Người chuyển giới nữ có tỷ lệ nhiễm HIV cao

01/10/2017 - 12:00

PNO - Người chuyển giới nữ do mạng lưới bạn tình đa dạng, không có việc làm ổn định, bị bạo hành, sử dụng ma túy hoặc rượu bia, bị trầm cảm…

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng sức khỏe nam giới và cộng đồng (CARMAH) cho biết, sau một năm triển khai can thiệp ban đầu về HIV/AIDS cho người chuyển giới nữ, dự án đã tiếp cận và xét nghiệm cho hàng trăm người chuyển giới nữ tại TP.HCM. 

Từ tháng 4 - 7/2017, Câu lạc bộ (CLB) Bầu trời xanh (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM) đã tiếp cận và hỗ trợ xét nghiệm HIV cho 307 người chuyển giới nữ tại TP.HCM.

Nguoi chuyen gioi nu co ty le nhiem HIV cao
Người chuyển giới cần được tuyên truyền để không phải mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Ảnh: Hiếu Nguyễn.

Kết quả, có 23/307 người chuyển giới dương tính với HIV (khoảng 7,5%). Ngoài ra, từ ngày 1/10/2016 đến 30/8/2017, CLB cũng gặp gỡ, đánh giá nhu cầu của 8.092 trường hợp nam quan hệ tình dục đồng giới. Trong 5.397 trường hợp đi xét nghiệm, có 471 người dương tính HIV.

Ông Lê Quốc Bảo - Giám đốc CARMAH cho rằng: “Người chuyển giới nữ thuộc nhóm có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV cũng như các vấn đề xã hội khác do mạng lưới bạn tình của họ đa dạng, không có việc làm ổn định, bị bạo hành, sử dụng ma túy hoặc rượu bia, bị trầm cảm…”.

Cũng theo ông Lê Quốc Bảo, một nghiên cứu của CARMAH vào năm 2015 cho thấy, có đến 18% người chuyển giới nữ tại TP.HCM  nhiễm HIV. 

Nguoi chuyen gioi nu co ty le nhiem HIV cao
Người chuyển giới thường bị kỳ thị, công việc khó ổn định. Ảnh: Hiếu Nguyễn.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), người chuyển giới nữ tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lý liên quan đến quan hệ tình dục cao.

Bởi trước đến nay, nhóm chuyển giới nữ là nhóm còn nhiều bí ẩn. TP.HCM là đơn vị tiên phong trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Dự án là một trong những biện pháp lấp phần nào khoảng trống trong quá trình phòng chống dịch bệnh HIV/AIDS.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần có một thống kê đầy đủ, chi tiết hơn về tình trạng chuyển giới của Việt Nam, cũng như nên xây dựng các phòng khám tại cộng đồng nhằm tập trung xét nghiệm, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, chuyển giới, người nhiễm HIV/AIDS và thân nhân của họ.

Tiến Đạt - Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI