Nỗi buồn thai trứng

17/03/2017 - 14:19

PNO - Mang thai mà không được làm mẹ, không được chào đón thiên thần nhỏ bé ra đời đã là một nỗi đau, nhưng bất hạnh càng nhân đôi, nhân ba với những trường hợp thai trứng,

Mang thai mà không được làm mẹ, không được chào đón thiên thần nhỏ bé ra đời đã là một nỗi đau, nhưng bất hạnh càng nhân đôi, nhân ba với những trường hợp thai trứng, bởi bệnh lý này còn có nguy cơ chuyển thành ung thư bánh nhau. 

Nhiều lần sẩy thai, chữa trứng 
Dù hẹn trước, người viết vẫn khó tìm ra chị Ngô Thị L. (SN 1988 ở huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk) ở hành lang khoa Ung thư phụ khoa, Bệnh viện (BV) Từ Dũ, bởi chị chìm lẫn trong những phụ nữ cùng nhân dạng: tóc rụng gần hết, người gầy ốm, đôi mắt buồn xa xăm. 

Chị L. chia sẻ: “BV Từ Dũ trở thành nhà của tôi hơn năm nay. Mấy lần mang thai, tôi cứ ngỡ được bồng ẵm con, vậy mà…”. Nói đến đó, đôi mắt của cô giáo tiểu học ầng ậng nước. Kết hôn năm 2013 và đến đầu năm 2015, vợ chồng chị L. mới có tin vui. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, chị đi siêu âm ba lần bốn lượt, ghé hết BV này, đến phòng khám kia, kết quả vẫn là không có tim thai. Anh chị vẫn chờ đợi một phép màu, nhưng chưa đầy một tuần sau, khi thai được sáu tuần tuổi thì chị L. bị quặn bụng, ra huyết. Đi khám, BS báo chị đã sẩy thai. 

Mất một năm sau, chị mới có thai lại. Niềm vui dâng tràn kèm nỗi lo sợ mơ hồ của thai kỳ không trọn vẹn trước. Thai qua được cái “dớp” bảy tuần của lần trước - như nhiều người vẫn dọa chị là “trùng thai” sẽ không giữ được, chị thấy nhẹ cả người. Nhưng cũng chỉ vài hôm sau, ngày 22/1/2016, chị bỗng dưng đau bụng dữ dội và ra huyết. Chị ra BV huyện khám, BS cho biết chị bị sẩy thai. 

Noi buon thai trung
 

Chị tâm sự: “Tưởng mọi chuyện đã qua, vậy mà gần một tháng sau, mình lại thấy ra huyết. Lúc đó mình tưởng có kinh lại, nhưng cùng lúc mình lại có cảm giác nghén như mang bầu lần trước: buồn ngủ, nôn ói. Thấy kỳ lạ, mình đi khám ở BV huyện, nơi đây lại bảo mình bị sẩy thai. Mình rất hoang mang, vì không thể có thai liên tục trong khi vợ chồng mình không gần gũi do vẫn kiêng khem từ lần sẩy thai trước.

Một tuần sau, bụng mình vẫn đau và ra huyết, mình lên BV V.A ở Đăk Lăk khám và BS nghi mình bị thai trứng. BS đề nghị mình vào TP.HCM, tới ngay BV Từ Dũ kiểm tra lại. Vào đây, BS khám, làm các xét nghiệm và thông báo là mình bị thai trứng và ung thư nguyên bào nuôi (thai trứng hóa ung thư). Mình chỉ biết khóc. Nghĩ, số mình đã không may đường con cái lại còn mang bệnh…”. 

Hành lang trĩu nặng tâm tư
Chị L., cũng như hàng chục, hàng trăm bệnh nhân bị thai trứng hóa ung thư hay những bệnh lý khác đang điều trị tại khoa Ung thư phụ khoa bấy lâu, thường giấu mình trong chiếc vỏ cứng cỏi, không bi lụy. Thế nhưng, trong lòng các chị chất chứa bao nỗi niềm. Mỗi khi có chuyện buồn, các chị ra hành lang ngó xa xăm - vờ như đang ngắm cảnh và gửi những giọt nước mắt vào đáy lòng. 

Các chị không muốn người thân buồn, cũng như sợ sự thương hại, cộng hưởng của đám đông cùng cảnh khi tiếng khóc của mình sẽ chạm đến những nỗi bất hạnh khác và chúng sẽ vỡ òa. Chiếc ghế cuối dãy là nơi mà Nguyễn Kim T., 18 tuổi ở Q.2 thường hay ra ngồi khóc. Được kết hôn với người yêu, T. thấy hạnh phúc đang rộng mở phía trước, nhất là khi T. làm dâu một gia đình giàu có và hiếm muộn con cháu. Do đó, tin T. có thai là hỷ sự của gia đình nội ngoại. Nhưng, sau nhiều tuần chờ đợi, cái kết là T. vào BV và đối diện với căn bệnh ung thư nguyên bào nuôi do thai trứng. 

Nỗi bất hạnh ập tới làm T. chới với. Cô bé cùng chị L. - hai người trẻ nhất phòng hay ra hành lang chia nhau những nỗi niềm. Tuy cùng cảnh ngộ, nhưng chị L. và mọi người trong phòng đều dành cho T. sự thương cảm, bởi thương cô bé mới vừa từ giã trường trung học đã gánh nỗi đau đàn bà. Bất hạnh không chỉ đến từ bệnh tật, mà còn từ những chuyện buồn gia đình, các chị thường lén ra hành lang khóc khi nghe con cái trốn học vì mẹ vắng nhà lâu hay chồng bỏ đi vì vợ mang bệnh nan y… 

Thai trứng - không thể chủ quan
Nhiều người quan niệm, thai trứng cũng bình thường như sẩy thai, thai ngoài tử cung… Vì vậy, có chị chủ quan không kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ theo chỉ định của BS. Ngược lại, có những  người lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi mình bị thai trứng vì sợ những lần sinh nở sau sẽ khó khăn và trên hết là sợ bị thai trứng có nguy cơ thành ung thư nguyên bào nuôi. Còn với “trường phái vô tư”, thậm chí,  BS yêu cầu theo dõi sức khỏe trong một hoặc hai năm mới sinh em bé, nhưng vợ chồng vừa ham con, vừa thấy mình khỏe nên bất chấp lời khuyên. Vì vậy, có những trường hợp lại bị tiếp thai trứng, thai lưu hoặc sẩy thai, khiến chị em thêm một lần đau buồn và ảnh hưởng sức khỏe.

Theo BS Lê Tự Phương Chi - Phó khoa Ung thư phụ khoa, BV Từ Dũ thì tỷ lệ tiếp nhận chị em bị ung thư từ thai trứng ngày càng tăng. BS Phương Chi cho biết, thai trứng là một bệnh lý lành tính, chiếm khoảng 2% thai kỳ, tuy nhiên chị em không thể chủ quan bởi có khả năng hóa ác. Khoảng trên 80% các trường hợp sau hút thai trứng sẽ trở về bình thường, trong khoảng 20% còn lại nguyên bào nuôi tiếp tục phát triển xâm lấn cơ tử cung (thai trứng xâm lấn), hoặc kèm theo di căn các cơ quan khác (ung thư nguyên bào nuôi). 

Thai trứng là do sự phát triển bất thường của các gai nhau, nguyên bào nuôi phát triển quá nhanh nên tổ chức liên kết bên trong gai nhau cùng với các mạch máu không phát triển theo kịp, các gai nhau không còn tổ chức liên kết và không còn các mạch máu, trở thành các bọc nước. 

Thai trứng có ba dạng: thai trứng toàn phần (không có thai nhi), thai trứng bán phần (có thai nhi) và thai trứng xâm lấn. Trong đó, thai trứng toàn phần có nguy cơ cao bị ung thư nguyên bào nuôi với tỷ lệ 8-29%, thai trứng xâm lấn là 15%, trong đó di căn khoảng 4%. 

Thai trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi trong thời kỳ sinh đẻ, nhưng với phụ nữ càng lớn tuổi thì nguy cơ càng cao. Phụ nữ hơn 40 tuổi có nguy cơ thai trứng toàn phần tăng 5-10 lần. Còn ở phụ nữ 50 tuổi, tần suất thai trứng là 1/3 thai kỳ và nguy cơ bệnh lý nguyên bào nuôi ác tính (GTN) tăng đáng kể. Nguyên nhân thai trứng hiện vẫn chưa biết chính xác, nhưng có thể do thiếu tiền chất vitamin A hoặc bị ảnh hưởng bởi hóa chất, môi trường sống… 

Người mang thai trứng vẫn có đặc điểm của một người mang thai bình thường như ốm nghén, thèm ăn… nhưng  dấu hiệu thai trứng thường không rõ ràng: có thể trễ kinh, ra huyết. Vì vậy, những ai mang thai khi có dấu hiệu: rong kinh, ra huyết, đau bụng cần phải đi khám ngay.  Hiện chưa có một tiêu chuẩn lâm sàng hay bệnh học nào tiên đoán chính xác bệnh nhân nào sẽ tiến triển thành GTN sau thai trứng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải theo dõi sau hút thai trứng, bởi nguy cơ tiến triển thành GTN còn tỷ lệ đáng kể. 

BS Phương Chi nhắc nhở: “Thai trứng không chỉ nguy hiểm vì có nguy cơ hóa ác, mà những biến chứng của thai trứng có thể đe dọa tính mạng như: sẩy thai dẫn đến băng huyết, mất máu… Mặc dù hiện nay thai trứng được chẩn đoán và điều trị sớm nhờ vào siêu âm và xét nghiệm ßhCG, nhưng tỷ lệ diễn tiến thành thai trứng xâm lấn hay ung thư nguyên bào nuôi chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Do đó, việc theo dõi sau hút thai trứng rất quan trọng, không được bỏ qua và một điều may mắn là ung thư nguyên bào nuôi là bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Do đó, cần phải theo dõi sau hút thai trứng cũng như điều trị sớm giúp phòng tránh chuyển qua giai đoạn ung thư. Tuyệt đối, không được bỏ điều trị giữa chừng hay uống thuốc dân gian trì hoãn thời điểm vàng để điều trị bệnh. Đã có những trường hợp, không thích cảnh tới lui BV khám, xét nghiệm thì chuyển qua ung thư nhau thai không hay”. 

Lịch theo dõi sau nạo hút thai trứng
Sau khi nạo hút thai trứng, cần phải đến bệnh viện kiểm tra định kỳ. Thông thường,  hai tuần sau hút nạo, người bệnh cần đến bệnh viện để xét nghiệm định lượng beta hCG. Xét nghiệm này cần được thực hiện vào ngày thứ bảy sau khi hút nạo thai trứng và sau đó làm mỗi tuần (một-hai tuần). Nếu không phát hiện bất thường trong ba lần xét nghiệm liên tiếp thì thực hiện  mỗi tháng trong sáu tháng. Trong quá trình này cần phải tránh thai và thông thường, với trường hợp nguy cơ thấp có thể mang thai lại sau sáu tháng, còn nguy cơ cao thì phải theo dõi một-hai năm và trước khi mang thai lại cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị. 


Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI