Thông báo bệnh hiểm nghèo - chuyện không đơn giản

24/12/2017 - 05:00

PNO - Tôi từng chứng kiến một phụ nữ lao ra khỏi phòng khám của một bệnh viện, hai tay bưng mặt khóc.

Người chồng dợm chạy theo nhưng đã dừng phắt lại trừng mắt với bác sĩ vừa oang oang thông báo vợ anh “bị ung thư gan”: “Bác sĩ mà sao vô cảm vậy! Bệnh nan y mà nói thẳng vô mặt, ai chịu nổi”. 

Bức xúc của người chồng nhận được sự đồng cảm của đa số người đang ngồi chờ khám, bởi điều bác sĩ thông báo chẳng khác nào kêu án tử với người bệnh. Kiểu thông báo gây sốc đó dễ  khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn: người bệnh suy sụp tinh thần, từ chối điều trị, thậm chí có thể tự sát khi biết mình mắc bệnh nan y.

Thong bao benh hiem ngheo - chuyen khong don gian
 

Nếu bác sĩ tìm cách thông báo tế nhị, nhẹ nhàng hơn, chỉ rõ phương hướng điều trị, người bệnh sẽ được nâng đỡ tinh thần để bắt đầu bước vào cuộc chiến với bệnh tật. 

Chị dâu tôi mang thai đến tháng thứ 6 vẫn còn biểu hiện ốm nghén, ăn uống vào là ói. Chị vào bệnh viện tỉnh kiểm tra, bác sĩ bảo chị bị thai hành và suy nhược cơ thể, cho truyền dịch. Về nhà, tình trạng của chị càng tệ hơn: nôn ra máu.

Gia đình lo lắng đưa lên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Bác sĩ khám và cho siêu âm xong, thông báo: “Chị D. ăn uống không được, cơ thể bị suy nhược nên cần nhập viện để nâng cao thể trạng, giữ không ảnh hưởng đến em bé”.

Và bác sĩ gặp riêng người nhà, cho biết chị bị ung thư dạ dày thể thâm nhiễm, đã di căn hết ổ bụng, nên gây xuất huyết thường xuyên. Chị phải được can thiệp ngay bằng cách phẫu thuật cắt dạ dày và phẫu thuật bắt em bé. Bác sĩ đề nghị phương án điều trị bằng dinh dưỡng đặc biệt để nâng cao thể trạng cho chị, đồng thời kéo thêm thời gian để em bé được cứng cáp hơn. 

Sợ chị có thể chết trên bàn mổ, gia đình xin cho chị về. Tôi còn nhớ, khi đó cả bác sĩ tiêu hóa, bác sĩ sản khoa và bác sĩ tâm lý đã thay nhau nói chuyện rất nhiều với anh em tôi.

Các bác sĩ đưa ra so sánh thuyết phục: “Giờ ngay cả nước lọc chị D. uống cũng ói, thì đưa về là cầm chắc cái chết. Nếu phẫu thuật, chị D. còn có cơ hội sống, cháu bé cũng có thêm thời gian được sống bên mẹ. Vậy gia đình muốn người thân của mình chết hay được cứu?”. Câu hỏi này đã giúp gia đình tôi bừng tỉnh. 

Khó khăn nhất là thông báo với chị. Bác sĩ tâm lý ngày nào cũng đến thăm, rủ rỉ nói chuyện với chị. Nhờ vậy tinh thần chị ổn định. Tôi vẫn nhớ thời khắc bác sĩ thông báo ca đại phẫu kép thành công, nhìn vị bác sĩ mà tôi cứ ngỡ đó là người nhà của mình, vì bác sĩ cũng đang cười hạnh phúc và rưng rưng như chúng tôi.

Đến nay, như một kỳ tích, chị tôi đã vượt qua căn bệnh ung thư dạ dày thể thâm nhiễm giai đoạn cuối được 4 tháng. Tôi tin, ngoài niềm vui được làm mẹ thì sự quan tâm, đồng hành của ê-kíp bác sĩ đã giúp chị có lòng tin để vượt qua khe cửa hẹp của tử thần.

Thùy Dương (ghi theo lời kể của chị Ngọc V., tỉnh Gia Lai)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI