Thận trọng với các thiết bị y tế trong gia đình

07/10/2017 - 12:00

PNO - Ngày nay, việc sử dụng các thiết bị y tế điện tử tại nhà đã ngày càng phổ biến; thông dụng là các loại máy đo huyết áp, đường huyết, cholesterol (mỡ máu), axit uric (gout)...

Nhờ các loại máy này, bệnh nhân có trợ thủ đắc lực, các bác sĩ có thêm “cánh tay nối dài” hữu hiệu trong việc điều trị các bệnh mạn tính. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý là sự chính xác của chúng không thể nào bằng các phương tiện bài bản tại cơ sở y tế, dù vẫn tạm đủ độ tin cậy. Nguy hiểm là sự chính xác của thiết bị rất dễ bị tác động bởi người sử dụng, nên mọi người phải hết sức cẩn trọng. 

Than trong voi cac thiet bi y te trong gia dinh
 

Chú ý các yếu tố bảo quản

Với những thiết bị đo lường điện tử nói chung và thiết bị y tế nói riêng, nhà sản xuất luôn khuyến cáo về điều kiện bảo quản (nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ điện từ, độ va đập…). Thực tế, nhiều người dùng chỉ chú ý đến các hướng dẫn kỹ thuật mà bỏ qua những khuyến cáo về bảo quản, hoặc có để ý thì cũng khó thực hiện trong thực tế.

Trong một căn nhà cấp bốn lợp tôn nóng như thiêu thì đúng là không thể nào đảm bảo nền nhiệt tối ưu cho thiết bị. Việc giữ độ ẩm an toàn cho máy đo lại khá nhiêu khê với nhiều người, nhất là người già. Tất nhiên, không phải vì nóng hơn vài ba độ, ẩm hơn vài ba % là máy hỏng hay “chạy loạn” ngay, nhưng về lâu dài thì không ai dám chắc nó sẽ “phản chủ” kiểu gì.

Không chỉ thiết bị mẹ mà cả các sản phẩm con (phổ biến là que thử dùng trong máy đo đường huyết, cholesterol, axit uric…) hoạt động theo cơ chế sinh hóa, thì độ khó tính trong bảo quản càng nghiêm ngặt.

Nhiều trường hợp que thử bị quá nhiệt, quá ẩm vài ngày là đã cho ra những kết quả “toát mồ hôi hột”. Chuyện bảo quản tuy khó nhưng không phải bất khả thi, nếu chịu để tâm thì ai cũng có thể làm tốt được để bảo đảm an toàn cho người bệnh. Đơn cử, một túi chống ẩm tự tạo từ trà túi lọc hoàn toàn có thể giữ cho thiết bị an toàn trong nhiều ngày.

Than trong voi cac thiet bi y te trong gia dinh
 

Không kiểm tra thiết bị

Người dùng luôn được khuyến cáo kiểm tra lại thiết bị sau thời gian sử dụng, theo định kỳ càng tốt. Việc này có nhiều cách: dùng test kiểm tra theo máy, so sánh với một thiết bị khác, mang đến nơi có kỹ thuật kiểm định chuẩn. Cách thứ nhất (thường áp dụng với kiểu máy đo dùng que thử) là dùng que thử mẫu định sẵn hàm lượng để test kết quả.

Cách thứ hai là so sánh số đo thiết bị đang dùng với một thiết bị khác có độ tin cậy cao hơn. Cuối cùng là mang đến cửa hàng, công ty, trạm bảo hành để nhờ kiểm định. Thực tế, chỉ có cách đầu là  khả thi, hai cách sau đều ít nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, với cách thứ hai, làm sao biết được máy mình so mẫu là “khuôn vàng thước ngọc”?

Sẽ là “giao trứng cho ác” nếu cái máy dùng để kiểm chứng cũng lỗi đầy mình. Cách sau cùng là yên tâm nhất nhưng thực tế không hẳn đã thực hiện được vì còn… tùy nhiều thứ. Không phải cửa hàng, trạm bảo hành nào cũng nhận làm và có đủ khả năng kiểm định giúp người dùng. Với bệnh nhân ở vùng “xa mặt trời” thì việc này cũng khó như “hỏi ông trời”.

Dù khó nhưng người dùng nên cố gắng thực hiện nếu có thể, đừng thấy khó mà buông luôn. Đến cả bác sĩ sau bao năm nhìn, sờ, gõ, nghe vẫn phải định kỳ kiểm lại tay nghề, nói gì tới máy móc hoạt động từ ngày này sang ngày khác.

Cẩn trọng khi một máy nhiều người dùng: Một sơ sót dễ gặp là một thiết bị được dùng chung cho nhiều người. Ở nông thôn việc một chiếc máy đo huyết áp “chạy sô” cho cả xóm là chuyện thường tình. Các máy đo hiện đại đều có chức năng ghi lại kết quả và khi cần có thể tính trung bình cộng theo tuần hay tháng, để giúp bệnh nhân theo dõi sát bệnh tình và điều chỉnh thuốc men, chế độ ăn phù hợp...

Than trong voi cac thiet bi y te trong gia dinh
 

Các bác sĩ cũng rất cần số liệu này để biết chuyển biến bệnh, biết bệnh nhân có tuân thủ điều trị hay không. Một máy mà nhiều người dùng thì chuyện này coi như… phá sản. Nhiều trường hợp bệnh nhân và thầy thuốc  đã “tá hỏa” với những số đo rối tung vì chủ máy quên xóa kết quả vãng lai sau khi cho người khác mượn dùng.

Việc bị chỉnh lại đơn vị đo khi cho mượn thiết bị cũng là thủ phạm của nhiều vụ  “xanh máu mặt”. Đơn cử với hai đơn vị đo phổ biến là mg/dL và mmol/L, nếu quy đổi thì kết quả chênh nhau hơn chục lần. Không may ông hàng xóm mượn máy chỉnh lại đơn vị mà không trả lại như cũ, cũng không báo, thì “râu ông cắm cằm bà”, chắc chắn gia chủ phải một phen choáng váng.

Vì thế, phải cẩn thận với các thiết bị y tế điện tử trong nhà bạn. Bạn hoàn toàn có thể “nuôi ong tay áo” bị một phen “toát mồ hôi hột”, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu bạn coi thường việc bảo quản và kiểm tra.

Bác sĩ Đỗ Trình Thoại

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI