHYT.

Lãng phí 

Ngày 1/12/2016, Bộ Y tế chính thức cho phép thanh toán BHYT đối với phẫu thuật nội soi bằng robot cho các bệnh: u nang ống mật chủ, cắt thùy phổi điển hình, bệnh phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước do hẹp phần nối bể thận - niệu quản, dị tật hậu môn, trực tràng, trào ngược dạ dày thực quản. Chi phí một ca phẫu thuật nội soi bằng robot từ 80-100 triệu đồng. Theo đó, BHYT sẽ chi trả 40% giá dịch vụ kỹ thuật, người bệnh thanh toán phần còn lại.

Nhiều bác sĩ (BS) chuyên khoa ngoại, sản nhi, UT… bức xúc vì thực tế, robot chỉ là phương tiện hỗ trợ chứ không phải kỹ thuật mới. Điều đáng nói, những bệnh khác cấp thiết hơn, số lượng bệnh nhân (BN) rất nhiều nhưng lại không được BHYT thanh toán. Chưa kể, những dạng bệnh nêu trên đã được BHYT chi trả nếu mổ nội soi, mổ hở theo Thông tư số 50/2014/TT-BYT. Việc mổ bằng nội soi thông thường do BS thực hiện hoặc mổ nội soi có robot, kết quả điều trị, tỷ lệ rủi ro, thời gian xuất viện như nhau.

TS-BS Võ Xuân Sơn - Phòng khám Quốc tế Exson phân tích: “Xét ở góc độ chính sách thực hiện BHYT thì đây là chủ trương ưu việt, nhưng xét ở hình thức thực hiện thì còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa rõ ràng. Ở những BN này có hai sự lựa chọn (mổ bằng nội soi hoặc mổ bằng robot) đều được BHYT chi trả, trong khi hàng triệu người bệnh bị viêm gan siêu vi C đang cần thuốc thế hệ mới, lại không được BHYT chi trả. Chưa kể, chi phí điều trị bằng robot lên đến cả trăm triệu đồng, còn điều trị viêm gan C chỉ vài chục triệu đồng”.

Cụ thể, trước đây khi chưa có thuốc điều trị viêm gan C dạng uống như: sofosbuvir, daclatasvir, ledipasvir, ombitasvir, elbasvir (gọi tắt là thuốc uống thế hệ mới), thì người bệnh được điều trị chủ yếu bằng thuốc chích peg-interferon phối hợp với thuốc uống ribavirin đạt hiệu quả điều trị khoảng 80%. Thuốc chích được BHYT chi trả 30% dựa trên mệnh giá mỗi loại thẻ.

Tuy nhiên, thuốc chích có nhiều tác dụng phụ như gây đau đầu, mệt mỏi, ăn kém, khó ngủ, ngứa ngáy, trầm cảm, rụng tóc và chống chỉ định ở một số BN xơ gan mất bù, bệnh tự miễn, rối loạn nhịp tim, thiếu máu nặng, suy thận nặng… Trong khi đó, những loại thuốc uống thế hệ mới có hiệu quả hơn 90%, ít tác dụng phụ, thậm chí điều trị được cho cả những BN xơ gan, từng thất bại hoặc chống chỉ định với thuốc chích.

Chưa kể, thuốc thế hệ mới sẽ rút ngắn thời gian điều trị xuống còn ba tháng (thuốc chích 6-12 tháng). Về giá cả, các loại thuốc uống thế hệ mới được Cục Quản lý dược cho phép nhập về bán tại Việt Nam khoảng từ 40-70 triệu đồng, liệu trình điều trị ba tháng (tương đương chi phí điều trị 12 tháng với các loại thuốc chích mà BHYT đã chấp thuận thanh toán).

Bat hop ly thanh toan bao hiem nhieu lang phi, nguoi benh them ganh nang
Nhiều bệnh nhân viêm gan C phải cầm cố nhà cửa để điều trị bệnh

Các BS chuyên điều trị bệnh viêm gan cho biết, rất nhiều BN viêm gan C có thẻ BHYT mong muốn được BHYT hỗ trợ chi phí điều trị để có thể sử dụng thuốc uống thế hệ mới, tăng cơ hội khỏi bệnh và ít bị tác dụng phụ. Đây cũng là cách giúp BN chống chỉ định với thuốc chích vẫn có cơ hội điều trị.

Việc điều trị cho người bệnh viêm gan C bằng các loại thuốc uống thế hệ mới còn là cách hạn chế lây nhiễm virút viêm gan C ra cộng đồng và tạo điều kiện cho BN được tiếp cận các biện pháp điều trị tiên tiến theo mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế.

Ngày 20/9/2016, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi-rút C mới, thay thế hướng dẫn năm 2013. Trong hướng dẫn mới, khuyến cáo lựa chọn ban đầu là các thuốc uống thế hệ mới, còn thuốc chích peg-interferon là thuốc thay thế. Hướng dẫn mới với thay đổi trên cho phép BS dùng các loại thuốc uống thế hệ mới điều trị cho người bệnh.

Thế nhưng hiện nay BHYT vẫn chưa thay đổi, chưa thanh toán chi phí điều trị bệnh viêm gan C với các loại thuốc uống mới. Hiện Việt Nam có khoảng 3% dân số (tức 2,7 triệu người) nhiễm vi-rút viêm gan C. Nếu không được điều trị hiệu quả sẽ dẫn đến biến chứng xơ gan, UT gan. Theo thống kê của BV Chợ Rẫy, 5 năm gần đây, hơn 4.000 người bị UT gan có liên quan đến vi-rút viêm gan C đến điều trị. Bệnh viêm gan chưa có vắc-xin phòng ngừa, nên cần phải được điều trị sớm nhằm hạn chế biến chứng và lây lan, giảm gánh nặng tài chính lâu dài cho xã hội.

Theo TS-BS Võ Xuân Sơn, chi phí đầu tư robot cao (71 tỷ đồng). Đối tượng BN nào có điều kiện chi trả cho kỹ thuật phẫu thuật bằng robot thì đăng ký chứ không nên bắt quỹ BHYT gồng gánh, trong khi quỹ này thường xuyên có nguy cơ vỡ.

“Tính già hóa non”

Mỗi năm, Việt Nam phát hiện hơn 5.000 phụ nữ bị UTCTC; trong đó có 30% trường hợp đã làm xét nghiệm truyền thống để tìm tế bào tổn thương, có xu hướng chuyển sang ác tính, nhưng vẫn không phát hiện.

Phân tích về vấn đề này, TS-BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc BV Từ Dũ cho hay: “Dựa trên một BN có tổn thương ở CTC, BS sẽ chỉ định cho thực hiện xét nghiệm để theo dõi BN có bị UTCTC hay không. Hiện nay, các BV phụ sản có nhiều kỹ thuật để người bệnh lựa chọn gồm: xét nghiệm tìm tế bào ác tính, tế bào có xu hướng chuyển sang UT (xét nghiệm PAP, với giá từ 220.000- 500.000đ) và xét nghiệm tìm chủng vi-rút HPV có nguy cơ cao gây ra 99,7% ca UT (giá khoảng 600.000đ) hoặc áp dụng cả hai kỹ thuật này với giá khoảng 1,1 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay BHYT chỉ trả cho BN thực hiện xét nghiệm PAP sau khi được BS chỉ định do nghi ngờ mắc bệnh”.

ThS-BS Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trước đây, y học chỉ có thể tầm soát UTCTC dựa trên xét nghiệm tìm tế bào tổn thương (xét nghiệm PAP), để ngăn chặn “vùng đã bị thương” tiến triển thành UTCTC. Với xét nghiệm tìm vi-rút HPV, BS sẽ biết được BN nhiễm loại vi-rút HPV nào. Dựa vào kết quả xét nghiệm đó, sẽ có cách điều trị, ngăn chặn ngay từ đầu để mầm bệnh không gây tổn thương CTC và sẽ không khiến các tế bào chuyển sang ác tính.

Theo tính toán, nếu cộng dồn chi phí suốt ba năm theo dõi bằng xét nghiệm truyền thống sẽ tương đương chi phí một lần làm xét nghiệm tìm vi-rút HPV (ba năm sau mới xét nghiệm lại). Chưa kể, xét nghiệm HPV chỉ bỏ sót 7% và nếu chuyển sang UT phải mất từ 10-15 năm sau.

Theo Bộ Y tế, xét nghiệm tìm vi-rút HPV là kỹ thuật sàng lọc bệnh UTCTC đầu tay (xét nghiệm chính, đầu tiên), nhưng đến nay vẫn chưa được BHYT chi trả. Nhiều nghịch lý trong thanh toán BHYT không chỉ gây lãng phí mà còn khiến người bệnh thêm gánh nặng chi phí điều trị.

Lê Nam - Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI