Nhiều trẻ nhiễm trùng tiểu, táo bón vì 'ớn' nhà vệ sinh

18/09/2017 - 08:30

PNO - Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm, một trong những vấn đề “nóng” được đông đảo phụ huynh ở TP.HCM quan tâm là nhà vệ sinh (NVS) trường học.

Thực tế, do nhiều NVS quá bẩn nên nhiều học sinh phải nhịn tiểu dẫn đến bị nhiễm trùng đường tiểu, viêm bàng quang, táo bón…

Cấp cứu vì “nín” 

Mới đây, đang ngồi trong lớp, con trai chị Đỗ Thu Hồng (ngụ Q.Tân Bình) bỗng dưng bị đau đầu, vã mồ hôi và được giáo viên đưa lên phòng y tế của trường. Biết chuyện, chị Hồng vội vàng đến trường đón con về nhà “trị bệnh”.

Theo chị Hồng, cách đây một năm, khi con trai chị đang học tại Trường tiểu học L.T.V. (Q.Tân Phú) cũng đã xảy ra trường hợp tương tự. Thời điểm đó, chị Hồng cuống cuồng đưa con vào Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 cấp cứu. Bác sĩ (BS) chẩn đoán, con trai chị Hồng bị táo bón nặng.

“Tôi gặn hỏi cháu thì được biết do NVS ở trường quá bẩn nên cháu không dám đi. Năm nay, cháu lên lớp Năm, tôi chuyển cháu sang trường khác nhưng cháu vẫn không dám đi vệ sinh cũng với lý do NVS ở trường quá nặng mùi”, chị Hồng chia sẻ.

Chị Ngọc Thủy có con đang học ở Trường tiểu học L.V.T. (Q.Tân Phú) cho biết, chưa đầy một tháng đến trường, con chị thường xuyên bị đau bụng, tiểu đau, đi tiểu nhiều lần. Thấy triệu chứng của cháu ngày càng nặng, chị Thủy đưa con đến BV Nhi Đồng 2 khám thì phát hiện nhiễm trùng đường tiểu, phải uống kháng sinh cả tuần. BS cho biết, nguyên nhân có thể do cháu thường xuyên nhịn tiểu.

Nhieu tre nhiem trung tieu, tao bon vi 'on' nha ve sinh
Hết xà bông rửa tay, học sinh tại một trường tiểu học phải rửa tay “chay” sau khi đi vệ sinh

Trong buổi họp phụ huynh mới đây tại Trường tiểu học P.Đ. (Q.6), khi đem vấn đề NVS ra bàn thảo, đại diện nhà trường cho rằng, dù nhà trường đã cố gắng làm những gì tốt nhất, nhưng NVS ở trường học cũng như NVS công cộng, không thể sạch như ở gia đình. Vì vậy, các phụ huynh nên khuyên con đi tiểu tiện phải giữ vệ sinh chung, nín, nhịn sẽ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe.

Trong khi đó, rất nhiều phụ huynh phản ứng, hằng tháng mỗi học sinh phải đóng 30.000 đồng tiền dọn dẹp vệ sinh, vì sao NVS trường học lại quá bẩn đến nỗi, nhiều em phải nhịn đến mức đi cấp cứu?

Không chỉ vậy, ở nhiều trường mầm non, nhà trường còn cho các cháu đi vệ sinh chung một bô rất bẩn nên các cháu thường không dám đi vệ sinh ở trường. Đó là chưa kể các trường hợp cá biệt, khi học sinh xin đi tiểu tiện thường bị cô giáo quát mắng…
Chị Thanh Lê (ngụ Q.Tân Bình) chia sẻ: “Con tôi ở trường về nhà thường chạy thẳng vào NVS. Tôi dò hỏi thì cháu cho biết, ở trường cô giáo cho đi chung bô với các bạn và mỗi lần cháu xin đi vệ sinh hay bị cô giáo quát nên cháu thường nín cho đến khi về nhà. Lo lắng cho sức khỏe của con, tôi phải xin chuyển trường cho cháu”.

Nhiều học sinh bị nhiễm trùng tiểu

BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận - nội tiết BV Nhi Đồng 2 cho biết, khoa thường xuyên tiếp nhận trẻ đến khám do nhiễm trùng tiểu hoặc rối loạn chức năng cơ bàng quang. Phần lớn là mẫu giáo và lớp 1. Nguyên nhân, do các cháu nhịn tiểu lâu, tạo điều kiện cho vi trùng phát triển gây ra nhiễm trùng tiểu.

“Nhịn tiểu là  hành vi phản sinh lý, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dễ có biến chứng nhiễm trùng tiểu, từ đó có thể ảnh hưởng đến thận. Ngoài ra, do bàng quang cứ bị căng giãn kéo dài một cách bất thường, lâu ngày hệ thống thần kinh cơ bị ảnh hưởng. Lúc này sẽ dẫn đến trạng thái ngược lại: trẻ đi tiểu lắt nhắt, do cơ bàng quang bị kích thích liên tục, dù có lúc vào NVS nhưng không thể thải nước tiểu”, BS Diễm Thúy chia sẻ. 

Theo BS Thúy, dấu hiệu thấy bé thường xuyên nhịn tiểu là: tiểu lắt nhắt, ngắt quãng, rỉ nước tiểu hay gấp rút chạy vào NVS, nước tiểu có màu đậm đục. Đối với trẻ lớn thường có những tư thế tréo chân là dấu hiệu của trẻ đang nhịn tiểu. Ngoài ra, phụ huynh có thể thấy quần bé hay ướt, có mùi khai sau khi ở trường về. 

Thông thường ở lứa tuổi mẫu giáo lớn và tiểu học, các cháu thường đi tiểu trong buổi sáng từ 1 đến 2 lần; xế 1 lần; từ chiều đến tối 1 đến 2 lần. Phụ huynh nên khuyến khích con đi tiểu theo nhịp sinh lý. Tuy nhiên, đừng quá cứng nhắc ép con đi theo giờ cố định. Nên nhớ, muốn có nước tiểu thì trẻ phải uống nước đủ nhu cầu cơ thể. Thông thường trẻ lứa tuổi này cần 1,5- 2 lít nước mỗi ngày. 

BS Hoàng Thị Diễm Thúy - Trưởng khoa Thận nội tiết BV Nhi đồng 2: Tạo thói quen cho trẻ đi tiểu đúng giờ

- Không nên đợi đến lúc trẻ có triệu chứng khát mới cho uống nước, nên cho trẻ 1 chai nước riêng để trẻ hoàn thành hết trong ngày. Khi thời tiết nắng nóng, trẻ ra mồ hôi nhiều thì cần bổ sung nước nhiều hơn.

- Phụ huynh có con trong lứa tuổi mẫu giáo và cấp I nên nhờ cô nhắc trẻ đi tiểu, vì có không ít bé mê chơi quên cả đi tiểu hoặc nhịn đi tiểu vì sợ.

- Hướng dẫn các bé gái vệ sinh sau đi tiêu, tiểu. Đặc biệt lau khô vì môi trường ẩm ướt làm vi trùng phát triển. Cần xem lại việc sử dụng vòi rửa chung sau khi đi vệ sinh vì có thể gây lây nhiễm chéo. Không lạm dụng các loại khăn chùi có hương thơm vì hóa chất có thể kích ứng gây viêm âm hộ.

- Các khu vui chơi giải trí, trường học cần có NVS sạch sẽ, giúp trẻ không phải nhịn tiểu do tâm lý ngại đi tiểu.


Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI