Làm vợ lính, với em, cái ngắt má là 'huy chương' anh tặng

22/12/2017 - 09:56

PNO - Dâu nhà binh - chồng có cũng như không: đám tiệc hai bên, mình em lo; em bệnh, tự chăm sóc; cây đinh treo lịch rớt, em tự đóng lại...

Dịp kỷ niệm ngày Truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 năm ấy, anh bộ đội về Bến Tre công tác. Trên chuyến phà Rạch Miễu, anh bắt gặp một bóng dáng nhỏ xinh, tóc cột hai chùm, một tay xách va-li nặng, một tay xách giỏ bánh mì. Tính bắt chuyện rồi lại ngại, ngại mà vẫn bồn chồn. Phà chỉ cho anh vỏn vẹn 20 phút.

Lam vo linh, vói em, cái ngát má là 'huy chuong' anh tạng
Ảnh minh họa

Anh tiến tới làm quen, rồi xin địa chỉ của cô. Cô lắc đầu, anh nhanh trí, lấy tờ giấy nhỏ, viết địa chỉ của mình, trao em, nài nỉ: “Đời lính xa nhà, buồn lắm! Em viết thư gửi ai cũng vậy, gửi giùm anh, anh cảm ơn”.

Một đêm, nhóm bạn đến phòng trọ chơi, em vui miệng kể chuyện anh lính trên chuyến phà. Lũ bạn nhao nhao bày cách chọc phá bằng kịch bản: em đóng giả là người yêu của cô gái tóc hai chùm ấy, viết thư cho anh bộ đội, yêu cầu anh ta giải trình tại sao có tờ giấy biên địa chỉ của anh trong hành lý của cô gái.

Lạ là trong thư phản hồi, anh bộ đội luôn gửi kèm vài bao thư và tem, ngầm mong hồi âm. Thì ra từ đầu, anh lính đã ngờ ngợ nhận ra trò đùa của cô em ẩn sau những câu chữ khiếm nhã của “chàng người yêu” đang ghen tức. 

Lương lính khiêm tốn, mỗi lần về phép, anh chỉ mua tặng kem đánh răng, dầu gội đầu, tập viết… Mấy năm sau ngày em ra trường, công việc vẫn bấp bênh, hai đứa quyết định tổ chức một đám cưới nghèo. Cưới chưa bao lâu, anh phải ra Bắc học, em ở Nam vò võ ngóng chờ. Dâu nhà binh - chồng có cũng như không: đám tiệc hai bên, mình em lo; em bệnh, tự chăm sóc; cây đinh treo lịch rớt, em tự đóng lại...

Khó khăn trong công việc, em chẳng biết tâm sự cùng ai, chỉ gửi gắm tâm tư vào trang thư gửi chồng. Sau mấy tháng học, anh được nghỉ hè, vợ chồng vét hết tiền cũng không đủ mua vé máy bay, đành để anh đi xe khách mất mấy ngày.

Lam vo linh, vói em, cái ngát má là 'huy chuong' anh tạng
Ảnh minh họa

Mãn khóa, anh về đóng quân ở ven thành phố. Vợ chồng chỉ “bớt xa” chứ chẳng được gần. Nhớ ngày vào đơn vị thăm anh, em cảm động thấy anh khệ nệ khiêng miếng ván to chèn cánh cửa nhà tắm bị mối ăn mục ruỗng, hớ hênh. Rồi anh lui cui nấu thêm mấy món bên cạnh khẩu phần người lính.

Anh nói: “Em có em bé, phải ăn hai suất mới đủ… nuôi quân”. Bên cạnh những quân trang, tài liệu quân sự của anh có quyển sổ nhỏ bìa xanh bí hiểm. Em giở ra xem, cảm xúc dâng trào với những dòng nhật ký nhớ thương vợ, ghi cả độ phát triển của em bé qua mỗi tuần thai.

Ngày sinh con, may mà anh kịp về khi em chuyển dạ. Mấy ngày bên vợ, bên con, anh lại quày quả đi, sau khi ra chợ mua khăn, giấy, phấn, dầu… và không quên lau dọn nhà, “thanh toán” đống chén bát, giặt, phơi tã vải…

Từ giã, trăm lần như một, anh ngắt má em, nói: “Ở xa thấy thương, ở gần thấy thường. Thôi trót là dâu nhà binh thì ráng hy sinh, em nhé”. Với em, cái ngắt má ấy là “huy chương” anh tặng. 

Hằng Ngôn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI