Nếu chưa biết điều này thì hãy khoan dọn dẹp nhà cửa đón Tết

16/01/2017 - 18:46

PNO - Gần Tết, các bà nội trợ thường phải dọn dẹp lau chùi nhà cửa. Thế nhưng, các mẹ phải trang bị cho mình những kiến thức sau, để có cái Tết an toàn nhất.

Sơn tường dễ lên cơn suyễn

Bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cảnh báo: “Mùi nồng gắt, mùi sơn tường là một trong những tác nhân kích thích cơn suyễn dữ dội ở người bị bệnh suyễn”.

Cụ thể như trường hợp bé Lê Ánh D., chín tuổi, ở P.16, Q.8. Bé bị suyễn nhũ nhi, sau năm tuổi thì cơn suyễn thưa dần, dịu lại. Mới đây, khi gia đình sơn lại nhà để chuẩn bị tết, dù đã sang nhà hàng xóm chơi nhưng bé vẫn phát ho và lên cơn khó thở, phải đưa đi cấp cứu.

Neu chua biet dieu nay thi hay khoan don dep nha cua don Tet
Ảnh Internet

Mặt khác, ngày Tết nhà nào cũng đốt nhang nhiều hơn, mà mùi nhang cũng là tác nhân khiến bệnh nhân suyễn dễ lên cơn. Vì vậy, để an toàn cho sức khỏe, trong khoảng thời gian này, người bị bệnh suyễn nên dùng thuốc xịt dự phòng vào mỗi sáng-chiều và tránh xa những nơi đang dọn dẹp, sơn phết nhà cửa.

Đồng thời, phải lưu ý, không chỉ mùi nồng gắt mà con mạt nhà, bụi bặm cũng dễ làm kích ứng cơn suyễn và khi quét dọn nhà thì những dị nguyên này xuất hiện rất nhiều trong không khí.

Cắt tỉa cây kiểng bị sốc phản vệ

Anh Nguyễn Văn T., 41 tuổi, làm bảo vệ kiêm chăm sóc cây kiểng cho một công ty ở đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM đang tỉa cành cho chậu thiên tuế thì bất ngờ bị một con vật nhỏ như con ong đốt vào cánh tay trái đau điếng. Theo phản xạ, anh T. dùng tay còn lại quơ lấy con côn trùng; rồi định đi rửa tay, lấy dầu thoa thì thấy choáng váng, ngã ra bất tỉnh.

Khi đồng nghiệp đưa đến BV Trưng Vương cấp cứu, anh đã rơi vào tình trạng lơ mơ, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt…

Neu chua biet dieu nay thi hay khoan don dep nha cua don Tet
Ảnh Internet

Các bác sĩ (BS) xác định anh bị sốc phản vệ do nộc độc côn trùng làm phù dây thanh, phù khí quản, co thắt phế quản gây suy hô hấp… Sau hai ngày điều trị tích cực anh mới hồi tỉnh.

 Vì vậy, khi dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là sân vườn, cây cảnh, mọi người cần bảo hộ vùng tay-chân cẩn thận, tránh không may gặp phải những côn trùng có độc tố mạnh như ong vò vẽ, rắn… rất nguy hiểm.

Giặt mùng mền, quét nhà, mạng nhện: viêm da, viêm mũi dị ứng

Theo bác sĩ Trần Thiên Tài - Phòng khám Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược, cơ thể con người có thể dị ứng với khói bụi, hóa chất, lông thú, bọ mạt, thời tiết (gọi là dị nguyên)…

Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng, mẫn cảm, khi tiếp xúc với dị nguyên sẽ có phản ứng như: ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi (viêm mũi dị ứng); da bị ngứa, nổi mẩn (viêm da dị ứng)…

Neu chua biet dieu nay thi hay khoan don dep nha cua don Tet
Ảnh Internet

Cuối năm giặt giũ, lau chùi nhà cửa, tẩy rửa đồ đạc nhiều, nên mọi người rất dễ bị viêm da tiếp xúc. Khi đó, vùng da tiếp xúc bị ngứa, nổi mẩn đỏ, mụn nước và có thể vỡ bóng nước gây sưng, đau.

Nhiều người mắc bệnh đã sai lầm khi tự điều trị tại nhà bằng cách đắp lá, đậu xanh, mỡ trăn… lên vùng da bị tổn thương; chỉ khiến tình trạng viêm da càng nặng hơn, vết thương bị mưng mủ, nhiễm trùng, hoại tử; phải điều trị lâu ngày, tốn kém. Việc tự điều trị còn có thể khiến vi trùng xâm nhập theo đường máu, gây nhiễm trùng huyết, không kịp thời điều trị sẽ tử vong.

 Bụi, phấn hoa, hóa chất vệ sinh, xây dựng nhà: viêm kết mạc, bỏng mắt

TS.BS Nguyễn Thị Xuân Hồng - Bệnh viện Mắt TP.HCM, một bệnh lý thường gặp khác khi vệ sinh nhà cuối năm là viêm kết mạc, chấn thương mắt, bỏng mắt. Khi quét dọn nhà cửa, thói quen bảo hộ của nhiều người chỉ đơn giản là đeo khẩu trang để bụi không vào mũi, miệng, trong khi mắt vẫn phải tiếp xúc nhiều với bụi bặm.

Lúc quét dọn, không chỉ bụi bẩn mà bào tử của nấm mốc, lông vũ, lông thú vật cũng bay khắp nơi và có thể rơi vào mắt gây dị ứng, đỏ, cộm, sưng viêm mắt; nhất là với người có cơ địa dễ bị dị ứng. Lúc này, nếu không rửa sạch mắt đúng cách sẽ dẫn đến bệnh lý dị vật giác mạc, viêm kết mạc dị ứng (kết mạc là phần màng mỏng che trước nhãn cầu và mặt trong của các mí mắt).

Neu chua biet dieu nay thi hay khoan don dep nha cua don Tet
Ảnh Internet

Viêm kết mạc dị ứng còn gây phù nề, co quắp mi, khiến người bệnh sợ ánh sáng, nhìn mờ nhất thời, dễ tái phát khi mắt tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ. Nguy hiểm nhất là việc sử dụng hóa chất để lau chùi, đánh bóng bàn ghế, cửa, lư đồng, nữ trang… Ngay cả vôi, xi măng trong sơn sửa, xây nhà nếu sơ suất cũng có thể gây bỏng mắt, nếu không được xử lý bước đầu tốt và cấp cứu kịp thời sẽ có nguy cơ mù mắt.

Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, khi bị bụi hay dị vật, hóa chất rơi vào mắt, thấy thốn, cộm cần rửa tay thật sạch, nhỏ nước muối sinh lý thật nhiều vào mắt hoặc dùng nước sạch rửa mắt liên tục trong 15 phút để trôi dị vật, hóa chất, sau đó nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra.

Neu chua biet dieu nay thi hay khoan don dep nha cua don Tet
Ảnh Internet

Tuyệt đối không day, dụi mắt vì sẽ khiến mắt bị trầy, đau nhức; cũng không được tự điều trị vì sẽ làm tổn thương nhiều hơn, thậm chí dẫn đến viêm kết mạc do vi trùng, hoặc viêm loét giác mạc. Nếu bị bỏng mắt vì vôi sống, phải gắp vôi ra rồi mới rửa nước, vì vôi sống gặp nước sẽ sinh nhiệt, sôi lên làm tổn thương mắt nặng hơn. Ngoài ra, khi dọn dẹp nhà cửa cần cẩn thận vì còn có thể bị chấn thương đụng giập, rách hoặc thủng mắt vì té ngã hoặc bị các vật cứng va đập vào mặt - mắt.

Tóm lại, khi dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa nói chung phải hết sức cẩn thận và nên trang bị bảo hộ lao động như mặc quần áo dài tay, mang kính, khẩu trang… để bảo đảm an toàn. Đồng thời, nên dọn dẹp nhẹ nhàng, khoanh lại giải quyết từng khu vực nhỏ, để tránh không làm tung tóe bụi bẩn, hạn chế các tác nhân gây hại.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI