Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu kali

14/04/2017 - 16:25

PNO - Kali, hay còn gọi là potassium,là nguyên tố quan trọng giúp duy trì sức mạnh cơ bắp, chức năng thần kinh và hệ thống tim mạch khỏe mạnh nhưng chúng ta thường ít quan tâm đến việc bổ sung kali cho cơ thể.

Theo tiến sĩ dinh dưỡng Janet Brill, Philadelphia (Mỹ), kali có trong nhiều thực phẩm như dưa hấu, bơ, chuối và đậu trắng; nhưng ngay cả khi đã tiêu thụ đủ lượng kali đề nghị - khoảng 4.700mg mỗi ngày, bạn vẫn có thể bị thiếu hụt kali vì càng ăn nhiều natri (muối), cơ thể càng thải ra nhiều kali.

Rất khó nhận biết việc cơ thể đang thiếu hụt kali vì không có dấu hiệu đặc trưng, nhưng nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây mà không rõ nguyên nhân, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra và xét nghiệm nồng độ kali.

- Dễ mệt mỏi: Mỗi tế bào trong cơ thể cần đủ kali để hoạt động, nếu thiếu hụt sẽ dễ dẫn đến mệt mỏi toàn diện. Vì vậy, nếu việc tập luyện thường xuyên làm bạn kiệt sức thì dù bạn đã ngủ đủ giấc nhưng vẫn thấy mệt vì có thể đang thiếu kali.

- Huyết áp cao: Kali giúp thư giãn các mạch máu. Nếu thiếu kali, hệ mạch có thể bị co thắt, làm tăng huyết áp.

- Thói quen “mang về”: Thực phẩm chế biến sẵn thường có hàm lượng kali thấp vì chứa nhiều natri, kể cả bánh quy hay đồ hộp. Cần giảm các món ăn mặn để giúp cơ thể giữ lại được nhiều kali hơn.

- Cơ bắp yếu và hay bị chuột rút: Kali đóng vai trò quan trọng trong sự co cơ trơn, nên nếu hấp thụ không đủ lượng kali, bạn dễ thấy đau, thậm chí co thắt cơ 
đột ngột.

Nhung dau hieu canh bao  co the dang thieu kali
Rối loạn nhịp tim cũng có thể do ảnh hưởng từ nồng độ kali thấp

- Rối loạn nhịp tim: Nếu tim bạn đột nhiên lỗi nhịp hoặc tăng tốc mà không có lý do rõ ràng, rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo do nồng độ kali thấp.

- Thấy mờ mắt hoặc chóng mặt: Thiếu hụt nhiều kali có thể làm chậm nhịp tim đến mức bạn có thể thấy như mình sắp ngất. Hiện tượng này không phổ biến, nguyên nhân có thể từ nhiều yếu tố khác, nhưng nếu bạn gặp tình trạng này thường xuyên, hãy đến ngay cơ sở y tế.

- Táo bón: Ít ai nghĩ táo bón là do thiếu kali, nhưng thực tế, mức kali thấp sẽ làm chậm nhiều chức năng của cơ thể và hệ thống tiêu hóa cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thiếu kali không phải là nguyên nhân duy nhất làm bạn cảm thấy chướng bụng hay táo bón.

- Ngứa ran và tê liệt: Kali giúp giữ cho hệ thống thần kinh khỏe mạnh, nên nếu thiếu bạn có thể gặp những cảm giác khó chịu như tê mỏi hay như bị kim châm.

Hàng ngày, chúng ta có thể dễ dàng bổ sung kali từ thực phẩm, nhất là từ rau củ và trái cây tươi. Ngoài chuối là loại quả rất giàu kali, một số nguồn cung cấp khác cũng rất dễ tìm là:

- Khoai lang: Một củ khoai lang cỡ vừa chứa khoảng 542mg kali (12% nhu cầu hằng ngày) cùng rất nhiều vitamin A.

- Khoai tây: Một củ khoai tây luộc hoặc nướng chứa 941mg kali, đồng thời đảm bảo nguồn carbs tiêu hóa chậm có lợi cho ruột.

- Xốt cà chua: Nếu không chứa nhiều muối, xốt cà chua có thể cung cấp đến 728mg kali mỗi chén.

- Dưa hấu: Không chỉ cung cấp khoảng 14% lượng kali cần thiết hằng ngày, dưa hấu còn chứa lycopene, chất tạo màu thực vật tự nhiên giúp giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư.

- Củ dền: Một chén củ dền luộc, cắt mỏng, cung cấp khoảng 518mg kali, đồng thời bổ sung chất sắt cho cơ thể. 

- Đậu hạt: Các loại đậu nổi tiếng về khả năng cung cấp chất xơ và protein thực vật, nhưng một chén đậu đen nấu còn đem đến khoảng 739mg kali, con số này ở đậu trắng lên đến 1.189mg.

- Đậu lăng: Đậu nành non là một trong những nguồn cung cấp chất đạm chủ yếu, đồng thời món ăn vặt bổ dưỡng này còn cung cấp 676mg kali (14% nhu cầu) mỗi chén.

- Bí đỏ: Bí đỏ là món bổ dưỡng các bà mẹ thường dành cho trẻ nhỏ, ngoài lượng vitamin A dồi dào, bí đỏ còn cung cấp khoảng 582mg kali mỗi chén.

Bảo Tùng (Theo Prevention)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI