Tăng hợp tác quốc tế về quản lý các vùng châu thổ

21/05/2013 - 16:32

PNO - PNO - Trong chuỗi sự kiện Đối thoại toàn cầu về châu thổ, ngày 21/5/2013, tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Quỹ đất ngập nước Hoa Kỳ (America’s Wetland Foundation - AWF), Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại sứ quán...

Hội nghị kéo dài đến ngày 23/5/2013.

 Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai bày tỏ lo ngại về tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, sự nóng lên của toàn cầu và mực nước biển dâng đối với các vùng đồng bằng châu thổ, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long. Để ứng phó với những thách thức đó, Thứ trưởng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và triển khai nhiều chiến lược và chương trình cụ thể, đồng thời coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng Diễn đàn đối thoại toàn cầu về châu thổ năm 2013 sẽ là cơ hội tốt để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, phát triển và đối phó với những thách thức tại các vùng châu thổ, đặc biệt là vùng châu thổ sông Mê Công.

Tang hop tac quoc te ve quan ly cac vung chau tho

Quang cảnh hội nghị

Các đại biểu đã thảo luận và trao đổi các vấn đề liên quan tầm nhìn dài hạn cho phát triển khu vực Đồng bằng sông Mê Công, kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Mississippi, và các giải pháp chung sống với lũ tại lưu vực sông Mê Công và các vùng duyên hải của Việt Nam.

Đây là hội nghị lần thứ 2 của Đối thoại toàn cầu về châu thổ (lần thứ nhất diễn ra tại Louisiana, Hoa Kỳ năm 2010). Với chủ đề “Giải pháp cho hệ sinh thái trước những hậu quả không lường trước”, hội nghị tập trung trao đổi vai trò của khu vực Đồng bằng sông Mê Công trong phát triển kinh tế và cân bằng sinh thái, các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển hệ sinh thái, giải pháp chung sống với lũ tại lưu vực sông Mê Công và các vùng duyên hải của Việt Nam.

Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, việc khai thác bền vững ĐBSCL sẽ chủ yếu dựa vào năng lực thích ứng tại chỗ của cư dân vùng đồng bằng này với sự hỗ trợ của quốc gia và các nguồn lực quốc tế, đồng thời hình thành những nhận thức mới về các thách thức đối với ĐBSCL hiện tại và tương lai; từ đó từng bước xây dựng và hoàn thiện dần các chiến lược phát triển bền vững cho vùng đất cực kỳ quan trọng này của đất nước.

Trình bày tại hội nghị, Chủ tịch Tổ chức Đất ngập nước Hoa Kỳ cho biết, ông đến đồng bằng Mê Công để tìm câu trả lời và đánh giá những bài học rút ra từ nỗ lực phục hồi đồng bằng sông Mississippi, một trong những tài sản hữu ích nhất của Hoa Kỳ.

Theo ông Stephen Gambrell, Giám đốc điều hành Ủy ban sông Mississippi, các đối thoại sẽ xoay quanh các chủ đề ngăn chặn những “hậu quả không dự tính trước”, một thuật ngữ dùng để nói về cách quản lý hệ thống các con sông lớn và những hành động gây ra hậu quả tiêu cực và tốn kém chi phí. Ông đã minh họa bằng những ví dụ về hậu quả không dự tính trước do việc quản lý sông gây ra cách đây nhiều thập kỷ đã làm cho các vùng đất ngập nước của Hoa Kỳ bị mất nhiều đất với tỷ lệ nhanh nhất thế giới.

Hoàng Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI