Lớp học vào đời của trẻ em khiếm thị, đa tật

30/04/2017 - 15:30

PNO - Đây là một trong những bước đầu tiên để các em khiếm thị, đa tật học cách tự lập, nuôi sống bản thân và bước vào đời.

Trong gian bếp nhỏ của trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, tiếng cười nói rộn ràng, tiếng gọi nhau í ới, 7 học sinh với độ tuổi từ 14-19 cùng nhau nấu ăn, cùng nhau chuyện trò. Những câu chuyện không đầu không cuối tràn ngập niềm vui.

Các em hào hứng bởi hôm nay là thứ 4, ngày các em có thể học bán những sản phẩm của mình tự làm ra. Bán được ở trường, các em có quyền hy vọng về một tương lai kiếm sống bằng chính đôi tay và công sức của mình. Từ đó, bản thân mỗi đứa trẻ khuyết tật kia sẽ là một khẳng định cho câu nói “tàn nhưng không phế”. 

Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Dạy trẻ đi chợ, nấu ăn và buôn bán là một trong những môn học tâm huyết của tập thể giáo viên Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM

Một gian hàng nhỏ nuôi dưỡng nhiều mơ ước to

Tiếng trống giờ ra chơi vang lên, cũng là lúc nước sâm, yaourt, xoài, bánh mì... đã được dọn lên sẵn sàng. Mỗi món đều đồng giá 5.000 đồng.

Em Phan Đoàn Anh Thuận (lớp kỹ năng 8) cất tiếng rao vội vã “Đồ ăn đây các bạn ơi, nước sâm đi, yaourt nè, mua đi, mua đi các bạn ơi…”, cùng tiếng cười đùa, rộn ràng một góc sân.

Trong nhóm, các em phân định rõ ràng, Thuận sẽ là người gom và hồi tiền thừa, Nhật Hào, Sơn, Ngọc Thy,… là người đứng bán. Những em còn lại sẽ dọn dẹp, vệ sinh nơi bán và rửa chén dĩa. Mỗi người một việc, các em phối hợp nhịp nhàng, gọn gẽ.

Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Mỗi thứ 4 hàng tuần các em sẽ được hướng dẫn đi chợ rồi tập làm quen vào bếp.
Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Sự khó khăn và nỗi sợ hãi của các em là dao làm bếp và lửa.

Em Phan Đoàn Anh Thuận vui vẻ nói: “Ban đầu em nghe cô nói cho học nấu ăn thì cũng sợ, em không nhìn thấy gì, không biết cây dao nó thế nào nên sợ mình làm không được, sợ làm cháy. Nhưng các cô nói em cứ học, mọi chuyện các cô lo.

Em cũng như các bạn, sợ nhất là lửa vì không cảm nhận được lửa như thế nào. Nhưng khi học được thì thích lắm, giờ em đã có thể làm được nhiều thứ. Các bạn sáng mắt chưa chắc nấu ngon bằng em đâu nha”.

Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Sau hai năm kiên trì, hiện tại lớp đầu tiên đã gần như thuần thục với bếp và các món ăn
Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Giờ đây các em đã có thể tự tin nấu nướng, bán cho thầy cô và các bạn tại trường

Thuận chia sẻ, khó khăn nhất của em và các bạn là phải cảm nhận được độ sắt của dao, phải ghi nhớ được hình dáng, đặc điểm của thực phẩm để chế biến, phải ngửi được mùi của gia vị để không bị nhầm lẫn,… 

Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Hơn một năm đứng bán, để các em hào hứng và không nản, cô Vân chỉ yêu cầu các em bán đồng giá 5.000 đồng cho bất kỳ món nào làm ra. Thời gian tới sẽ có nhiều mức giá để các em quan dần.

Thế nên trong suốt 20 ngày đầu của môn học, ngoài việc cầm tay chỉ dẫn, các cô cũng phải miêu tả đặc điểm, hình dáng, tính chất, độ chín,… của từng món rau, củ từ dễ dàng nhất như hành, ngò cho đến bí đỏ, khoai, sắn. Thậm chí, cảm nhận độ nóng của lửa và các dụng cụ liên quan, cô trò cũng cùng nhau trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc.

Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Ban đầu, Ngọc Thy khá ngại ngần khi đứng bán, nhưng bây giờ em có thể tự tin đi giao đồ ăn cho những lớp đặt sẵn. Đi giao đồ ăn cũng là 1 trong kỹ năng mà môn học muốn rèn luyện cho các em.

Hơn 3 tháng đầu, không ít học sinh muốn bỏ cuộc, thậm chí có em nản lòng, thấy mình vô dụng nên cứ ngồi khóc, tự mắng chửi mình. Các em lại tủi thân nhớ về những câu nói nặng nề mà những người phía bên ngoài khuôn viên trường trút lên mình như một kẻ tàn phế, chỉ biết ăn bám, sống nhờ tình thương của người xung quanh. 

Khi quá nhiều câu nói tiêu cực dồn về, tưởng chừng các em bỏ cuộc, nhưng không, nhờ những câu chê bai, khích bác, sức sống mãnh liệt trong một cơ thể hư hại lại trỗi dậy.

“Mọi người đừng nghĩ chúng em là thứ bỏ đi”

Các em bước vào khuôn bếp nhà trường nhớ tâm trạng vừa sợ hãi, bất lực đi cùng một sự quyết tâm, một khát khao vươn lên mạnh mẽ. Cô trò lại cùng kiên nhẫn, sờ soạn từng góc bếp, từng cọng rau với một ý chí vững vàng.

Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Để có sự thuần thục như ngày hôm nay, đó là một nỗ lực to lớn giữa thầy và trò của Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu

Cô Nguyễn Thị Thu Sương, người mẹ cần mẫn đi cùng các em qua những chặng đường đầy kiên nhẫn này cho biết: “Tôi không sợ mất thời gian, chỉ sợ các con nản lòng. Với các con, cầm chén ăn đã là khó nói gì là làm ra những món ăn.

Nhưng tôi tin vào các con, vào cô Vân (cô hiệu trưởng), cô nói các con làm được, tôi và các cô khác sẽ đồng hành. Bây giờ, các con không chỉ tự tin khi vào bếp mà còn nấu ăn rất ngon. Chúng ta đừng nghĩ các con không làm được gì, mà hãy giúp các con thực hiện”.

Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Sự tự tin pha lẫn tự hào về bản thân, nụ cười rạng ngời đã trở lại

Ngoài việc nấu đồ ăn để bán, các cô còn dạy trẻ phải biết quan tâm, chăm sóc người thân của mình, thông qua việc để các em tự chia ngày nấu ăn cho nhau. Không phải các em khuyết tật là không giúp được người khác, các em sẽ giúp được nhiều người nếu như các em biết sẻ chia.

Em Trần Nhật Hào (15 tuổi, lớp kỹ năng 8) nói: “Các cô ở đây dạy cho chúng em nhiều lắm. Bây giờ em đã có thể tự lo cho mình từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống. Em biết nấu các món xào, món canh, món mặn, nấu được cả bánh canh. Mấy lần về nhà, em còn nấu ăn được cho ông bà. Mọi người đừng nghĩ chúng em là thứ bỏ đi, mà hãy cho chúng em một cơ hội hòa nhập".

Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Những bịch yaourt, những chai nước sâm tưởng chừng là một món ăn đơn giản nhưng giờ đây chúng sẽ là cầu nối để các em bước vào đời.

“Mọi người đừng nghĩ chúng em là thứ bỏ đi” không chỉ là sự bế tắc, sự đau khổ của riêng Nhật Hào, mà là tâm sự của hàng trăm đứa trẻ tại Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Không ít đứa trẻ được sinh ra trong một cơ thể èo uột đã bị chính người thân của mình bỏ rơi. Những hình hài đỏ hỏn, không chỉ cất tiếng khóc chào đời, mà khóc vì bị chối bỏ. 

Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Cô trò cùng nhau tập đi bán dọc các dãy lớp học.

Ngay cả người sinh ra các em cũng mặc định chúng chỉ là một quả trứng bằng đá, sẽ không làm được gì, chúng là một gánh nặng. Họ không cho con mình một cơ hội nào trên bước đường đời.

Nhưng có ai biết rằng, bên trong những quả trứng ấy là cả một sức sống mãnh liệt, một khát vọng vươn lên đến cháy bỏng. Chúng rất hiểu chúng ta, chỉ vì chúng ta không chịu hiểu chúng, không cho chúng một cơ hội.

Lop hoc vao doi cua tre em khiem thi, da tat
Để có được ngày hôm nay, cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã bỏ hơn 5 năm để lên kế hoạch, các cô tại trường cũng tự bỏ kinh phí qua một trường mù ở Thái Lan được huấn luyện dạy nấu ăn cho trẻ.

Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM cho biết: “Ban đầu khi tôi để cập đến môn học này, nhiều phụ huynh đã phản đối, họ cho rằng họ là người lành lặn, để cho một đứa trẻ khuyết tật phục vụ mình thì… coi sao được. Con họ cần được học văn hóa để có một cái nghề đàng hoàng. 

Chúng tôi vẫn dạy văn hóa, nhưng với những đứa trẻ trí tuệ bị giới hạn, tôi nghĩ rằng dạy cho các con một cái nghề sẽ tốt hơn.  Chúng ta hãy nghĩ đến chuyện xa hơn, nếu một ngày cha mẹ không may mất đi, ai sẽ là người lo cho bọn trẻ. Hãy để các con tự làm chủ cuộc đời mình, vì các con sẽ làm được”.

Trẻ khiếm thị đa tật nấu ăn và buôn bán để tự tin hòa nhập cộng đồng

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI