Khi con làm... "công tử Bạc Liêu"

02/11/2015 - 15:37

PNO - “Con trai tôi có tính rất là… công tử Bạc Liêu. Thằng bé hào phóng quá mức cần thiết, cái gì cũng giành “bao” bạn.

Chị Thanh Mai (Trung Sơn - H.Bình Chánh) bức xúc: "Con trai tôi có tính rất là… công tử Bạc Liêu. Thằng bé hào phóng quá mức cần thiết, cái gì cũng giành “bao” bạn.

Mỗi lần dặn mẹ mua sách là đòi phải mua năm, sáu cuốn, để con cho bạn mỗi người một cuốn. Lớp học thí nghiệm mổ và quan sát con mực, mỗi tổ một con, bạn ấy xung phong đóng góp, bắt mẹ mua luôn năm con, cho các tổ khác. Mùa Trung thu, lớp có hoạt động làm nhân bánh bằng đậu xanh, thay vì mỗi người góp một ít, bé nói các bạn đừng mua, để tui kêu mẹ tui mua và làm luôn một lần cho tiện.

Gần đây nhất, lớp làm tiệc Halloween, mỗi bạn tham gia phải đóng 10.000đ, bé xin luôn 50.000đ để đóng cho các bạn. Mẹ không đồng ý, chỉ cho đúng 10.000đ, bạn ấy kiên quyết không lấy, còn giận lẫy: Vậy thôi, để bạn con đóng cho con.

Nói thật là tôi không thấy thoải mái lắm với tính cách này của con. Chưa kể nhiều hôm quá bận, lại còn phải chạy lo mua cái này cái khác, làm cái này cái kia nên tôi cũng hơi bực mình, trách con “bao đồng” chi cho khổ mẹ.

Khi tôi phàn nàn, cháu cũng nói, hôm nay con trả, hôm khác bạn trả lại cho con… Chồng tôi cũng không đồng ý với cách hành xử và suy nghĩ của cháu. Anh ấy lo cháu quen tính hào phóng, có thể sẽ dễ lập bè kết nhóm, hoặc nếu cháu hiền quá sau này có thể bị người khác lợi dụng.

Tôi muốn cháu cũng như các bạn của cháu phải học bài học đầu tiên là tự chịu trách nhiệm về bản thân mình trước đã, khi nào mình tự làm ra tiền thì mới nên nghĩ đến chuyện chia sẻ hoặc bao bạn bè... Trong trường hợp này, tôi nên xử sự với cháu như thế nào, nên chuyện trò dạy dỗ cháu ra sao?"

Tình huống của chị Thanh Mai đã được nhiều ông bố bà mẹ khác chia sẻ và đồng cảm, nhất là những gia đình có con bắt đầu vào tuổi “teen”, tuổi thích thể hiện, thích chứng minh. Nhiều bà mẹ cũng cho biết, đôi khi rất chạnh lòng khi thấy con chỉ nghĩ cho bạn mà không nghĩ đến những nỗi vất vả của cha mẹ.

Khi con lam...
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thỏa hiệp

Chị Vân Hà (nội trợ, Q.1): Thỉnh thoảng con tôi cũng hay đòi mua cái này cái kia cho bạn. Tôi vẫn cho con theo ý vì con còn nhỏ, một số vấn đề dù có giải thích thế nào con vẫn chưa hiểu được. Tất nhiên, tôi chỉ cho trong trường hợp không quá nhiều. Tôi nghĩ, cũng chẳng đáng bao nhiêu, miễn con vui là được. Nhưng, tôi sẽ không đáp ứng như vậy mãi, mà đợi con lớn thêm chút nữa sẽ giải thích cho con hiểu.

Anh Trần Văn Khanh (kỹ sư, An Phú - Q.2): Tôi thấy chẳng sao, đàn ông mà, rộng rãi một chút cũng tốt. Nếu là tôi, tôi sẽ hỏi cháu nhiều hơn để hiểu động cơ của cháu, ví dụ bạn con mua cho là trai hay là gái, tại sao con muốn làm vậy… Không loại trừ trường hợp cháu bị ép phải mua, hoặc cháu thích một bạn đặc biệt nào đó, rồi bao cả nhóm của bạn đó.

Chị Trần Thị Tới (buôn bán, Q.Tân Phú): Tôi sẽ đưa tiền cho con nhưng với điều kiện, đây là lần cuối cùng. Đồng thời, tôi sẽ nói con nên tiết kiệm tiền vì tiền ba mẹ làm ra không phải dễ, không phải lúc nào hào phóng cũng là tốt.

Kiên quyết không

Chị Võ Thị Mỹ Duyên (giáo viên, Q.Bình Thạnh): Gia đình tôi không giàu có, nhưng nếu có của ăn của để, tôi cũng sẽ giải thích cho con hiểu giá trị của đồng tiền: tiền kiếm ra không phải dễ dàng, phải đánh đổi bằng mồ hôi và công sức, lấy các ví dụ cụ thể mà con từng chứng kiến, như các mảnh đời bất hạnh, trẻ em lang thang ngoài đường phố phải đi đánh giày, bán vé số...

Nếu con không chịu nghe mà cứ khăng khăng đòi làm điều mình muốn, tôi sẽ dùng biện pháp mạnh là ngưng chu cấp tiền ăn vặt cho con trong một khoảng thời gian, để con nhận thức được giá trị của đồng tiền mà thôi vòi vĩnh.

Chị Nguyễn Thị Phương Dung (kế toán, Q.Bình Thạnh): Tôi sẽ không chiều con như vậy. Tôi sẽ giải thích cho con hiểu việc đó là không nên, gia đình cũng không dư dả gì và hướng dẫn con những trường hợp nào thích hợp làm như vậy, những trường hợp nào là không nên. Không phải bất cứ việc gì mà mình trả tiền hay mua giúp bạn bè đều đúng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI