Những bệnh nhân… vô danh

16/12/2017 - 06:00

PNO - Có những bệnh nhân khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, không ai biết họ từ đâu tới. Đa số họ là dân nhập cư, làm công việc tay chân như giúp việc nhà, khuân vác, phụ hồ (không có hợp đồng lao động).

Một số bệnh nhân còn tỉnh táo thì không có bảo hiểm y tế, bởi họ là dân phiêu bạt, ở gầm cầu, xó chợ…

Tên bệnh nhân là… mã số hồ sơ bệnh án

Tháng cuối cùng của năm, khi mọi người mong chờ được sum vầy, đoàn tụ với gia đình, hưởng không khí ấm áp, yêu thương thì đâu đó vẫn còn nhiều cảnh đời cô quạnh, màn trời chiếu đất. Bình thường họ đã ăn chẳng đủ no, co không đủ ấm, nói gì tới lúc ốm đau bệnh tật.

Nhiều người bị tai nạn, bệnh nặng được người dân phát hiện ngoài đường, đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Họ nằm đó, không người thân thích, không nguồn gốc, quê quán. Bệnh viện đành gọi tên những thân phận này theo mã số ký hiệu của hồ sơ bệnh án. Họ là những bệnh nhân… vô danh.

Nhung benh nhan… vo danh
Một ca cấp cứu bệnh nhân vô gia cư tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Ngày 19/11, một người đàn ông chừng 35 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM trong tình trạng chấn thương sọ não nặng. Các bác sĩ hỏi thăm những người dân có lòng tốt đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng không ai biết anh tên gì, ở đâu. Mọi người đành ký tên xác nhận anh không có người thân.

Từ đó, nam bệnh nhân được gọi tên bằng mã số hồ sơ bệnh án của anh là 101516. 101516 được mổ cứu sống, nằm viện cả tháng, chi phí hết 15 triệu đồng. Bệnh viện đành miễn giảm hoàn toàn vì bệnh nhân neo đơn, không có khả năng chi trả.

Cách đây chưa lâu, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho một trường hợp neo đơn. Người dân cho biết, anh này sinh năm 1968, làm nghề chạy xe ôm ở đường Ông Ích Khiêm, quận 11. Nam bệnh nhân chỉ có một mình, không hộ khẩu, không tạm trú. Anh nhập viện vì bị hở van động mạch chủ, tăng áp phổi. Khi nhắc tới trường hợp này, thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn cảm thấy xót xa.

Chi phí phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân lên tới 500 triệu đồng nhưng số tiền vận động Mạnh Thường Quân chỉ được khoảng 10%. Lý do khó vận động vì anh ta là nam giới, chỉ có một mình, hoàn cảnh không lâm li và chiếm nhiều nước mắt như những ca khác. Các bác sĩ vẫn tiến hành mổ và điều trị, bệnh viện miễn giảm hết phần còn lại nhưng đáng tiếc, bệnh nhân vẫn không qua khỏi.

Nhung benh nhan… vo danh
Thạc sĩ Lê Minh Hiển cho biết, rất nhiều bệnh nhân vô gia cư nhập viện với tên gọi là những con số

Bệnh viện lỗ mỗi năm gần 2 tỷ đồng cũng chỉ như muối bỏ biển

Từ đầu năm 2017 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận, điều trị cho 106 trường hợp không có thân nhân và khả năng thanh toán. Tổng số tiền điều trị cho những bệnh nhân này lên tới gần 1 tỷ đồng. Không phải trường hợp nào cũng may mắn huy động được sự trợ giúp từ các Mạnh Thường Quân. Bệnh viện thường xuyên phải gồng mình chịu lỗ mỗi năm gần 2 tỷ đồng cho các khoản miễn giảm viện phí như vậy.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển nêu ra một khúc mắc mà bản thân ông lâu nay luôn trăn trở: bệnh viện có gồng mãi được không trong cơ chế tự chủ thu chi như hiện nay? Mọi việc bệnh viện và các Mạnh Thường Quân đang làm chỉ là chạy theo giải quyết phần ngọn chứ không xử lý được phần gốc.

Phải làm cách nào mới giúp được người vô gia cư có “tấm thẻ bài” an toàn cho sức khỏe của họ? Bảo hiểm y tế (BHYT) đã tiếp cận được đến các đối tượng lao động vô gia cư này chưa, khi họ đang là nhóm người hoàn toàn không có khả năng chi trả cho việc khám, chữa bệnh?

Làm sao để bảo hiểm y tế tiếp cận người vô gia cư?

Từ trăn trở của thạc sĩ Lê Minh Hiển, câu chuyện của chị N.T.R., (SN 1986), làm nghề bán báo dạo tại khu vực quận 7 khiến chúng tôi không khỏi suy tư. Mỗi buổi sáng, từ 6-8g, chị chạy xe đạp đi bán báo ở những quán ăn sáng và giao báo cho một số hộ dân trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng. 

Vừa qua chị bị bệnh nặng, phải nghỉ bán hai tuần. Chị không có khái niệm đi bệnh viện khám bệnh, “mỗi ngày bán được mấy chục tờ báo, tiền đâu ra để chi phí “xa xỉ” thế, còn phải lo cái ăn qua ngày”. Nghe chúng tôi gợi ý nên mua BHYT, chị R. bật cười: “Có chỗ ở cố định đâu mà mua? Không hộ khẩu, chẳng tạm trú, biết mua ở chỗ nào, ai cho mua?”.

Nói đến BHYT cho người vô gia cư, thạc sĩ Lê Minh Hiển ước ao: “Giá như thành phố mình có một điểm bán BHYT mà tất cả mọi người không cần hộ khẩu, không cần tạm trú vẫn mua được. Lúc đó, dù bệnh nhân nghèo tới mức không đủ tiền mua BHYT, tôi và rất nhiều nhà hảo tâm khác sẵn sàng đứng ra quyên góp để mua BHYT cho họ. Như thế vừa có ích cho những cảnh đời neo đơn phiêu bạt, lại giảm được gánh nặng tài chính cho bệnh viện”.

Mỗi dịp cuối năm, Bệnh viện Chợ Rẫy đều chuẩn bị 300-400 phần quà cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải ở lại bệnh viện đón tết. Ngoài ra, bệnh viện còn hỗ trợ phương tiện vận chuyển để giúp bà con kịp về sum vầy năm mới với gia đình. Trong suốt dịp tết Nguyên đán, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bố trí khoảng 1.500 suất cơm từ thiện mỗi ngày, phát tại khu nhà nghỉ cho thân nhân vào lúc 8g và 16g.

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI