Phía sau những bước chân trong đêm của người mẹ làm nghề điều dưỡng

08/03/2018 - 18:52

PNO - Trở về nhà khi kim đồng hồ đã nhích dần sang con số 11, người mẹ bật khóc khi con trai lúc nào cũng thức để chờ mẹ về.

Cảm thấy có lỗi với con vì dành gần như toàn thời gian cho công việc tại bệnh viện và sau đó là đi học ở trường, điều dưỡng Nguyễn Thị Hoàng Oanh thủ thỉ hỏi con trai 6 tuổi: “Con có muốn mẹ làm nghề khác để có thể về sớm cùng con không?”. “Mẹ cứ đi làm đi. Con ở nhà có bà ngoại, con không có buồn mẹ đâu”, câu trả lời của con trai khiến chị hạnh phúc đến lặng người.

Chọn bệnh truyền nhiễm làm cái nghiệp của đời mình

Những căn bệnh như SARS, cúm H1N1/H7N1, Ebola, Mers-coV, HIV/AIDS hoặc nhẹ hơn thì thủy đậu, uốn ván, sốt xuất huyết... đã theo nghề của chị suốt 11 năm nay.

Phia sau nhung buoc chan trong dem cua nguoi me lam nghe dieu duong
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Chị bảo: “Người ta nói rằng cái gì thì cũng quen. Với các bác sĩ, điều dưỡng nói chung, sống với những căn bệnh truyền nhiễm vùng nhiệt đới này riết rồi cũng quen. Quen đến mức nếu cho quay ngược thời gian, tôi vẫn chọn nghề này như cái nghiệp của đời mình.

Những căn bệnh như cúm hay SARS, ai cũng sợ. Các cô điều dưỡng cũng sợ mà. Nhưng nếu chúng tôi không chăm sóc bệnh nhân thì ai làm nữa. Mỗi người mỗi việc. Đó là sự phân công của xã hội rồi”.

Phia sau nhung buoc chan trong dem cua nguoi me lam nghe dieu duong
Điều dưỡng Hoàng Oanh chăm sóc cho bệnh nhân nặng

Như tên gọi của mình, khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực & Chống độc người lớn là một trong những nơi “nguy hiểm” nhất của bệnh viện. Với bệnh nhân, khi vào đây nghĩa là đối mặt với các bệnh nhiễm trùng nặng; các bệnh dịch nguy hiểm có nguy cơ tử vong cần phải được hồi sức tích cực.

Khi bệnh nhân nặng, nằm ở ngưỡng cửa của sự sống và cái chết thì công việc của nhân viên y tế lại càng thêm căng thẳng. Chị bảo: “Trên người bệnh nhân đầy những bóng nước, phủ kín từ đầu xuống đến tận chân. Có bóng nước vỡ ra. Người thân của họ nhìn thôi cũng thấy sợ, nhưng điều dưỡng lại không được từ chối”.

Từ chuyện ăn uống cho đến vệ sinh cơ thể, kể cả vệ sinh bộ phận sinh dục, vệ sinh vết thương chứa đầy máu mủ... điều dưỡng phải làm. Điều dưỡng Hoàng Oanh cho biết: “Nếu bệnh nhân không được vệ sinh sạch sẽ, chăm sóc kỹ lưỡng, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm trùng. Khi đó, chuyện điều trị lại càng kéo dài và rất khó hồi phục”.

Phia sau nhung buoc chan trong dem cua nguoi me lam nghe dieu duong
 

Có những điều thật đơn giản nhưng mỗi khi bàn giao ca trực, các điều dưỡng thường hỏi nhau: “Bệnh nhân này tiểu tiện được chưa?”. Điều dưỡng Hoàng Oanh giải thích: “Bệnh nhân phòng hồi sức thường là hôn mê, không điều khiển được tiêu tiểu. Nếu điều dưỡng không để ý chuyện này, bí tiểu lâu ngày, bệnh nhân sẽ rất khó chịu, kích động, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị”.

Nỗ lực là vậy, nhưng có những bệnh nhân thời gian sống trên cõi đời chỉ tính bằng phút. Có khi vừa mới nói chuyện với bệnh nhân xong, vừa quay lưng lại thì họ đã ra đi.

Phia sau nhung buoc chan trong dem cua nguoi me lam nghe dieu duong
Điều dưỡng Hoàng Oanh và đồng nghiệp tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Lý giải về sự lựa chọn nghề nghiệp, nữ điều dưỡng cho biết có lẽ bắt nguồn từ câu chuyện bệnh tật của những người thân trong gia đình. Vào năm 2004, người cậu ruột của chị bị phát hiện mắc virus HIV. Không có tiền để nằm viện và e ngại xã hội biết đến căn bệnh của mình, người cậu nhờ cháu ruột chăm sóc mỗi ngày. Chị nhớ mãi trước khi nhắm mắt, người cậu chỉ thốt lên với chị ruột của mình: “Chị ơi, cứu em với. Đừng cho ai biết chuyện em bị mắc HIV”.

Sự đau đớn, khốn khổ của con người trước bệnh tật đã khiến chị Hoàng Oanh suy nghĩ rất nhiều: “Phải làm sao để giúp họ bớt đi những cơn đau vì thể xác bị tàn phá, tâm hồn bị suy sụp”. Những dòng suy nghĩ miên man ấy cứ lớn dần cho đến ngày ra trường, chị đặt bút chọn nhiệm sở là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM mà chẳng hề phải nghĩ suy nhiều.

Phia sau nhung buoc chan trong dem cua nguoi me lam nghe dieu duong
Những điều dưỡng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân

Con cho phép nhưng mẹ nào dám lấy chồng

Hầu như ngày nào, điều dưỡng Nguyễn Thị Hoàng Oanh cũng về đến nhà vào khoảng 23 giờ đêm. Và giấc ngủ muộn màng cũng tìm đến chị sau những giờ trằn trọc âu lo nhưng hiếm khi nó trôi qua bình yên ngon giấc.

Trước khi chìm vào giấc ngủ vào lúc khoảng 3-4 giờ sáng là những cơn trằn trọc khó ngủ. Trong giấc ngủ của chị, vẫn thường vang lên những tiếng kêu bíp bíp của máy thở, tiếng bệnh nhân la hét, tiếng băng ca rầm rập đẩy bệnh nhân vào phòng hồi sức cấp cứu… Chị gọi tình trạng của mình bằng cái tên: rối loạn giấc ngủ.

Phia sau nhung buoc chan trong dem cua nguoi me lam nghe dieu duong
 

Người phụ nữ này chọn cho mình một lịch trình làm việc mà nhiều người né tránh. Chị chọn trực ca chiều và tối. Những ai có gia đình hầu như chẳng muốn điều này vì ai cũng cần có một bữa cơm tối gia đình chung với nhau. Nữ điều dưỡng Hoàng Oanh chọn cho mình buổi sáng để dành cho mẹ ruột.

Trước khi đi làm, chị muốn tự tay đi chợ, nấu cho mẹ một bữa cơm trưa tươm tất. Chị tự hào khi chia sẻ sự cố gắng của mình đã giúp mẹ chống chọi với căn bệnh ung thư vú sang năm thứ 18. Và từ nhiều năm nay, gia đình nhỏ này đã vắng bóng người chồng, người cha của con chị nên đôi khi chị chạnh lòng tủi thân, chị lại nghĩ không biết có phải do quá bận rộn mà anh chị chẳng thể chia sẻ được cùng nhau.

Phia sau nhung buoc chan trong dem cua nguoi me lam nghe dieu duong
 

Nhưng hạnh phúc dường như là điều có thật và đã không bỏ rơi chị. Con trai 6 tuổi của chị là món quà tuyệt vời mà cuộc đời dành tặng riêng cho người mẹ đơn thân và vất vả này.

Hơn 11 năm gắn bó với nghề, với nữ điều dưỡng Hoàng Oanh, niềm vui sướng nhất chính là những lần được chúc mừng bệnh nhân ra viện. Chị bảo: “Niềm vui của chúng tôi chính là sự hồi phục của những người bệnh. Khi sự sống được hồi sinh có nghĩa là những nỗ lực của chúng tôi đã có kết quả. Tôi hay nói với con trai hãy cố gắng cho đi những gì có thể để lòng thanh thản hơn khi nhận lại những giá trị từ cuộc sống. Bản thân sự sống đã là món quà rất lớn mà cuộc đời dành cho mỗi người”.

Phia sau nhung buoc chan trong dem cua nguoi me lam nghe dieu duong
 

Phụ nữ khi sinh ra trên cõi đời này, đã ẩn chứa trong họ nhiều nỗi buồn đau. Phụ nữ - nếu như muốn chu toàn giữa công việc và gia đình, dù đạt được sự toàn vẹn đi nữa, vẫn có những thiệt thòi trong đời mình. Và những hình hài đẹp nhất, có khi chính là dáng mẹ liêu xiêu về trong đêm, như là bước chân của người mẹ điều dưỡng vội vã về với con trai thân thương.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI