Người phụ nữ đầu tiên ở phía Nam được làm van tim nhân tạo

01/02/2018 - 16:04

PNO - Ngoài việc chiến đấu với bệnh tim, chị M. còn có thể mang thai sau khi được các bác sĩ làm van tim nhân tạo.

Những bệnh nhân đầu tiên ở phía Nam được làm van tim nhân tạo

Vừa qua, chị V.T.M. (30 tuổi, nhà ở tỉnh Tây Ninh) được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phẫu thuật thay van bằng màng ngoài tim. Đây là bệnh viện đầu tiên ở khu vực phía Nam thực hiện thành công trong việc làm van tim nhân tạo tự thân người bệnh.

Theo chị M., 3 năm trước chị cảm thấy mệt, khó thở khi làm việc nặng, gắng sức. Tuy nhiên, chị M. chỉ hạn chế làm việc nặng, không đi kiểm tra sức khỏe nên bệnh ngày một nặng hơn. Đến khi tần suất khó thở xảy ra liên tục, chị M. đến bệnh viện khám thì được chẩn đoán hở van động mạch chủ, cần phẫu thuật thay van gấp.

“Tôi rất hoang mang khi tìm hiểu, nếu tôi thay van tim cơ học, tôi sẽ khó có con, lúc mang thai sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra cho thai nhi và tôi. Tôi rất lo lắng, tuyệt vọng. Khi đến Bệnh viện Đại học Y Dược, các bác sĩ có nói về tái tạo van tim tự thân. Tôi tìm hiểu các tài liệu rồi đồng ý”, chị M. cho biết.

Nguoi phu nu dau tien o phia Nam duoc lam van tim nhan tao
Bác sĩ Định thăm khám cho chị M.

Sau nhiều tháng chuẩn bị, cuối tháng 11/2017, chị M. được thực hiện phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng ngoài tim của chính chị. Đến nay, sức khỏe của chị M. đã phục hồi và ổn định. Chị dự định có thai trong năm 2018.

Tương tự với chị M., nhưng bệnh tim của bà N.T.T. (56 tuổi, nhà ở tỉnh Đồng Nai) lại khá đặc biệt, hiếm gặp. Sau một lần nhổ răng, bà T. có những triệu chứng sốt, khó thở kéo dài không dứt. Khám lại lần nữa, bà T. được các bác sĩ chỉ định siêu âm tim và phát hiện bị nhiễm trùng van tim. 

Theo Phó giáo sư tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược, ổ vi trùng trú ngụ lâu ngày trong răng của bà T. đã bị phát tán khi đi nhổ răng. Các loại vi trùng này nhiễm vào máu, theo máu di chuyển khắp cơ thể. Khi đến tim, chúng bám lại, gây nên ổ nhiễm trùng ở van tim, sau đó đã phát triển thành những mảng sùi tại đây, gây hở van động mạch chủ, hở van hai lá và van ba lá. 

“Nếu không được phẫu thuật ngay, những mảng sùi này có thể rơi ra và theo mạch máu lên não gây tắc mạch máu não, khiến người bệnh có nguy cơ đột quỵ. Việc dùng màng ngoài tim tái tạo van động mạch chủ, sửa van hai lá, van ba lá, tránh sử dụng van nhân tạo giúp bác T. giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng tái phát trên van nhân tạo – một biến chứng rất nguy hiểm. Hiện tại, cuộc phẫu thuật của bác T. đã thành công và người bệnh đang trong giai đoạn hồi phục tích cực”, bác sĩ Định cho biết.

Nguoi phu nu dau tien o phia Nam duoc lam van tim nhan tao
Tỉ lệ người bệnh không mổ lại sau 10 năm nếu dùng phương pháp Ozaki là 95 - 98%.

Kỹ thuật dùng màng ngoài tim tự thân tái tạo van động mạch chủ là gì?

Kỹ thuật dùng màng ngoài tim tự thân tái tạo van động mạch chủ là phương pháp mới, giải quyết được những vấn đề còn tồn tại nêu trên của phẫu thuật thay van động mạch chủ. Cha đẻ của phương pháp này là Giáo sư Ozaki người Nhật Bản. Vì vậy, phương pháp này được đặt tên là phương pháp Ozaki.

Với phương pháp Ozaki, bác sĩ sẽ lấy màng ngoài tim của chính người bệnh để tái tạo thành van tim cho họ. Vì van tim được tái tạo từ một phần cơ thể của người bệnh nên khả năng dung nạp của cơ thể sẽ tốt hơn, giúp thời hạn sử dụng của van được kéo dài hơn. Cấu trúc của van giống như van tự nhiên nên dòng máu qua van ít bị cản trở hơn so với van cơ học hoặc van sinh học. 

Ở người bệnh trẻ tuổi, tỷ lệ người bệnh không mổ lại sau 10 năm đối với van sinh học là 85%. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Giáo sư Ozaki, tỉ lệ người bệnh không mổ lại sau 10 năm nếu dùng phương pháp Ozaki là 95 - 98%.

Theo bác sĩ  Nguyễn Hoàng Định, kỹ thuật tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân hiện đã được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. 

Nguoi phu nu dau tien o phia Nam duoc lam van tim nhan tao
Phương pháp này đặc biệt phù hợp với đối tượng người bệnh là phụ nữ có nhu cầu mang thai, trẻ em trong giai đoạn phát triển

Phương pháp này đặc biệt phù hợp với đối tượng người bệnh là phụ nữ có nhu cầu mang thai, trẻ em trong giai đoạn phát triển, người bệnh mong muốn không bị phụ thuộc vào thuốc kháng đông sau phẫu thuật và không muốn phải chịu đựng phẫu thuật nhiều lần. 

Tại Bệnh viện, phẫu thuật nội soi được áp dụng để lấy màng tim với vết mổ chỉ dài 6cm, giúp người bệnh giảm đau đớn, ít mất máu và không cần phải cưa toàn bộ xương ức như phương pháp Ozaki kinh điển.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI