Phát hiện bệnh nhân nhiễm vi khuẩn não mô cầu, hàng loạt nhân viên y tế phải uống thuốc dự phòng

23/04/2018 - 16:16

PNO - Đây là ca bệnh chẩn đoán viêm màng mủ do vi khuẩn não mô cầu đầu tiên trong năm 2018. Các nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được uống kháng sinh dự phòng.

Ngày 23/4, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết đang điều trị cho một thanh niên (30 tuổi, sống ở Hưng Yên) chẩn đoán viêm màng mủ do vi khuẩn não mô cầu.

Theo lời người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện 4 ngày, bệnh nhân bị đau họng, ho khan. Hai ngày sau đó, bệnh nhân sốt cao 39 độ C, đau đầu và buồn nôn, đến đêm 17/4 xuất hiện sốt cao và nôn nhiều.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn nhiều, xuất hiện chấm xuất huyết ở chân và thân mình. Đặc biệt bệnh nhân đã có dấu hiệu của rối loạn ý thức, kích thích vật vã.

Phat hien benh nhan nhiem vi khuan nao mo cau, hang loat nhan vien y te phai uong thuoc du phong
Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn não mô cầu được điều trị tại BV Bạch Mai 

TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, bệnh nhân được các y bác sĩ bệnh viện chẩn đoán viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu.

Đây là ca bệnh nhiễm vi khuẩn não mô cầu ghi nhận đầu tiên trong năm 2018. Ngay sau khi xác định bệnh, các nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được uống kháng sinh dự phòng.

Cũng theo bác sĩ Dũng, bệnh do vi khuẩn não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch.

Tại Việt Nam, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

Phat hien benh nhan nhiem vi khuan nao mo cau, hang loat nhan vien y te phai uong thuoc du phong
 

Người tiếp xúc gần với bệnh nhân (là những người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/ nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học… ) cần sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.

Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI