Mổ lạc nội mạc tử cung làm tăng nguy cơ vô sinh

17/05/2017 - 05:00

PNO - Nhiều người cho rằng mổ lạc nội mạc tử cung (LNMTC) giúp tăng khả năng có thai ở phụ nữ.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật LNMTC, bệnh vẫn tái phát, lại còn phát sinh nhiều hệ lụy và khiến bệnh nhân càng khó mang thai hơn. 

Mổ u LNMTC, suy luôn buồng trứng

Bác sĩ (BS) Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (Hosrem) - cho biết, trên 20% phụ nữ bị LNMTC và chính ông đã ghi nhận khoảng 50% trường hợp hiếm muộn tới khám và thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có liên quan tới bệnh lý LNMTC.

Tỷ lệ người bị LNMTC khá cao, ngoài các biểu hiện như chất lượng sống bị giảm đáng kể do đau đớn thì vấn đề lớn nhất của phụ nữ bị LMNTC là khó mang thai. Phẫu thuật được coi như một phương pháp phổ biến để điều trị, nhưng theo BS Tường, khi phẫu thuật LNMTC, bệnh nhân “mất nhiều hơn được”.

Khi khám, điều trị hiếm muộn cho chị T.T.D., 32 tuổi, ngụ tại Q.8, TP.HCM, qua điều tra bệnh sử, BS Tường cho biết, bệnh nhân này bị LNMTC ở buồng trứng, tạo thành những khối u rất lớn, choán hết buồng trứng.

Chị D. đã từng được phẫu thuật để điều trị khiến buồng trứng bị suy nên chị không thể có con được. Với trường hợp này,  muốn có con, chỉ còn cách xin trứng. 

Một trường hợp khác liên quan tới việc mổ LNMTC làm tăng nguy cơ vô sinh là chị P.T.T., 36 tuổi, ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM. Chị T. cũng bị LNMTC ở buồng trứng, đi phẫu thuật để dễ có thai hơn.

Sau ca mổ một thời gian, tình trạng LNMTC của chị tái phát, phải mổ tiếp lần thứ hai. Khi chị T. đến phòng khám của BS Tường, yêu cầu được làm thụ tinh trong ống nghiệm thì trứng còn rất ít, buồng trứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mo lac noi mac tu cung lam tang  nguy co vo sinh
Chỉ nên phẫu thuật lạc nội mạc tử cung khi điều trị nội khoa thất bại và chất lượng sống bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Phẫu thuật LNMTC, mất nhiều hơn được

BS Tường cho rằng, các trường hợp bị LNMTC, đặc biệt ở vị trí buồng trứng thì không nên mổ. Tâm lý chung của bệnh nhân là khi biết trong cơ thể có một thứ giống khối u thì cuống lên, yêu cầu BS bằng mọi cách phải cắt bỏ ngay.

Trước đây, một số  BS khi thấy một thứ bất thường xuất hiện trong bụng cũng nghĩ rằng nên phẫu thuật để loại bỏ. Khoảng 5 năm trở lại đây, quan niệm này đã thay đổi vì thực tế cho thấy LNMTC là bệnh lý mạn tính, xuất phát từ cơ địa của người bệnh.

Phẫu thuật chỉ lấy đi phần ngọn, không giải quyết triệt để nguyên nhân gây bệnh. Khi bệnh nhân tới chu kỳ kinh nguyệt, bệnh lại tái phát. Đó là chưa kể, đôi khi tế bào LNMTC nằm rải rác ở nhiều vị trí, cơ quan trong bụng, đụng đâu cũng mổ sẽ gây ra các biến chứng như sẹo, dính, tai biến, làm vùng bị mổ càng thêm phức tạp.

Khi vị trí LNMTC ở buồng trứng, lại càng không nên mổ, vì sẽ làm bệnh nhân khó có thai, dù sau này có tìm tới kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm mà buồng trứng suy thì cũng chỉ còn cách đi xin trứng.

Đối với những trường hợp bị LNMTC, nếu không đau thì không cần làm gì (một số ít trường hợp không có biểu hiện, không nguy hiểm và vẫn có thai được theo cách tự nhiên). Với bệnh lý này, ưu tiên hàng đầu vẫn là điều trị bằng thuốc.

Thuốc để điều trị LNMTC được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất dùng để giảm đau (có tới bốn - năm loại, mỗi người thích ứng với mỗi loại thuốc giảm đau khác nhau). Nhóm thứ hai là thuốc về nội tiết, có tác dụng ức chế làm các tế bào LNMTC teo lại, khiến phản ứng viêm giảm xuống.

Với thuốc giảm đau, BS chỉ cho khi bệnh nhân cảm thấy đau đớn, còn thuốc về nội tiết thì có thể dùng trong thời gian dài hơn. Do một số loại thuốc nội tiết có tác dụng phụ nên bệnh nhân cần tái khám đều đặn để được BS điều chỉnh cho phù hợp.

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI