Mặc kệ hội chứng thận hư, nữ điều dưỡng vẫn ngày đêm chăm sóc bệnh nhân

27/02/2018 - 07:00

PNO - Người sưng phù vì bị hội chứng thận hư, chị Hồng vẫn ngày ngày tới bệnh viện, miệt mài với công việc điều dưỡng của mình. Hơn ai hết, chị sợ một ngày không thể tiếp tục chăm sóc bệnh nhân.

Bài 1: Nữ điều dưỡng không buông tay bệnh nhân ung thư đến cuối cuộc đời

Bài 2:  Người nữ hộ sinh đặt tên cho hàng trăm trẻ bị bỏ rơi


Nghề điều dưỡng đã chọn chị

Đặt phần cơm dang dở sang một bên, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, điều dưỡng trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM rón rén kéo tấm vải, đắp lên người đàn ông co ro lạnh ở giường phía bên cạnh. Ông nằm viện khá lâu, dường như người nhà đi chăm ông cũng dần đuối sức, cả hai ngủ ngon lành không biết có người đến thăm.

Mac ke hoi chung than hu, nu dieu duong van ngay dem cham soc benh nhan
Chị Hồng như nhìn thấy vào nỗi đau của mình trong chính bệnh nhân mà chị chăm sóc

Chị lại tiếp tục đến bên giường cụ ông gần 90 tuổi gần đó kiểm tra dịch truyền, vừa thay băng vết mổ, vừa trò chuyện để ông cụ bớt đau đớn. Chị cười: “Sắp hết bệnh rồi, ông sắp được về nhà rồi, về nhớ ăn uống, nghỉ ngơi tốt nha ông”. 

Vội vã, chị cặm cụi xem lại hồ sơ, số liệu trên máy tính. Thi thoảng, chị ngẩng mặt lên, ghi nhớ gì đó rồi chép vội vào sổ. Bệnh nhân đi ngang qua chỗ chị, giơ tay chào. Chị Hồng mỉm cười, nước mắt bất chợt rơi xuống trên gương mặt sưng phù vì căn bệnh suy thận, chị sợ những phút giây vui vẻ như thế sẽ trở nên ngắn ngủi.

Chăm sóc người bệnh là vậy, nhưng bản thân chị cũng đau đớn. Cả người căng tức, sưng phồng, cố gắng không nói về bệnh tật, đôi mắt vẫn đậm nét mệt mỏi vì tác dụng của thuốc. Chị cố mỉm cười, nhìn ra phía cửa: “Mình cứ làm việc thôi, đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa”.

33 tuổi, hơn 10 năm gắn bó với công việc điều dưỡng, chị không nhớ mình đã tiếp xúc với bao nhiêu bệnh nhân, bao nhiêu lần “đụng độ” với thân nhân quá khích; nhưng chị luôn tâm niệm: "Phải yêu thương bệnh nhân thì bệnh nhân mới thương lại mình".

Mac ke hoi chung than hu, nu dieu duong van ngay dem cham soc benh nhan
Nghĩ rằng đi học điều dưỡng để có cái nghề, nhưng rồi, chị yêu nó lúc nào không hay

Chị kể: “Ban đầu, tôi học điều dưỡng chỉ nghĩ học thử cho biết, nhưng khi đi thực tập, tôi yêu nghề lúc nào không hay”.

Từng chứng kiến bao bệnh nhân cô đơn, mệt mỏi, đau đớn khi sắp bước vào cánh cửa cuối cùng của cuộc đời, nữ điều dưỡng tập sự quyết định ở lại, trong khi bạn bè phần vì sợ hãi, phần do áp lực đã âm thầm bỏ lớp, bỏ bệnh nhân để rẽ sang con đường khác. 

Suy cho cùng, nghề điều dưỡng đã chọn chị, càng đi thực tập, chị càng làm việc hăng say hơn. 

Mac ke hoi chung than hu, nu dieu duong van ngay dem cham soc benh nhan
Chị chưa từng khóc vì điều gì, nhưng lại rơi lệ khi nghĩ về một ngày không đủ sức để tiếp tục công việc.

Bị bệnh thận, càng thấy thương bệnh nhân hơn

Năm 2007, chị xin vào làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu của một bệnh viện ven thành phố, chỉ 2 tháng sau, chị trở thành điều dưỡng trưởng. Năm 2009, chị xin về làm điều dưỡng khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM để tiện việc chăm sóc gia đình. Chỉ vài năm sau, chị lại được bệnh viện tin tưởng trao nhiệm vụ điều dưỡng trưởng tại khoa.

“Tôi vẫn còn nhớ câu nói của chị điều dưỡng hướng dẫn thực tập lúc xưa. Chị nói với chúng tôi, nếu các em không xem bệnh nhân như người thân, các em sẽ không làm điều dưỡng được. Đến bây giờ tôi vẫn nói với các em mới vào nghề như vậy. Đó là sự chuẩn bị về cả tinh thần, lẫn tâm lý trước khi trở thành một điều dưỡng”, chị Hồng nhớ lại.

Mac ke hoi chung than hu, nu dieu duong van ngay dem cham soc benh nhan
"Vừa là điều dưỡng, vừa là người bệnh, tôi cảm nhận rõ hơn về nỗi đau của bệnh tật"

Với vẻ bề ngoài rắn rỏi, nhưng chị Hồng cứ lo sợ cuộc sống phía trước của mình không trọn vẹn cho bệnh nhân.

Năm 2013 tưởng chừng hạnh phúc đến với chị khi biết mình đang mang thai đứa con đầu lòng. Chưa kịp nở nụ cười trọn vẹn, bác sĩ nghi ngờ chị bị suy thận. Chọn lựa giữa sinh thiết và giọt máu đang hình thành, chị xoa bụng mình, chị muốn có con.

Công việc và con cứ cuốn chị đi, cho đến một ngày, chị ngất xỉu, nhập viện rồi tỉnh dậy với bản kết luận bản thân bị hội chứng thận hư từ bác sĩ. Nghĩ đến con, đến người bệnh, đến việc vào bệnh viện thay vì là một điều dưỡng, chị phải mang trên người chiếc áo bệnh nhân, thở mệt nhọc theo từng tiếng tít tít của máy lọc, chị rơi nước mắt.

Chị cùng bệnh nhân, đau nỗi đau của bệnh tật, nỗi đau mà 10 năm qua, chị đã tự tay xoa dịu cho hàng ngàn người tìm đến. “Sợ cũng rất sợ, buồn, tôi vẫn thấy buồn lắm, nhưng nếu cứ sợ và buồn thì ngày tháng còn được bao nhiêu. Tôi cứ tập trung vào công việc, đến khi nào không còn làm được nữa, đồng nghiệp của tôi sẽ tiếp tục”, chị Hồng lại thổn thức.

Mặc kệ cơ thể đang sưng phù, đau nhức, mệt mỏi vì bệnh thận ngày một nặng, với quyết tâm và lòng yêu nghề, chị Hồng vừa điều trị, vừa đi làm, vừa tiếp tục học chuyên khoa 1 để cập nhật, nâng cao kiến thức nghề. 

“Vừa là điều dưỡng, vừa là người bệnh, tôi cảm nhận rõ hơn về nỗi đau của bệnh tật. Với người bệnh được chăm sóc chu đáo rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là sự trò chuyện, thấu hiểu và chia sẻ. Khi bệnh tật, ai cũng có nỗi cô đơn của riêng mình”, chị Hồng tâm huyết. 

Mac ke hoi chung than hu, nu dieu duong van ngay dem cham soc benh nhan
Đôi tay này, 10 năm qua đã chăm sóc cho hàng ngàn bệnh nhân, liệu, chị có đủ sức khi tự chăm sóc chính mình?

Điều chị mơ ước là người nhà bệnh nhân hãy tin yêu ở điều dưỡng. Bởi hầu hết điều dưỡng thường nói vui rằng “làm điều dưỡng là làm dâu trăm họ”, dễ bị người nhà lẫn người bệnh xem thường.

Vì xót người thân của mình, nhiều người sẵn sàng dùng lời lẽ xúc phạm điều dưỡng. Ngay cả việc điều dưỡng thực hiện tiêm, truyền thuốc theo y lệnh của bác sĩ cũng bị người nhà xem thường, từ chối... họ chỉ muốn bác sĩ thực hiện.

Thậm chí, ngay cả việc chăm sóc vệ sinh cá nhân người bệnh, các chị cũng áp lực trước người nhà bệnh nhân, nếu chẳng may bệnh nhân nôn ói, ho sặc thức ăn...

Đôi khi, các chị phải nuốt nước mắt khi đứa con bé bỏng đang bị sốt cao chờ mẹ về lo viên thuốc, miếng ăn nhưng buộc phải gác qua một bên để vào viện chăm sóc bệnh nhân. 

Trong khi bản thân chị, kể cả bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm chị cũng không e sợ. Chị chỉ sợ một ngày, chính bản thân mình phải nhờ người dìu đỡ, đôi tay quen chăm sóc người khác, không thể tự chăm sóc mình.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI