Nguy hiểm tính mạng vì tương tác thuốc

02/05/2018 - 11:00

PNO - Tự ý uống nhiều loại thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ là tình trạng rất phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, có những hoạt chất trong thuốc không được phép kết hợp với nhau, chỉ cần bệnh nhân vô ý sử dụng cùng lúc sẽ gây tương tác thuốc, nguy hiểm tính mạng.

Chuốc họa vì uống thêm thuốc ngoài chỉ định

Ngày 20/4, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn A., 62 tuổi, ngụ tại phường Thảo Điền, nhập viện trong tình trạng da niêm trắng nhợt, không đo được mạch huyết áp.

Sau khi hỏi bệnh sử từ người nhà, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng và được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân khiến bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch do tự ý uống cùng lúc nhiều loại thuốc.

Bệnh nhân A. mới được bác sĩ cho xuất viện tuần trước, uống thuốc tái khám theo toa, nhưng về nhà tiếp tục uống thêm thuốc trị đau nhức cơ xương khớp đã sử dụng từ trước đó. Hai loại thuốc trên khi kết hợp chung đã gây ra tác dụng phụ khiến bệnh nhân bị xuất huyết bao tử. 

Nguy hiem tinh mang vi tuong tac thuoc
Tự ý kết hợp nhiều loại thuốc có thể gây nguy hiểm tính mạng

Đây không phải là trường hợp đầu tiên được ghi nhận gặp phải tác dụng phụ do tương tác thuốc. Bệnh viện Quận 2 từng ghi nhận khá nhiều ca đến khám bởi các lý do khác như: nổi mề đay, ngứa, cảm giác xây xẩm mặt mày, nhức đầu, khô miệng, đắng miệng, viêm gan, suy thận cấp… Sau khi điều tra bệnh sử, nguyên nhân được cho rằng, do bệnh nhân tự ý uống cùng lúc nhiều loại thuốc ngoài chỉ định của bác sĩ.

Tương tác thuốc là vấn đề nghiêm trọng. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều có bộ phận dược lâm sàng để tư vấn bác sĩ kê toa cũng như hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc. Do đó, để tránh xảy ra tương tác thuốc vì vô tình, việc của bệnh nhân là hãy đem theo toa thuốc cũ, các thuốc đang uống hoặc chỉ cần nói: tôi có uống thuốc nhưng không rõ loại. Khi đó, các bác sĩ sẽ có các biện pháp nghiệp vụ để chẩn đoán và kê toa thận trọng tránh tai biến, tác dụng phụ.

Hãy tự… cứu mình

Từ thực tiễn người dân vẫn chưa bỏ được thói quen tự mua thuốc uống khi ho, sốt, đau bụng, nhức đầu… bác sĩ  Kiều Ngọc Minh - Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Quận 2 - khuyến cáo:

1. Biết cách tự bảo vệ mình. Khi các bạn tự đi mua thuốc cảm cúm hay đau nhức cơ xương khớp, hãy đem theo toa thuốc đang uống (nếu có) để dược sĩ, dược tá bán thuốc có thể kiểm tra các hoạt chất có trong thuốc nhằm tránh bán thuốc trùng hoạt chất, dẫn đến quá liều gây hại cho cơ thể. 

Nguy hiem tinh mang vi tuong tac thuoc
 

Đối với các thuốc kháng viêm, giảm đau thông thường như ibuprofen, diclofenac, meloxicam, piroxicam, nimesulid có thể có nhiều tên thương mại khác nhau hoặc có thể kết hợp với hoạt chất khác dưới một tên thương mại khác. Vì vậy, trước khi quyết định mua thuốc, uống thuốc, các bạn có thể tra cứu thành phần của thuốc trên website của Sở Y tế, Bộ Y tế, website dược thư quốc gia Việt Nam (http://www.nidqc.org.vn). Khi phát hiện thuốc có thành phần hoạt chất giống nhau, hãy trao đổi lại với nhà thuốc. 

2. Gọi điện thoại cho bất kỳ bác sĩ nào mà bạn quen biết để được tư vấn thêm. Bạn sẽ có thêm thông tin nhiều chiều (dĩ nhiên phải là các thông tin chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc các bác sĩ chuyên ngành). 

3. Ghi lại tên các hoạt chất (thuốc) mà bạn cảm thấy khó chịu khi uống hoặc đã được bác sĩ cảnh báo dị ứng. Việc này có thể làm bạn phiền hà do tốn thời gian nhưng điều này hết sức cần thiết nếu bạn không may gặp tình huống cấp cứu. Cách dễ thực hiện nhất là ghi nhóm máu, các thuốc bạn bị dị ứng, số điện thoại liên lạc khi cần… vào tờ giấy nhỏ và luôn kẹp trong ví. Những điều tưởng đơn giản đó sẽ cứu mạng bạn trong lúc nguy cấp. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI