Người bệnh suy thận nhớ kỹ 2 nguyên tắc này vào ngày tết

10/02/2018 - 12:00

PNO - Không chỉ với bệnh suy thận giai đoạn cuối, ngay cả người mới có triệu chứng suy thận nhẹ cũng nắm rõ 2 nguyên tắc này vào dịp tết này.

Với người bệnh thận, 2 vấn đề nghiêm ngặt nhất để kéo dài cuộc sống chất lượng chính là tuân thủ mức độ ăn mặn và lượng nước uống vào cơ thể. Trong khi, ngày tết, nhà nhà sử dụng nước ngọt, bia rượu, cho đến thịt kho mặn, thịt ngâm muối... 

Nguoi benh suy than nho ky 2 nguyen tac nay vao ngay tet
 

Uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Nếu ở bệnh viện, người bệnh suy thận được quy định chặt chẽ lượng nước uống vào. Và tùy từng ca bệnh suy thận ở giai đoạn cuối hay nhẹ mà bác sĩ sẽ có công thức cho uống lượng nước nhất định mỗi ngày. 

Lượng nước này được bác sĩ tính toán dựa trên lượng mồ hôi mất đi, lượng nước tiểu, dịch nôn ói... Đồng thời phải tính cả lượng nước từ các món ăn mà bệnh nhân húp như nước phở, nước cháo, nước hủ tíu...

Còn nếu bệnh nhân về nhà ăn tết thì lượng nước uống vào cơ thể được tính toán ước chừng. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu khi đi tiểu được từ 700ml nước tiểu thì có thể bổ sung từ 1,3 – 1,4 lít nước/ngày. Lượng nước này bao gồm từ các nguồn khác nhau, như nước uống, nước trong rau củ quả, các món ăn chứa nước cộng lại.

Với người tiểu được chừng 200 – 300ml thì có thể được bổ sung 1 lít nước/ngày vào cơ thể. Còn bệnh nhân không đi tiểu được, mỗi ngày chỉ được sử dụng 700ml nước. Thậm chí, nhiều ca bệnh suy thận giai đoạn cuối, người bệnh chỉ lọc máu, mỗi ngày không còn đi tiểu vì máy lọc thay thế chức năng thận, do đó họ chỉ cần dùng nước uống thuốc là đủ.

Sử dụng bao nhiêu gram muối?

Nguoi benh suy than nho ky 2 nguyen tac nay vao ngay tet
 

Nếu người bình thường được khuyến cáo ăn 5-6 gram muối mỗi ngày, trong khi người bệnh tim mạch chỉ được ăn từ 4-5 gram muối, còn người bị bệnh thận chỉ ăn 2-2,5 gram muối.

Trong khi 80% thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, bánh phở, hủ tíu, khô cá, thịt xông muối... đều đã được trộn, ướp sẵn một lượng muối nhất định.

Vì vậy, người suy thận không nên ăn hoặc hạn chế sử dụng những thực phẩm này và khi ăn phải tính toán lượng muối có trong thực phẩm này, nhất là những ca bệnh suy thận giai đoạn cuối.

Bản thân những thực phẩm này không độc, nhưng việc sử dụng nhiều muối sẽ làm cho quá trình xử lý của thận khó khăn hơn.

Nếu bệnh nhân suy thận đưa lượng nước quá nhiều vào cơ thể sẽ gây phù, ứ nước vì thận không thải được ra ngoài. Và cách tốt nhất là tránh ăn mặn để không phải uống nhiều nước.

Bác sĩ CK2 Tạ Phương Dung

Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI