Mùa thi: Đổ xô săn thuốc bổ não

27/04/2018 - 19:00

PNO - Cứ đến mùa thi, hàng loạt loại thuốc bổ não lại được quảng cáo rầm rộ trên thị trường.

Những gia đình có điều kiện thì săn lùng sản phẩm xách tay từ nước ngoài, một số phụ huynh tiết kiệm hơn cũng cố mua cho con thuốc bổ não sản xuất trong nước.

Miễn trẻ… nhớ lâu là được

Hiện nay, thị trường thuốc bổ não xách tay rộ lên ba nhóm sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, được người bán gọi là thuốc nhưng thực chất là thực phẩm chức năng. Loại thứ nhất là dạng viên uống omega 3 dành riêng cho trẻ đang ở độ tuổi thiếu niên, một lọ gồm 150 viên, có giá dao động từ 700.000-800.000 đồng. Sản phẩm được quảng cáo với cơ chế bổ sung dưỡng chất giúp tăng cường hoạt động thần kinh não, nhờ đó trẻ sẽ tập trung hơn khi học bài.

Tiếp đến là loại sản phẩm tuần hoàn não, giá khoảng 600.000 đồng/hộp/60 viên, cơ chế tác động giúp cung cấp thêm dưỡng chất ngăn chặn sự phân hủy của tế bào thần kinh não, ngoài ra còn tăng cường lưu thông máu não. Chính nhờ sự tác động kể trên mà chức năng ghi nhớ cũng được kích hoạt tối đa.

Mua thi: Do xo san thuoc bo nao
 

Loại thứ ba, đang được các bà mẹ ưa chuộng nhất dù có giá “chát” hơn (1,1 triệu đồng - 1,2 triệu đồng/lọ/90 viên), liều lượng uống từ 1-2 viên mỗi ngày. Loại này được đồn thổi với công dụng “thần thánh” tới mức có thể dùng cho tất cả các trường hợp từ học sinh thiếu tập trung khi học bài cho đến những người bị di chứng sau tai biến mạch máu não, thậm chí cả các bệnh nhân trầm cảm, tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ tuổi già và… hỗ trợ cai nghiện ma túy. 

Chị Phan Thị Thảo, 45 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM, có con đang học lớp 12. Thấy con gái học ngày học đêm, quên ăn quên uống, áp lực thi cử dồn dập, chị rất lo lắng: “Một hôm cháu nói với tôi như muốn khóc, rằng mẹ ơi con không nhớ nổi bài, tất cả những gì học xong sang ngày hôm sau là quên hết”.

Thấy con vật lộn trong vòng luẩn quẩn, chị Thảo tìm hiểu thông tin từ bạn bè, quyết định mua thuốc bổ não nhằm hỗ trợ tăng cường trí nhớ cho con. Nghe nói thuốc này xách tay từ nước ngoài, giá hơn 1 triệu đồng. Từ lúc uống thuốc, con gái chị Thảo có vẻ bình tĩnh hơn, nhớ bài tốt hơn trước.

Chỉ làm nghề giúp việc nhà, thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng nhưng chị Võ Thị Rỡ, 49 tuổi, quê Trà Vinh, cũng ráng mua thuốc bổ não gửi về cho con trai. “Tôi có mỗi mình cháu, đang học năm cuối cấp III, áp lực thi cử nhiều. Tôi chỉ có mỗi nguyện vọng mong con học hành đỗ đạt, sau này ra trường có công việc trí thức mà làm, đỡ lao động tay chân vất vả như mẹ”, chị tâm sự.

Thấy chủ nhà đặt mua thuốc bổ não xuất xứ Mỹ, chị Rỡ không đủ khả năng mua như vậy nhưng cũng bắt chước ra tiệm thuốc Tây hỏi có loại gì uống tăng cường trí nhớ mà giá thật rẻ. Người bán hàng đưa cho chị lọ thực phẩm chức năng dạng viên uống sản xuất tại Việt Nam, có công dụng tăng cường tuần hoàn não làm từ thảo dược, giá 350.000 đồng. 

Người làm cha mẹ dù ở hoàn cảnh nào, giàu có hay khó khăn vẫn luôn muốn nuôi dưỡng con cái tốt nhất trong khả năng của mình. Đặc biệt là giai đoạn con trẻ ôn luyện thi cử, nghe được có cách gì bồi bổ, hỗ trợ giúp con nhớ lâu, thi tốt, tăng cường thể trạng thì đa số phụ huynh đều mày mò tìm kiếm, áp dụng.

Mua thi: Do xo san thuoc bo nao

Sự ngộ nhận không hề nhẹ

Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM cho biết, sản phẩm bổ não tạm chia thành bốn dạng: 

- Nhóm vitamin B, C, D, omega 3, DHA (thực phẩm chức năng).

- Modafinil (nhóm thuốc kích thích thần kinh) có chứa nicotine, caffeine.

- Piracetam thuộc nhóm racetam, nootropyl (thuốc tuần hoàn não), acetylcholine. 

- Reminyl 4mg dành cho bệnh sa sút trí tuệ để cải thiện trí nhớ, cavinton, cinnarizin (stugeron).

Nhóm vitamin, omega 3, DHA là các loại thực phẩm chức năng, có thể cho học sinh bổ sung trong mùa thi nhưng vẫn cần tham khảo bác sĩ để có liều lượng thích hợp vì không được sử dụng vitamin trong thời gian dài. Nhóm này có tác dụng giảm nồng độ của một loại hoóc-môn gây cản trở sự nhớ, tác động đến tư duy khiến con người trở nên linh hoạt hơn. 

Nhóm modafinil (kích thích thần kinh) có chứa nicotine, caffeine làm tăng nồng độ dẫn truyền thần kinh trung ương, khiến ức chế não bộ, tạo sự tỉnh táo tạm thời nhưng không dùng cho trẻ em. 

Loại thường được các bà mẹ lạm dụng và ngộ nhận nhất là nhóm thứ ba có công dụng tuần hoàn não. Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc này làm thay đổi lưu lượng máu, từ đó tác động đến sự chuyển hóa của não bộ. Các bác sĩ thường kê cho người cao tuổi, hoặc những bệnh nhân bị bệnh lý mạch máu não. Nhìn chung thuốc này để cải thiện thần kinh do mạch máu. 

Nhóm thứ tư chủ yếu dùng trong điều trị bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, các trường hợp liên quan đến bệnh lý về tâm thần.

Bác sĩ Quang khuyến cáo, không nên dùng các sản phẩm có chức năng bổ não với mục đích tăng cường trí nhớ mùa thi cho trẻ, bởi dùng bừa bãi không có sự chỉ định, giám sát của bác sĩ có thể gây ra những tác dụng phụ ngoài mong muốn. Đặc biệt là loại thuốc tuần hoàn não, với cơ chế làm thay đổi lưu lượng máu từ đó có thể ảnh hưởng đến cả hệ tim mạch và tiêu hóa. Ngay cả với những loại thực phẩm chức năng tăng cường các vitamin và khoáng chất cũng cần có sự hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian sử dụng. Trên thực thế, bổ sung vitamin quá đà cũng gây phản tác dụng.

Để giúp trẻ vượt qua mùa thi dễ dàng, hiệu quả

- Ngủ đủ từ 6-8 tiếng/ngày.

- Ăn uống đủ chất, bổ sung các loại thực phẩm vitamin nhóm B (ngũ cốc, rau củ), nhóm C (trái cây). Bên cạnh đó, các thực phẩm như cá hồi, trứng, bí đỏ cũng được coi là giúp tăng cường trí nhớ hữu hiệu.

- Cần giữ cho đầu óc tỉnh táo. Khi ngồi học quá lâu, cảm giác mất tập trung, trẻ nên đứng lên đi lại, thư giãn một lúc rồi mới học tiếp.

- Điều hòa nhịp thở là cách giúp bản thân giữ bình tĩnh. Khi thấy hồi hộp hãy hít thở thật sâu.

Gỡ giúp con gánh nặng áp lực thi cử

- Khi kỳ thi tới gần, cha mẹ nên dành thời gian chuẩn bị cùng trẻ. Nói chuyện với con và tìm hiểu xem đối với trẻ kỳ thi có ý nghĩa như thế nào. Đặc biệt, cha mẹ nên giúp con hiểu kết quả không quan trọng bằng việc trẻ sẽ cố gắng hết sức.

- Đừng bao giờ nhấn mạnh với trẻ việc thi trượt hay đỗ, thắng hay thua.

- Bảo đảm những hoạt động thường nhật của con không bị xáo trộn để trẻ không quá căng thẳng. Duy trì chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi của trẻ như thường lệ.

- Nếu trẻ quá căng thẳng, cha mẹ có thể cùng chơi thể thao hoặc những trò chơi tập thể với con (cờ cá ngựa, cờ tỷ phú, đánh cầu lông...).

- Hứa với trẻ sau kỳ thi cả gia đình sẽ cùng đi du lịch hoặc làm một điều gì đó thật đặc biệt (mà bạn biết rằng bé sẽ rất thích) để con có thêm động lực.

- Vào ngày thi, nên đảm bảo trẻ không ăn quá nhiều ngay trước khi thi.

 Tiến sĩ Antony Earnshaw (nhà tâm lý giáo dục học trẻ em nổi tiếng người Úc)

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI