Tiêu chảy phân xanh, người bán thịt heo may mắn thoát khỏi tử thần

21/04/2017 - 14:07

PNO - Một bệnh nhân nam bán thịt heo ở Tiền Giang bị sốt, ớn lạnh và tiêu chảy phân xanh.

Bệnh nhân N.M.D. (51 tuổi ở Tiền Giang) làm nghề bán thịt heo đã lâu. Khoảng giữa tháng 2/2017, ông D. cảm thấy mệt mỏi, ớn lạnh khắp người, kèm theo đó là những cơn sốt cao và đặc biệt nhiều lần đi phân lỏng có màu xanh. 

Sau một tuần, sức khỏe xuống dốc trầm trọng nên ông được đưa vào Bệnh viện huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Lúc này, ông D. được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng tiêu chảy nên được chuyển ngay lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Diễn tiến bệnh của ông D. ngày càng trầm trọng. Bệnh nhân đã lừ đừ, huyết áp tụt, xuất hiện tình trạng khó thở, toàn thân xuất hiện nhiều mảng xuất huyết, các đầu chi tím tái. Kết quả siêu âm tim cho thấy giảm động toàn bộ thất trái. Kết quả chẩn đoán phát hiện bệnh nhân còn bị viêm cơ tim và sau đó phải thở máy.

Tieu chay phan xanh, nguoi ban thit heo may man thoat khoi tu than
Ổ chứa chính của vi khuẩn liên cầu lợn là ở các con lợn ốm hoặc chết

Bác sĩ chẩn đoán ông D. bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suic (viết tắt là S. suis). Đây là tác nhân gây bệnh ở lợn, xuất hiện nhiều nhất khi lợn ốm hoặc chết. Vi khuẩn này lây sang người do tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương ở da và niêm mạc.

Thống kê của các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn bị nhiễm trùng huyết lên đến 62%, trong khi tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn bị viêm màng não mủ chỉ là 1%.

Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết chiếm đến 24% bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn. Khi bị nhiễm trùng huyết, bệnh nhân của liên cầu lợn bị sốc nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu, rối loạn tưới máu mô.

Trường hợp bệnh nhân D. là một ca nhiễm trùng huyết khó chẩn đoán vì không có các dấu hiệu điển hình do được nhập viện sớm. Vi khuẩn S. suis trong cơ thể ông D. được phát hiện nhờ vào kết quả cấy máu và thông tin về nghề bán thịt lợn của bệnh nhân và những mảng xuất huyết có dạng tử ban điển hình của S. suis.

Tieu chay phan xanh, nguoi ban thit heo may man thoat khoi tu than
Bệnh nhân tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy

Sau khi được điều trị tích cực bằng kháng sinh, ông D. đã hồi phục sức khỏe.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết những ca nhiễm liên cầu lợn thường được phát hiện ở những người bị suy giảm miễn dịch như: già yếu, cắt lách, nghiện rượu và bệnh mạn tính. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh nên việc phòng bệnh vẫn dựa vào biện pháp là tránh tiếp xúc với lợn ốm hoặc chết; không ăn thịt lợn chưa được nấu chín.

Theo bác sĩ Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy tại Việt Nam chưa có nghiên cứu điều tra về vi khuẩn S. suis ở người. Tuy nhiên, dựa trên những ca bệnh xuất hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Viện các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia thì hầu hết các trường hợp nhiễm S. suis gây nên viêm màng não mủ, nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc…

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI