Gian lận trong giáo dục: Thượng bất chính, hạ tắc loạn

19/04/2019 - 07:17

PNO - Mọi quy chế, quy định dù được luật hóa đều không thể kín kẽ hoàn toàn. Nếu người làm giáo dục thiếu tự trọng và trách nhiệm thì việc ngăn chặn tiêu cực là vô cùng khó khăn.

“Tham nhũng” giáo dục

Danh sách “thân thế” của 20 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La “lộ” ra khiến dư luận há hốc ồ lên thay cho biểu hiện khi niềm tin bị đánh mất. Hóa ra có ai xa lạ đâu, toàn là con cháu cán bộ. Bởi thế, không ai có thể tin nổi vào lời kêu thảng thốt của vị bí thư tỉnh ủy kia: không hiểu vì sao con ông tự dưng bị nâng điểm! Làm gì có chuyện tự nhiên, làm gì có điểm tặng từ trên trời rơi trúng đầu con cháu nhà thường dân! Nếu là con nhà thường dân thì làm sao có cơ hội “lại quả” tương xứng cho kỳ công nâng điểm. Lại quả không hẳn là vật chất, đôi khi đó là “mua” sự hài lòng cho một mối quan hệ. Sự hài lòng đó mang đến điều gì thì ai cũng hiểu. Người ta định nghĩa cuộc “mua vui” này là hối lộ và tham nhũng. 

Khi chúng tôi đặt vấn đề này, ông giáo đã nghỉ hưu Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thở dài: cái gốc vẫn nằm ở con người. Quy định không thiếu, mối quan hệ đồng nghiệp - xã hội thì thời nào cũng tồn tại. Vì vậy, điều cần là người làm giáo dục phải tự trọng, làm hết trách nhiệm đúng với vai trò của mình, là người phát hiện kẽ hở của luật để khắc phục, sửa chữa, chứ không phải lợi dụng để thủ lợi. 

Gian lan trong giao duc: Thuong bat chinh, ha tac loan
Danh sách thí sinh được nâng điểm ở Sơn La

Thời còn đương nhiệm, ông phụ trách mảng khảo thí. Có năm, con trai của một phó giám đốc sở - người đồng cấp với ông thi trượt tốt nghiệp THPT nhưng ông không du di một ai và vẫn kiên quyết đánh rớt khi chấm phúc khảo. “Trên thực tế, không ai đặt vấn đề gì với tôi cả, nhưng một số anh em cấp dưới có hy vọng tôi sẽ du di cho cháu để sau khi chấm phúc khảo, cháu sẽ đủ điểm tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tôi đã chỉ đạo: cứ làm đúng quy định. Và năm đó, cháu rớt. Năm sau, cháu đăng ký học bổ túc văn hóa và tôi chính là thầy giáo dạy toán của cháu ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn. Đó là một học sinh rất thông minh, rất đặc biệt, chỉ vì một chút lơ là mà rớt tốt nghiệp. Cuối năm đó cháu đậu tốt nghiệp THPT với điểm số khá cao, các môn khác tôi không nhớ nhưng môn toán là 8,5 điểm. Tôi tin cháu đã rất hãnh diện khi cầm tấm bằng tốt nghiệp vì đó chính là năng lực và sự cố gắng của mình, không phải nhờ vả ai”, thầy Ngai kể.

Hồi ông làm hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu cũng có một trường hợp tương tự, và thay vì nâng điểm để con của đồng nghiệp không phải thi lại thì ông giáo làng đã chọn cách trở thành gia sư ôn tập cho học trò. Bởi “quan niệm năng lực như thế nào thì các em nhận điểm số như thế ấy. Việc nâng điểm cho học trò gây tác hại rất lớn: các em sẽ ỷ lại, không có trách nhiệm với chuyện học. Chưa kể các em sẽ nhìn cuộc sống bằng con mắt lệch lạc: cứ người thân có chức, có quyền là sẽ giải quyết được mọi việc...”, thầy Ngai bộc bạch.

Phải đủ sức chấm dứt sai phạm

Trúng tuyển hàng thủ khoa các trường top đầu!

Danh sách thí sinh gian lận điểm ở tỉnh Hòa Bình gây sốc dư luận khi có thí sinh từ 1 điểm/3 môn được nâng thành 27,5 điểm. Rất nhiều thí sinh tự do đăng ký dự thi THPT quốc gia ở tỉnh này được “phù phép” để có mức điểm khủng mà bất cứ thí sinh nào cũng mơ ước. 

Trong danh sách 474 thí sinh trúng tuyển vào hệ quân sự, hai thí sinh điểm cao nhất đạt 28,7 và 28,25 đều ở cụm thi tỉnh Hòa Bình. Thủ khoa của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và thủ khoa của Trường Sĩ quan Phòng hóa cũng đều là thí sinh tỉnh Hòa Bình…

Hầu hết các thí sinh được nâng điểm đều đang học tại các trường đại học danh giá ở TP.Hà Nội. Trường đại học Kinh tế Quốc dân có 2/5 sinh viên của tỉnh Hòa Bình có điểm thi chấm thẩm định thấp hơn mức điểm chuẩn thấp nhất của trường năm 2018. Trường đã thu hồi quyết định trúng tuyển, buộc thôi học hai sinh viên trên… Cục Đào tạo - Bộ Công an cho biết đã trả 28 thí sinh tỉnh Hòa Bình về địa phương do liên quan đến tiêu cực thi cử.

Trong vụ án gian lận thi cử tại Sơn La đã có sáu người của ngành giáo dục tỉnh này bị khởi tố điều tra. Nay lại “lộ diện” thêm một phó giám đốc sở - ông Nguyễn Duy Hoàng, chánh thanh tra sở - ông Phan Ngọc Sơn và một trưởng phòng khác của Sở GD-ĐT là ông Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng phòng Giáo dục trung học) có con nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đang xác minh một “nhánh” chạy điểm liên quan tới một phó trưởng phòng khác của Sở GD-ĐT Sơn La… Càng đi sâu càng thấy diện liên quan rất rộng và phức tạp. Nó có quá nhiều dấu hiệu khiến chúng ta tin rằng tiêu cực không chỉ diễn ra tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Thi cử còn có thể tin tưởng được nữa không? Nhưng đặt giả thiết, nếu bỏ thi, để địa phương tự xét thì liệu học giả - thi dối có trở thành chuyện thường ngày ở huyện?

Người lớn gian lận không chỉ mang cho con trẻ một cái nhìn lệch lạc, mà nó còn cướp đi cơ hội của những học trò khác không có thân thế và điều kiện được hưởng sự ưu ái sai trái này. Những thủ khoa kép, á khoa đầu vào, suất đại học lẽ ra đã thuộc về người khác. Nếu như sự việc không vỡ lở thì sẽ có ngần ấy thí sinh bị tước quyền mà lẽ ra các em được hưởng.

Để trả chuyện học về với bản chất trung thực và sự công bằng cho mọi đối tượng người học, theo nhiều ý kiến là phải xử lý nghiêm sai phạm sao cho đủ sức răn đe để không còn tiêu cực. Đại đa số ý kiến đều yêu cầu: công khai danh tính là một giải pháp răn đe. Đây là sự xấu hổ cần thiết để nhìn lại bản thân, nhất là khi các em đủ 18 tuổi, phải chịu trách nhiệm với tương lai của mình.

Gian lan trong giao duc: Thuong bat chinh, ha tac loan
Nhiều cán bộ của ngành giáo dục tỉnh Sơn La có con nằm trong danh sách được nâng điểm

Mọi biện pháp kỹ thuật hay kỹ cương phòng thi cũng chỉ là rào chắn dành cho những người nghiêm túc, có tự trọng và tôn trọng luật chơi. Còn đã muốn phạm luật thì mọi quy chế đều có khe hở. Tại cuộc khảo sát kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, nhìn nhận: không có một quy trình nào đảm bảo tuyệt đối khi người thực hiện quy trình đó cố tình gian lận nên ngành giáo dục Bắc Giang chú trọng đến việc lựa chọn nhân sự để đảm nhiệm các công việc nhạy cảm, đòi hỏi trách nhiệm cao. Đồng thời cũng chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Ông Nguyễn Văn Ngai khẳng định: để chống tiêu cực, mấu chốt vẫn là chọn được người có năng lực, có đạo đức và dám chịu trách nhiệm việc mình làm. Phải kết hợp được cả hai yếu tố, đó là con người và luật. Quy chế cũng không thể quá lỏng lẻo, càng chặt chẽ càng tốt. Con người giúp phát hiện những thiếu sót của luật qua từng thời điểm, vụ việc để hoàn thiện. Có câu "thượng bất chính hạ tắc loạn", vì vậy, cấp trên phải giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm thì tiêu cực sẽ được hạn chế. 

Lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi đúng quy chế

Đó là nhắc nhở của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh đối với các địa phương khi bộ này có cuộc kiểm tra giám sát sự chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo ông Mai Văn Trinh, điều quan trọng là các địa phương cần lựa chọn nhân sự tham gia thực hiện kỳ thi đúng quy chế, trường hợp nào được tham gia, trường hợp nào không. Về cơ sở vật chất chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, cục này yêu cầu các địa phương cần kiểm tra chất lượng và số lượng camera an ninh, nhất là chuẩn bị thật tốt khu vực in sao đề thi.

Tuy Bộ GD-ĐT tăng cường các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tái diễn gian lận thi cử nghiêm trọng như kỳ thi năm 2018 nhưng chính ông Trinh cũng thừa nhận, quy trình có chặt chẽ, thiết bị kỹ thuật tối tân nhưng con người không có trách nhiệm, chủ động làm trái quy chế thì việc ngăn chặn tiêu cực là vô cùng khó khăn. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 có thành công hay không còn nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan, các trường đại học được bố trí tại địa phương. 

Dung Nhi

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI