Phụ huynh 'dậy sóng' với vitamin K, bác sĩ nói gì?

04/07/2017 - 11:30

PNO - Thời gian đần đây, nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng vì tiêm vitamin K mà con của họ liên tục bệnh, nóng sốt, mệt mỏi,… Họ bức xúc khi từ chối cho con tiêm vitamin K, bệnh viện lại không cấp giấy chứng sinh cho trẻ.

Những ngày qua, nhiều phụ huynh phản ảnh với báo Phụ Nữ TP.HCM rằng, nhân viên y tế tiêm vitamin K cho con của họ, khiến trẻ bị nhiều biến chứng, nóng sốt, mệt mỏi.

Nhiều phụ huynh còn cho rằng con đầu của họ không tiêm vitamin K nên luôn khỏe mạnh, còn bé kế tiếp vì tiêm loại vitamin này mà bệnh vặt vẹo suốt ngày. 

Phu huynh 'day song' voi vitamin K, bac si noi gi?
Trẻ sơ sinh cần được tiêm vitamin K sau khi sinh khoảng 6 giờ


Anh T.N.N. than thở: “Lúc con tôi mới sinh, bệnh viện bắt phải tiêm vitamin K1, ngừa lao, viêm gan B... Tôi và vợ tôi không đồng ý cho cháu tiêm nhưng vì vợ tôi vừa sinh xong thì phải ở phòng hồi sức, người nhà bị cách ly, con bị tiêm lúc nào không biết.

Vitamin K có ba loại, gồm: vitamin K1, K2, K3. Trong đó, vitamin K1 là loại vitamin tự nhiên, được bệnh viện sử dụng để tiêm cho trẻ nhiều nhất.

Mang bức xúc nói với nhân viên y tế thì họ bảo nếu người nhà không đồng ý tiêm, họ sẽ không làm giấy chứng sinh cho bé nên đành chấp nhận. Đi tiêm về bé thường khóc thét, khó chịu suốt cả đêm không ngủ được”.

Thậm chí trên các trang mạng xã hội, nhiều bà mẹ bỉm sữa "dậy sóng" kêu gọi tẩy chay chích vắc-xin.

Phu huynh 'day song' voi vitamin K, bac si noi gi?
Bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh


Như trường hợp chị D.L. chia sẻ: “ Bé Cà nhà mình không tiêm bất cứ một mũi vắc-xin nào. Trộm vía, đến giờ gần 2 tuổi vẫn rất khỏe mạnh. Mình sẽ không cho con uống sữa động vật, chích vắc-xin, thức ăn công nghiệp…"

Đặc biệt, bà mẹ này còn tẩy chay cả bác sĩ lẫn báo chí về định hướng tuyên truyền chích vắc xin ngừa bệnh cho trẻ.

Trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Thủy Tiên, Trưởng khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương, cho biết trẻ sơ sinh nếu thiếu vitamin K rất dễ bị xuất huyết, trong khi đó sữa mẹ không đủ lượng vitamin này.

Để hạn chế tử vong ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vitamin K khi trẻ mới lọt lòng.

Phu huynh 'day song' voi vitamin K, bac si noi gi?
Trước khi tiêm vitamin K1 cho trẻ sơ sinh, nữ hộ sinh Vũ Thị Tố Chinh luôn thông báo và nói tác dụng của loại vitamin này với sản phụ.


Giải thích về việc trẻ sơ sinh trong vòng 6 giờ đầu nên được tiêm vitamin K1, bác sĩ Tiên cho rằng trẻ sơ sinh chủ yếu được nuôi bằng sữa mẹ, nhưng hàm lượng vitamin K1 có trong sữa mẹ thấp, không đủ để bổ sung cho trẻ. 

Trẻ cũng khó hấp thu vitamin K1 nhau thai nên lượng dự trữ vitamin K ở trẻ mới sinh cũng rất thấp. Bên cạnh đó, hệ vi khuẩn ở ruột của trẻ chưa phát triển nên chưa tổng hợp được vitamin K dẫn đến nhiều trẻ sinh ra đều có khả năng thiếu vitamin K rất cao.

Trẻ sơ sinh thiếu vitamin K rất dễ bị xuất huyết, bao gồm xuất huyết đường ruột, nội tạng,… Trong đó thường gặp nhất là xuất huyết não, màng não gây ra tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề cho trẻ sau này.

Phu huynh 'day song' voi vitamin K, bac si noi gi?
"Không có việc con phải tách khỏi mẹ khi tiêm vitamin K1, vì khi bé được tiêm ở trạng thái da tiếp da với mẹ, được mẹ ôm thì sẽ đỡ đau hơn", chị Tố Chinh nói


Bác sĩ Tiên cho biết: “Tiêm vitamin K1 cho trẻ mới sinh là một biện pháp dự phòng chủ động về xuất huyết cho trẻ. Ngoài ra, vitamin K1 còn có thể tiêm để điều trị cho trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào nếu trẻ bị rối loạn đông máu, xuất huyết trong, xuất huyết tiêu hóa,… Vitamin này là loại vitamin lành tính, hầu như không gây ra dị ứng, hay biến chứng gì”.

Dù tiêm vitamin K1 cho trẻ là chương trình bắt buộc của Bộ Y tế, tuy nhiên lúc nào nhân viên y tế cũng phải thông báo cho sản phụ trước khi tiêm vitamin này cho trẻ.

Sản phụ có quyền từ chối tiêm, không có việc sản phụ từ chối mà bé không được làm giấy chứng sinh, bác sĩ Bùi Thị Thủy Tiên, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM khẳng định.

Theo nữ hộ sinh Vũ Thị Tố Chinh, phó tua trực khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương, người thường xuyên tiêm vitamin K1 cho trẻ sơ sinh: Mỗi ngày khoa Sanh tiếp nhận khoảng 80 trẻ, ngày cao điểm có thể lên tới hơn 100 trẻ.

Tất cả trẻ sơ sinh khi nhận về khoa đều được tiêm vitamin K sau vài giờ sinh. Người tiêm cũng phải theo dõi trẻ sau tiêm khoảng 6 giờ đồng hồ để phòng ngừa, phát hiện và xử lý ngay biến chứng (nếu có).

“Sản phụ dù ở nông thôn hay thành thị khi được thông báo và giải thích về việc tiêm vitamin K, tất cả họ đều đồng ý. Chưa có trường hợp nào từ chối tiêm vitamin K. Bệnh viện cũng chưa gặp một biến chứng nào sau khi trẻ được tiêm”, chị Tố Chinh nói.

Vai trò vitamin K

Vitamin K là một vitamin tan được trong chất béo, chúng thường được “lưu trữ” trong mô mỡ và gan. Vitamin K đóng một vai trò đặc biệt trong quá trình làm đông máu, tránh xuất hiện chảy máu ở trẻ.

Vitamin K là yếu tố quan trọng trong quá trình tạo các yếu tố đông máu cho cơ thể. Ở trẻ lớn, cơ thể được cung cấp vitamin K từ các vi khuẩn đường ruột và thức ăn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh có thể phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm trên chỉ bằng một liều 1mg vitamin K1 tiêm bắp cho trẻ trong 6 giờ đầu sau khi sinh. Trong giai đoạn sơ sinh cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện nhi để tiêm nhắc lại vitamin K1 khi có các dấu hiệu chảy máu.

Ngoài ra, với trẻ lớn, thường trên 3 tuổi nếu thấy các dấu hiệu trẻ thiếu vitamin K như: nôn ói, thóp phồng lên, co gồng, li bì, hôn mê, yếu liệt chi, rối loạn nhịp thở,… thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để trẻ được kiểm tra và bổ sung vitamin K kịp thời.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI