Tập đi cho... cha mẹ

30/09/2017 - 11:45

PNO - Đứa trẻ tập đi chỉ mất vài tháng nhưng khi người già tập đi thì đó là một hành trình có thể đến… nhiều năm, đôi khi không đến đích. Vì thế, những người già tập đi luôn cần có sự đồng hành của con cháu.

Sáu năm với hai người mẹ

Suốt 6 năm qua, ngày nào người đàn ông khoảng 50 tuổi đi chiếc xe máy cũ cũng có mặt tại khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, Bệnh viện (BV) Quận 2. Cứ đúng 6 giờ sáng là ông nộp sổ khám bệnh, đưa một cụ bà bị liệt nửa người vào tập vật lý trị liệu (VLTL). Xong, ông quay về chở thêm một bà cụ khác.

Chờ hai cụ tập xong, ông lại lần lượt chở từng cụ về. Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang - Phó khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho biết, người đàn ông tên T., còn hai bà cụ là mẹ ruột và mẹ vợ ông. Mẹ ruột, cụ N.A., sinh 1944, ở Q.2, bị tai biến liệt nửa người.

Mẹ vợ, cụ P., 95 tuổi, bị thoái hóa khớp, ở Q.9. Nhờ con trai kiên trì đưa đi trị liệu mà cụ A. từ tình trạng liệt nửa người nay đã nhúc nhắc đi lại được với cây gậy hoặc chiếc xe tập đi. Cụ P. trước đây phải có người ngồi giữ phía sau mỗi lần chở đi, giờ đã có thể tự ngồi sau xe máy một mình.

Tap di cho... cha me
Hai năm qua, chị L. kiên trì dìu mẹ tập đi từng bước

Có thể… không đến đích nhưng vẫn ấm lòng

Trên tổng số gần 200 ca tập VLTL hằng ngày tại khoa này, có đến 30% là những người lớn tuổi bị liệt nửa người, mất chức năng cử động tay chân do tai biến hoặc các bệnh lý về khớp. Nếu không có tình yêu thương vô bờ bến và lòng nhẫn nại của con cháu, có lẽ các cụ đành phải chấp nhận cuộc sống tàn phế. Một chị khác cũng chở mẹ bằng xe máy đến tập hằng ngày.

Lần nào cũng vậy, đến nơi là chị cẩn thận đỡ chân mẹ xuống, đặt tay mẹ lên vai mình, kiên trì dìu mẹ nhích từng bước một, mất gần 10 phút mới đến được phòng tập của BV. Bà cụ đi lại khó khăn nhưng khá minh mẫn, thường tự hào khoe với mọi người: “Con gái út của tôi đó. May mà có nó”.

Bà tên K.T.T., 70 tuổi, ở P.Bình Trưng Tây, Q.2. Hai năm trước bà bị tai biến, bất tỉnh ngoài đường. Tuy giữ được tính mạng nhưng cú ngã đã làm bà gãy xương cẳng chân và vai trái. Bà có 3 người con nhưng chỉ có cô út ở chung chăm sóc mẹ.

Chị L., con gái bà, kể: “Lúc người dân gọi điện báo mẹ em ngã ngoài đường, em tưởng đã mất mẹ rồi. Trời thương cho mẹ em qua cơn nguy kịch, nhưng di chứng là không đi lại được. Gần 2 năm qua, mọi sinh hoạt cá nhân của mẹ đều một tay em lo”. Tập đi là cả hành trình gian nan, nhiều lần thấy con gái vất quá, bà T. nản lòng đòi bỏ nhưng chị L. không cho. Đều đặn một tuần năm ngày chị đưa mẹ đến BV tập VLTL.

Tap di cho... cha me
Ngày nào cậu thanh niên này cũng đều đặn đưa bố đến BV tập VLTL sau tai biến

Nói đến VLTL, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, không thể không nhắc đến BV Phục hồi chức năng, điều trị bệnh nghề nghiệp (đường Âu Dương Lân, Q.8). Bác sĩ Đinh Quang Thanh, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, chia sẻ: “Mỗi ngày, chúng tôi có trên 300 bệnh nhân đến tập VLTL, 70% là người cao tuổi bị yếu liệt do tai biến, chấn thương sọ não. Chúng tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp rất cảm động bởi khi những người con bền bỉ dìu dắt cha mẹ mình tập đi suốt nhiều năm”. 

Buổi chiều, phòng tập VLTL của BV chỉ có vài bệnh nhân. Một thanh niên khoảng ngoài 20 tuổi đang ngồi im trong góc phòng, chăm chú nhìn kỹ thuật viên đang tiến hành trị liệu cho cha mình. Cậu ngồi dõi theo cha như thế suốt 3 tiếng đồng hồ.

Kết thúc buổi tập, cậu tiến đến, ân cần đỡ cha dậy, dìu đi từng bước, không quên động viên: “Thấy chưa, cha sắp đi được rồi”. Người cha choàng tay qua vai con trai, vẻ mặt rạng rỡ, nói với cô nhân viên y tế đứng gần đó: “Tôi có mỗi mình nó đấy!” Cha cậu thanh niên là ông T.T.H., 64 tuổi, ở đường Tạ Quang Bửu, Q.8. Ông H. bị tai biến liệt nửa người từ 2 năm trước, cậu con trai độc nhất trở thành trụ cột gia đình, và ngày ngày chở cha đi chữa bệnh…

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI