Sợ sóng siêu âm không đi khám, thai phụ đau đớn khi biết con chết lưu lúc nào không hay

28/09/2017 - 14:37

PNO - Khám thai lần đầu thấy thai hoàn toàn khỏe mạnh, chị M. không khám thai nữa vì sợ sóng siêu âm ảnh hưởng đến thai, không ngờ thai chết lưu lúc nào chị cũng không hay.

Khám thai lần đầu thấy thai hoàn toàn khỏe mạnh, chị Lê Ngọc M. (30 tuổi, ở Tiền Giang) không khám thai nữa vì sợ sóng siêu âm ảnh hưởng đến thai nhi, không ngờ thai chết lưu lúc nào chị cũng không hay.

Theo chị M., khi chị mang thai được 22 tuần, chị đi khám thai, siêu âm ở quê thấy con mình khỏe mạnh với các chỉ số thai nhi bình thường nên khá yên tâm. Sau đó, chị được người nhà “tư vấn” đừng đi siêu âm nữa vì sóng từ các thiết bị sẽ không tốt cho thai nhi nên chị quyết định ở nhà chờ sinh, không đi khám thai định kỳ nữa.

So song sieu am khong di kham, thai phu dau don khi biet con chet luu luc nao khong hay
Siêu âm thai định kỳ theo lời bác sĩ. Ảnh Internet.

Tuy nhiên, đến tuần thứ 30, chị đột nhiên bị chóng mặt, mờ mắt, nước tiểu có màu nâu đỏ khác thường, người mệt mỏi, lịm dần. Cả nhà chị hốt hoảng nên đưa chị đến Bệnh viện Đại hịc Y Dược TP.HCM thăm khám.

Khi chị M. đến bệnh viện, huyết áp chị khá cao, kèm theo rối loạn đông máu, suy chức năng gan, tổn thương võng mạc. Qua các xét nghiệm, kiểm tra, chị M. được các bác sĩ tại đây chẩn đoán tiền sản giật nặng, thai nhi bị suy dinh dưỡng, chết lưu trong bụng mẹ từ lúc nào chị cũng không biết.

“Tôi luôn suy nghĩ sóng siêu âm có hại không? Rồi sợ con bị ảnh hưởng khi phải siêu âm đi, siêu âm lại hàng tháng, đến bệnh viện cũng có thể lây nhiễm những bệnh khác.

Tôi quyết định không đi khám nữa mà sẽ tự cảm nhận được sức khỏe con mình vì lúc này bé đã biết máy, biết gò rồi. Tôi vẫn cảm nhận thai mỗi ngày, có lúc tôi cảm giác bụng của mình “im lặng” nhưng nghĩ bé ngủ thôi, không ngờ bé chết lưu mà không biết”, chị M. nói.

So song sieu am khong di kham, thai phu dau don khi biet con chet luu luc nao khong hay
Thai phụ nên đi khám thai định kỳ để tầm soát nguy cơ và theo dõi kỹ sự phát triển của thai nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nhật Thăng, Trưởng đơn vị Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyên: Trong giai đoạn mang thai, cơ thể phụ nữ có những thay đổi liên tục và khó dự đoán.

Khám thai định kỳ là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ thường gặp, chẩn đoán sớm những dị tật bẩm sinh của thai nhi. Từ đó, thai phụ, bác sĩ sẽ cùng lập kế hoạch theo dõi để trẻ ra đời an toàn, cũng như điều trị sơ sinh kịp thời cho những khiếm khuyết bẩm sinh ở trẻ.

So song sieu am khong di kham, thai phu dau don khi biet con chet luu luc nao khong hay
 

Bác sĩ Thăng cho biết: “Hiện nay, các bệnh lý thai kỳ ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Bệnh nhân không nên chờ đến khi xuất hiện những triệu chứng bất thường mới đi khám. 

Thai phụ phải bắt đầu chăm sóc tiền sản ngay từ 3 tháng đầu thai kì, duy trì việc thăm khám định kì cho đến ngày sinh nở. Chị M. vì không tìm hiểu, tự ý quyết định  không theo dõi thai kỳ thường xuyên nên thai chết lưu rất đáng tiếc”.

Không được phát hiện kịp thời, thai nhi có nguy cơ sinh non, hoặc phải chủ động kết thúc thai kỳ nhằm bảo vệ người mẹ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI