Những dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc bệnh sợ hạnh phúc

15/04/2018 - 11:30

PNO - Những người mắc phải hội chứng sợ hãi hạnh phúc thường cảm thấy sợ tham gia vào bất cứ thứ gì có thể khiến họ vui vẻ hạnh phúc.

Hạnh phúc là điều mà hầu như tất cả chúng ta đều mong muốn có được trong đời. Tuy nhiên, đối với những người mắc phải một hội chứng Cherophobia (hay còn gọi là chứng sợ hạnh phúc), thì hạnh phúc lại là một thứ quá sức chịu đựng của họ.

Hội chứng Cherophobia là tên gọi xuất phát từ “"chairo", một từ vựng trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Tôi vui mừng”. Về cơ bản, những người mắc bệnh sợ hạnh phúc sẽ không muốn tham gia vào bất cứ thứ gì có thể khiến họ vui vẻ.

Thực ra, không phải chính những hoạt động đó khiến họ sợ, mà đó là nỗi sợ hãi rằng một khi họ trở nên vui vẻ hạnh phúc thì sẽ có điều gì đó khủng khiếp xảy đến.

Nhung dau hieu cho thay ban dang mac benh so hanh phuc

Bệnh sợ hạnh phúc là khái niệm không được sử dụng rộng rãi hay được xác định rõ ràng. Nó thậm chí không có mặt trong ấn phẩm mới nhất của Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê rối loạn tâm thần (DSM-5) – tài liệu chính để chẩn đoán bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế đã phân loại hội chứng cherophobia là một dạng lo lắng. Một người bị hội chứng này có thể không phải lúc nào cũng buồn bã, họ chỉ tránh những hoạt động và sự kiện có thể đem lại hạnh phúc cho họ.

Triệu chứng của bệnh sợ hạnh phúc gồm có:

Cảm thấy lo lắng khi được mời tham gia một cuộc tụ họp.

Bỏ qua những cơ hội có thể dẫn đến những thay đổi cuộc sống theo hướng tính cực vì sợ hãi điều xấu sẽ xảy ra.

Từ chối tham gia vào các hoạt động vui vẻ.

Suy nghĩ rằng hạnh phúc đồng nghĩa với điều xấu sẽ xảy ra.

Cho rằng hạnh phúc sẽ khiến bạn trở thành người xấu hoặc tệ hơn.

Tin rằng thể hiện niềm hạnh phúc là điều xấu cho bản thân, gia đình hoặc bạn bè.

Cho rằng cố gắng hạnh phúc là một sự lãng phí thời gian và công sức.

Chia sẻ về hội chứng kỳ lạ này, nhà tâm lý học Carrie Barron đã đưa ra nguyên nhân có thể dẫn đến hình thành chứng sợ hạnh phúc. Theo bà, nỗi sợ hạnh phúc có thể xuất phát từ mối liên kết giữa hạnh phúc và sự trừng phạt trong thời thơ ấu. 

Nhung dau hieu cho thay ban dang mac benh so hanh phuc

Ví dụ, nó có thể xuất phát tự sự sợ hãi xung đột với người thân, một kinh nghiệm xấu liên kết với một sự kiện nhất định. Nếu bạn đã từng trải qua điều tồi tệ nào đó xảy ra ngay sau một sự kiện vui vẻ, có thể bạn sẽ không muốn tiếp tục nữa.

Việc điều trị chứng sợ hạnh phúc cherophobia đôi khi có thể bị nhầm lẫn với việc điều trị cảm giác chán nản và không mang lại hiệu quả.

Bà Barron khuyên, tốt nhất là bắt đầu đào sâu vào quá khứ để thử học tận hưởng niềm vui và hạnh phúc mà không sợ hãi những hậu quả tiêu cực. Đặc biệt, một số biện pháp điều trị chằng hạn như liệu pháp tâm lý định hướng sâu và liệu pháp hành vi nhận thức hữu ích trong việc hiểu rõ nguyên nhân và hủy bỏ mối liên hệ giữa niềm vui và nỗi đau.

Cuối cùng, giải quyết chứng cherophobia là phải thay đổi cách nghĩ của bệnh nhân. Nếu bạn cho rằng bạn mắc chứng bệnh này, đó có thể là một cơ chế phòng vệ mà bạn đã tạo ra, dựa trên chấn thương tâm lý trong quá khứ.

Sẽ mất nhiều thời gian để điều trị hội chứng này nhưng bạn hoàn toàn có thể vượt qua nó để tận hưởng hạnh phúc trong cuộc sống.

Hà Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI