Phép màu của người Pháp

07/11/2016 - 13:30

PNO - Cuộc trò chuyện bằng tiếng Anh xoay quanh vài điều vụn vặt. Thế rồi, người đàn ông Pháp gật đầu: “Tuần sau, cô đi làm nhé!”.

Vào một buổi sáng thứ Bảy, một cô gái trẻ đến gõ cửa một ngôi nhà. Cửa mở, xuất hiện một người đàn ông Pháp ăn mặc đơn giản. Cuộc trò chuyện bằng tiếng Anh xoay quanh vài điều vụn vặt. Thế rồi, người đàn ông Pháp gật đầu: “Tuần sau, cô đi làm nhé!”.

Đó là một cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Người được phỏng vấn là cô Phạm Thị Thanh Mai, cử nhân sư phạm tiếng Nga. Vị trí phỏng vấn là trợ lý dự án một bệnh viện quốc tế. Quá ngỡ ngàng, bà Mai thốt lên: “Ơ! Sao mà nhanh thế! Có hai điều tôi phải nói. Thứ nhất, tôi không biết tiếng Pháp! Thứ hai, tôi không biết gì về bệnh viện cả". Ông đáp “Không sao!".

Bà Mai, giờ là Giám đốc điều hành Bệnh viện FV, nhớ lại thời khắc của 15 năm trước, và người sếp của mình, bác sĩ Jean-Marcel Gullion, hiện là Tổng giám đốc FV.

Phep mau cua nguoi Phap
Bà Phạm Thị Thanh Mai – Giám đốc điều hành Bệnh viện FV. Nguồn: FV

Lúc đó, dự án FV chỉ mới trên giấy tờ, còn hết sức mờ mịt. "Nhưng có một điều khiến tôi vô cùng thích thú với dự án này. Đó chính là tính nhân văn của dự án" vì ở thời điểm đó tôi mới sinh em bé xong và tôi hiểu bệnh nhân cần một cơ sở y tế tốt cũng như một dịch vụ y tế tốt như thế nào” - bà Mai chia sẻ.

Thế là bà Mai thu xếp khăn gói đi làm trợ lý cho bác sĩ Guillon. Nói là trợ lý, nhưng kỳ thực, bà làm tất tần tật mọi việc, từ trực điện thoại, đánh máy, dịch thuật, đọc tài liệu, đến mua sắm đồ văn phòng, xếp lịch, visa... Thời khóa biểu làm việc thường là sáng 8 giờ, chiều ... 10 giờ khuya mới xong.

Được một thời gian, bà Mai kể, bà đâm "oải", vì "sếp chẳng đánh giá đúng sai, tốt xấu thế nào"... Công việc thì ngày mỗi nhiều. Đánh tiếng qua người bạn, hôm sau, bác sĩ Guillon nhận xét: Tốt lắm! Cứ thế mà làm! Một bảng mô tả công việc kỳ lạ đến… kỳ cục được đưa đến: "Hãy làm những điều cần phải làm!" Sau đó thì, mọi việc lại y như cũ... Bà Mai cứ chủ động sắp xếp, bác sĩ Guillon chỉ gật đầu: Yes! Boss! (Vâng, thưa sếp!).

Thấm thoắt FV giờ đã là một bệnh viện đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam và đạt chứng nhận JCI, một chứng nhận vàng về chất lượng y tế. Bà Mai, với vai trò Giám đốc điều hành, một lần nữa, đã có những đóng góp không nhỏ.

Nhưng vì sao một cô gái học sư phạm tiếng Nga lại có thể trở thành giám đốc điều hành một bệnh viện lớn? "Tôi học hỏi rất nhiều không ngưng nghỉ!", bà trả lời.

Bà Mai kể, chính sự hay làm, hay học hỏi, tự quan sát xung quanh, và quan trọng nhất là sự tự chủ đã khiến tôi dần trưởng thành. Khi những nhân sự chủ chốt của dự án hình thành, bà có mặt trong các cuộc họp quan trọng. Khi đó, bà không chỉ ghi chép, dịch thuật mà còn tham gia ý kiến trong các buổi họp. "Cái gì không biết thì học, chưa hiểu thì hỏi...", "Làm việc mà hiểu được ý của bác sĩ Jean-Marcel Guillon là không dễ, nhưng tôi hiểu được. "Dần dà, kiến thức cứ thế được mở rộng, "tay nghề" cũng lên theo. Các ý kiến của bà được đánh giá cao. Từ trợ lý, bà được đề cử lên làm giám đốc phát triển kinh doanh, sau chuyển sang làm giám đốc điều hành quản lý các hoạt động bệnh viện.

Từ những phác thảo trên giấy, FV đến nay đã đón hơn ba triệu lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, 25% trong đó là người nước ngoài. Từ một thầy một trò ban đầu, FV ngày khai trương đã có một đội ngũ 200 nhân viên, bác sĩ. Nay, con số đó đã vượt quá 1.000. Bà Mai chia sẻ: "Tôi thấy mình vẫn thế! Nụ cười vẫn thế! Tôi cười rất to!" Còn điều gì vẫn thế nữa? Ấn tượng và nhận định đầu tiên “bệnh viện hiện đại, mang tính nhân văn” vẫn thế và “càng ngày thì tính nhân văn ấy càng trở nên rõ nét và thấm đậm trong trái tim tôi”.

Bà Mai kể tiếp, ngay từ những ngày ban đầu, bác sĩ Gullion đã hết sức tâm huyết với dự án. Cụ thể, dự án chia làm hai phần, một phần, FV phải là bệnh viện với dịch vụ tốt, chất lượng tốt cho bệnh nhân và thân nhân, một phần khác, FV phải là một nơi làm việc an toàn cho giới chuyên môn, bác sĩ. Chính sự nhân văn đó, và tâm huyết đó, FV được xây dựng nên, thu hút được một đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng giỏi, tâm huyết với nghề, và có một môi trường làm việc tốt. "Và đó là một nền tảng phát triển tốt, vì đi lên từ gốc rễ, và đặc biệt, vẫn theo được định hướng và tâm huyết ban đầu", bà Mai nói. "Phải tâm huyết mới có kết quả. Làm bệnh viện càng phải có tâm huyết, vì công việc động chạm trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân".

FV, theo lời kể của bà Mai, là một bệnh viện kiểu mẫu kiểu Pháp. Ở đó, khi bệnh viện vừa khai trương, nhiều bệnh nhân tới để được bác sĩ Pháp điều trị, và cũng có người bệnh vừa được chữa trị vừa tìm lại cơ hội nói nói tiếng Pháp với người bản xứ. Và cũng không ít người đến đây để tìm một phép màu của các bác sĩ người Pháp, với trọn niềm tin vào y đức. Năm 2016, FV đón nhận chứng nhận chất lượng y tế quốc tế JCI, với tiêu chí đặt an toàn của bệnh nhân lên trên hết, mọi thứ đã tốt, lại càng tốt hơn. "Quan trọng nhất, và khó nhất, là làm thay đổi nhận thức của mọi người", bà Mai chia sẻ.

Hoàng Phi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI