Một vết xước mất đôi chân

19/06/2017 - 09:00

PNO - Vết thương đau nhức, nỗi lo lắng của bệnh tật luôn hành hạ ngày đêm, nhiều người bị đái tháo đường còn chịu cú sốc lớn khi sau một đêm thức dậy, trở thành người tàn phế.

Nghìn lẻ một… nỗi sầu

“Khốc liệt lắm, một vết loét nhỏ có thể dẫn đến mất chân, chịu tàn tật suốt đời”- tôi đi theo bước chân vội vã qua các phòng bệnh của BS Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết BV Chợ Rẫy.

Lướt nhanh qua những chiếc chân quấn băng trắng xóa, ông dẫn tôi đến căn phòng cuối dãy của khoa - nơi có một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi, với chiếc chân trái được quấn lớp băng gạc dày, đang trong tình trạng hôn mê.

Một phụ nữ hớt hãi đến lay tay ông, mắt ngấn lệ, giọng khẩn khoản: “Xin BS làm ơn cứu chồng tôi, giúp chồng tôi sống, tốn kém bao nhiêu tôi cũng chịu”.

BS Hoàng ân cần: “Tình trạng chồng chị rất nặng, nhưng chúng tôi sẽ luôn làm hết sức. Chị yên tâm”. Quay sang tôi, BS Hoàng thở dài: “Đó, ca này cũng chỉ từ vết loét bàn chân mà chủ quan, để giờ…”.

Mot vet xuoc mat doi chan
Cầu vượt đi bộ khoa Nội tiết, BV Chợ Rẫy - nơi thân nhân người bệnh chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc.


Tôi ngược lại phòng bệnh, cảm giác ngộp thở ập đến khi những bàn chân xám xịt, lở loét bùng nhùng máu mủ hiện ra trước mắt và tiếng rên la đau đớn của người bệnh.
Bà Vũ Thị P. (57 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm úp mặt vào tường, trân mình đưa bàn chân trái bị lở loét cho điều dưỡng “xử”. Cô con gái của bà lấp ló ngoài cửa phòng, mặt dúm dó theo từng động tác rửa vết thương. 

Cô nói với người bên cạnh - cũng là người thân một bệnh nhân nằm cùng phòng: “Má em bị tiểu đường một năm, được người quen rủ đi trị bệnh bằng cách nằm giường massage miễn phí. Nằm được chừng năm ngày, gót chân má bị phồng rộp và chỉ ba ngày sau lan gần hết mặt dưới bàn chân. Sau đợt điều trị ở đây hơn 20 ngày, BS cho điều trị ngoại trú, ba ngày đến rửa vết thương, thay băng một lần”.

Nằm cạnh đó, bà Lê Thị Q. (77 tuổi, ngụ thị trấn Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) rên la liên hồi vì vết loét hành hạ. Bà Q. và những người con không thể tin được, sau khi đạp xương cá  ba ngày, chân bà giống như “chân giò nướng”.

Không chỉ người lớn tuổi, nhiều người trẻ, mắc bệnh thời gian ngắn cũng bị biến chứng nặng. Chị Lê Ngọc T. (34 tuổi, ngụ tại Đăk Lăk) nằm gác tay lên trán vừa nhớ nhà, vừa tự dằn vặt mình vì nghe theo lời người quen ngâm chân nước ấm với gừng, muối sẽ giúp hết đau.

Nào ngờ, chỉ sau 10 ngày, chân chị bị lở loét, mưng mủ phải nhập viện cắt lọc da. Không giống với những bệnh nhân khác, luôn u sầu, khắc khổ, anh Đặng Văn Bé S. (52 tuổi, ngụ tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) hay cười và thoải mái trò chuyện: “Tôi rất may mắn giữ lại được chiếc chân đang bị nhiễm trùng nặng, BS nói tôi nhập viện trễ một hai hôm là phải tháo khớp”.

Anh S. cho biết, trong lúc dẫn chú chó bẹc giê đi dạo, anh bị móng chân chó làm xước một vệt nhỏ. Qua hôm sau, vết thương sưng đỏ. Anh nghĩ: “chỉ những người bị tiểu đường lâu năm mới bị biến chứng”, không ngờ, mười ngày sau chân anh ngả màu xám xịt, lở loét. Đến BV Chợ Rẫy khám, BS chỉ định nhập viện ngay, nếu muộn sẽ bị tháo khớp chân.

Những ánh nhìn ám ảnh

Chị Phạm Tuyết L. - con gái của bà Trần Thị H. (58 tuổi, ngụ tại Bình Dương) rưng rưng: “Tội má em lắm, sáng nay má kêu em lấy đôi dép cho má để ra hành lang hóng mát. Em đưa má một chiếc dép, má chưa quen bị cưa chân nên hỏi em: một chiếc sao mang con? Bất chợt, hai má con đều khóc”. 

Trong phòng bệnh, “người trong cuộc” dường như chung một sắc thái: lặng im, nằm thu mình. Tôi đã bị “đóng băng” khi bà Phan Thị Ph. (54 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) thút thít: “Sống thế này thì chết còn khỏe hơn”. Vừa nói, bà vừa đấm vào chiếc chân phải chỉ còn đến nửa gối. Cô gái trẻ ngồi cạnh nắm tay bà vỗ về: “Má đừng như vậy mà…”.

Cô gái vòng tay ôm mẹ, đầu tựa vào lưng bà, dường như khiến bà vơi bớt phần nào nỗi hoang mang, “tạm quên” chiếc chân trái buộc phải cắt bỏ cách đó tám ngày do nhiễm trùng, hoại tử lan rộng. 

Ở giường đối diện là bệnh nhân Nguyễn Thị S. (42 tuổi, ngụ tại Cà Mau). Cô con gái Trần Ngọc Nhanh đang cố dỗ dành bà ăn thêm muỗng cơm thứ ba nhưng bất lực. Nhanh cằn nhằn: “Một bữa có hai muỗng cơm làm sao mẹ khỏe được”.

Dọn cơm qua một bên, Nhanh giặt khăn lau miệng mẹ, rồi thêm một chiếc khăn lau mặt, cổ, lưng bà. Nhưng người mẹ chẳng chút thư giãn. Bà vẫn bất động, mắt nhìn vào khoảng không vô định. Thỉnh thoảng bà di chuyển ánh mắt tê dại xuống cuộn băng trắng xóa đang bó lấy chiếc chân chỉ còn tới gối. 

Người duy nhất vô tư nói cười trong phòng bệnh khá căng thẳng này là chồng của bệnh nhân Nguyễn Thị N. (54 tuổi, ngụ tại An Khê, Gia Lai). Ông nói với vợ và cố ý để những bệnh nhân nữ khác nghe: “Mấy bà sau này sướng muốn chết, đi đâu cũng được chồng dìu, kề vai sát cánh, khỏi cằn nhằn vì mấy ổng đi nhậu hoài”.

Có lẽ, nhờ sự hài hước của chồng, mà bà N. khá cởi mở khi tôi bắt chuyện. Bà kể, thấy có một cục chai như đầu đũa ở bàn chân phải, bà đến BV huyện khám. BS nói bà bị nấm chân và cho thuốc thoa.

Ba ngày sau, chân bà sưng to, kèm lở loét nên chuyển xuống BV Chợ Rẫy và “sau khi ngủ, thức dậy tôi thấy mất cái chân” - bà nói. Ông xen vào: “May mà bả được phẫu thuật nhanh mới giữ được mạng sống, chứ chân bị nhiễm trùng nặng quá”.

Hầu như những bệnh nhân và thân nhân đều bắt đầu bằng câu  “xui quá, tai nạn trên trời rớt xuống” để lý giải cho việc việc mình “bị nạn” phải đoạn chi. Mọi người nghĩ xui mới đạp xương cá, xui mới bị phồng chân… mà không nghĩ rằng những tai nạn này đã được các BS cảnh báo và căn dặn người mắc bệnh đái tháo đường luôn phải “nâng niu bàn chân… bệnh”: luôn mang dép kể cả khi đi trong nhà để tránh đạp dị vật, không được ngâm chân trong nước ấm, không được cắt da, lấy khóe móng chân… vì rất dễ gây tổn thương vùng bàn chân, khiến nhiễm trùng lan rộng. 

Sai lầm thường gặp

Người bị đái tháo đường phải chăm sóc, soi bàn chân như soi gương mặt mỗi ngày. Vì khi xuất hiện vết nứt, kẽ nứt, trầy xước… vi trùng xâm nhập dễ dàng, nhiễm trùng diễn tiến rất nhanh và nặng. 

Do mạch máu tưới máu kém, nên sử dụng thuốc kháng sinh kém hiệu quả, không kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng nên dễ lan rộng.

- Ngâm chân: do bàn chân thường có rối loạn cảm giác: đau nhức, tê buốt, nên nhiều người hay ngâm bàn chân trong nước ấm, muối, thuốc lá… cho đỡ đau nhức. Vì chân mất cảm giác nên dễ gây bỏng, hoặc tạo vết nứt, mở đường cho vi khuẩn xâm nhập.

- Cắt cục chai: khi bàn chân bị biến dạng, có vết chai, bệnh nhân cắt không đúng kỹ thuật tạo những vết loét.

- Làm móng không đúng cách, gây nhiễm trùng.

Để phòng ngừa biến chứng mạn tính của đái tháo đường nói chung, trong đó có biến chứng bàn chân, cần: kiểm soát đường huyết tốt, phòng ngừa nhiễm trùng, chăm sóc bàn chân tốt, tránh vết nứt, loét da… Khi có tổn thương da nên đến cơ sở y tế sớm để được chăm sóc đúng cách. 
 BS Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết BV Chợ Rẫy

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI