Tại sao hít thở sâu giúp bình tĩnh?

13/05/2017 - 22:00

PNO - Mỗi khi ai đó giận dữ hay lo lắng, chúng ta khuyên họ hãy hít thở sâu để bình tĩnh lại. Tại sao lại như vậy?

Hơn 25 năm trước, các nhà khoa học tại Đại học California (Mỹ) đã lần đầu khám phá về khoảng 3.000 neuron liên kết với nhau trong thân não của động vật, bao gồm cả con người, có vẻ chính chúng đã điều hòa mọi khía cạnh của hơi thở. Họ đặt tên cho những neuron này là yếu tố tạo nhịp thở (pacemaker).

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Stanford và các đại học khác (UCLA) đã bắt đầu sử dụng những kỹ thuật gen phức tạp để nghiên cứu các pacemaker này. Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trên một loại chuột và một nhóm tế bào pacemaker của chúng bị bất hoạt.

Tai sao hit tho sau giup binh tinh?
 

Khi tiêm một loại virus để tiêu diệt nhóm tế bào này, các chú chuột này không còn “thở dài” nữa. Chuột cũng giống người, thường chúng sẽ thở dài trong vài phút dù không nhận ra điều đó. Khi bất hoạt nhóm pacemaker nói trên, việc thở dài cũng biến mất. 

Các nhà khoa học lại cẩn thận bất hoạt từng nhóm tế bào liên quan ở chuột. Sau đó, họ nhận thấy hơi thở của chuột vẫn không thay đổi gì nhiều. Điều bất ngờ xảy ra khi họ chuyển những chú chuột này sang một chiếc lồng khác, mà chiếc lồng này được trang hoàng những thứ khiến bọn chuột phải hoảng sợ và căng thẳng - một tình trạng khiến chuột thở nhanh. Lúc này, không như bình thường, những chú chuột này vẫn ngồi hết sức bình tĩnh.

Để hiểu rõ hơn, các nhà khoa học đã quan sát não bộ của chuột. Kết quả cho thấy, các neuron bị bất hoạt liên kết đến một phần não bộ có liên quan với sự tỉnh thức. Vùng này gửi tín hiệu đến nhiều phần khác nhau của não bộ, khiến chúng ta thức dậy, tỉnh táo, và đôi khi là căng thẳng hoặc điên cuồng. Ở chuột thí nghiệm, vùng não này hoàn toàn im lặng.

Bác sĩ Kenvin Yackle, trưởng nhóm nghiên cứu giải thích: sau khi thở nhanh, các neuron sẽ đánh thức bộ não phản ứng, khiến chuột lo lắng và hoảng loạn. Như vậy, một vài hơi thở nhanh có thể dẫn đến một trạng thái lo lắng, thông qua một cơ chế phản hồi rất nhanh, lại khiến hơi thở trở nên nhanh hơn rồi lại tiếp tục lo lắng hơn. 

Khi không có cơ chế này, chúng sẽ duy trì được trạng thái bình tĩnh, như chú chuột trong thí nghiệm. Điều rút ra từ nghiên cứu là khi hít thở sâu thì không kích hoạt các neuron liên lạc với vùng não tỉnh thức. Do đó mà chúng ta giữ được bình tĩnh. 

Liệu hơi thở sâu có tách biệt khỏi các neuron điều hòa hô hấp, liệu các neuron này có giao tiếp với những phần khác của não bộ mà có liên quan đến việc giữ bình tĩnh? Chúng ta chưa biết được. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu. Và đây là nghiên cứu trên chuột chứ không phải người, mặc dù chúng ta biết những cơ chế này rất giống nhau giữa người và loài gặm nhấm. 

T. T.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI