Nhiều trẻ chậm nói do biến chứng nhiễm trùng

12/07/2017 - 11:30

PNO - Nhiều trẻ chậm nói, khi khám mới biết chức năng nghe của bé bị ảnh hưởng bởi biến chứng của các bệnh lý nhiễm trùng.

Khoảng vài tuần trở lại đây, số bệnh nhi chậm nói đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM khám gia tăng đáng kể. Trước đây, số ca bệnh chỉ rải rác, tuy nhiên hiện nay mỗi ngày khoa Khám bệnh của BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ 16-20 trường hợp.

Theo bác sĩ (BS) Phạm Văn Hoàng - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bên cạnh nguyên nhân chậm nói do yếu tố bẩm sinh và thần kinh vận động, nhiều bé chậm nói, không nói được do biến chứng của các bệnh lý nhiễm trùng.

“Những bệnh nhi này nằm trong độ tuổi dưới ba, thậm chí có trường hợp lớn hơn. Trẻ được phát hiện bệnh trễ thường do cha mẹ thiếu quan tâm, nhiều bé ở với ông bà, hoặc cha mẹ giao phó cho người giúp việc chăm sóc”, BS Hoàng chia sẻ. 

Nhieu tre cham noi do bien chung nhiem trung
Đo thính lực kiểm tra chức năng nghe cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1


Tương tự, BS Nguyễn Tuấn Như, Phó khoa Tai - mũi - họng, BV Nhi Đồng 1 cho biết, mới đây ông tiếp nhận một trường hợp không nói được do biến chứng nhiễm trùng. Bệnh nhi tên là P.V.H., gần ba tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh.

Mẹ của H. chia sẻ với BS, bé mắc bệnh viêm màng não lúc 19 tháng tuổi. Sau cơn bạo bệnh, bé hồi phục sức khỏe, gia đình không mấy để ý, tới nay mới nhận thấy con có sự bất thường. “Khi tôi nói cháu đều hiểu và làm theo yêu cầu của mẹ, thế nhưng cháu không thể đáp lại”, mẹ bé H. tâm sự.

Sau khi khám tổng quát tai mũi họng, đo thính lực, kiểm tra chức năng nghe và làm thêm các xét nghiệm liên quan, BS Như xác định bé H. bị điếc nặng do biến chứng của bệnh viêm màng não. Trường hợp này chỉ còn cách cấy ốc tai điện tử. Cần biết, cấy ốc tai điện tử chi phí rất cao, ngay cả dùng máy trợ thính cũng tốn cả 40-50 triệu đồng.

Nhieu tre cham noi do bien chung nhiem trung
 

Bé N.T.A. (ngụ tại Q.8, TP.HCM) đi nhà trẻ từ khi 12 tháng tuổi, tới 15 tháng tuổi cô giáo và gia đình đánh giá bé hoàn toàn phát triển bình thường về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi bé đã hơn hai tuổi, mẹ bé cảm nhận sự bất thường nên đưa con đi khám.

Khám sức khỏe bé A., BS Như nhận định: “Ở tuổi này trẻ phải nói được từ đôi rõ ràng. Khi nói chuyện với bé, tôi phát hiện bé không hề nói mà là đang lặp lại ngữ điệu của người đối diện. Ai nghe quen sẽ thông qua ngữ điệu đó để đoán và hiểu bé đang muốn nói gì mà thôi”.

Hóa ra bé A. bị viêm tai giữa, biến chứng ảnh hưởng đến chức năng nghe. Theo BS Như, viêm tai giữa có nguy cơ tiến triển thành viêm màng não. Đó là chưa kể não bộ lâu ngày không nhận được tín hiệu nghe từ tai, phần nhận tín hiệu nghe của não sẽ có khuynh hướng thoái triển.

Nhieu tre cham noi do bien chung nhiem trung
 

Dù điều trị khỏi viêm tai giữa cũng khó hồi phục thính lực. “Mùa mưa, môi trường thuận lợi cho mầm bệnh gây viêm nhiễm tai - mũi - họng phát triển. Khi mầm bệnh xâm nhập mũi - họng sẽ gây viêm, trẻ không được điều trị triệt để dễ tiến triển thành viêm tai giữa”, BS Như cảnh báo.

Theo lý thuyết 90% trường hợp nghe kém ngoại biên (không phải nguyên nhân xuất phát từ não bộ) có thể điều trị được nếu phát hiện sớm. Thời gian vàng để điều trị cho trẻ chậm nói vì nghe kém phải trước ba tuổi.

Nhieu tre cham noi do bien chung nhiem trung
 

Nghe kém được chia làm hai loại: nghe được tiếng động và nghe được tiếng người nói chuyện. Nhiều bé nghe kém ở mức độ trung bình - nặng rất khó nhận biết bởi các bé này vẫn nghe được tiếng động như chó sủa, tiếng đóng cửa nhưng lại không nghe rõ tiếng người nói chuyện.

Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau. Với những trường hợp nặng cần can thiệp cấy ốc tai điện tử hoặc đeo máy trợ thính để hỗ trợ khả năng nghe cho trẻ, từ đó mới cải thiện được tình trạng chậm nói. 

BS Nguyễn Tuấn Như

Mỗi năm BV Nhi Đồng 1 phát hiện từ 300-400 trường hợp trẻ chậm nói do nghe kém. Theo thống kê, cứ 1.000 trẻ sinh ra lại có ba trẻ nghe kém bẩm sinh, tuy nhiên khi trẻ ở độ tuổi lên 5 thì tỷ lệ nghe kém tăng gấp ba lần do biến chứng của các bệnh lý nhiễm trùng.

Những bệnh lý nhiễm trùng có thể gây biến chứng làm ảnh hưởng tới khả năng nghe của trẻ là quai bị, viêm tai giữa, sởi - rubella, viêm màng não. Một số công trình nghiên cứu của BV Nhi Đồng 1 cho thấy, 10% các bé ở các nhà trẻ, mẫu giáo bị viêm tai giữa.

Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng tới chức năng nghe của trẻ. Trẻ không nghe được, dẫn đến chậm nói. Nếu phát hiện và điều trị trễ, trẻ dễ bị cô lập, lạc lõng, mặc cảm do không hòa nhập được với bạn bè.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI