Lấy da đùi ghép lên mặt, để lại sẹo khổng lồ

13/03/2017 - 21:14

PNO - Cứ ngỡ bé còn nhỏ, da đùi ghép lên mặt thì sau đó, da mới ghép cũng trở nên mịn màng. Đáng tiếc, vết sẹo từ da đùi sẽ theo bé N.N.T. 3 tuổi đến suốt cuộc đời.

Đa phần bớt bẩm sinh (BBS) là vô hại, có thể mờ dần khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, cũng có một số loại bớt vĩnh viễn, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khoẻ của trẻ. Vì thế, việc điều trị BBS đòi hỏi sự kiên trì của phụ huynh, nóng vội có thể gây ra những hậu quả tồi tệ. 

Chỉ vì vội xóa bớt cho con

Nhiều phụ huynh mù mờ thông tin nên rất hoang mang khi phát hiện trên cơ thể con có BBS, vội tìm mọi cách để xóa bớt cho con. Theo TS-BS chuyên khoa da liễu Lê Thái Vân Thanh - BV ĐH Y Dược TP.HCM, nhiều phụ huynh nôn nóng đã cho trẻ phẫu thuật ghép da, đốt laser để điều trị BBS, vô tình biến “lợn lành thành lợn què”.

Lay da dui ghep len mat, de lai seo khong lo

Một trường hợp đáng tiếc là bé N.N.T. (3 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM); có bớt trông như vết cà phê đổ loang trên mặt, càng lớn vết bớt gia tăng kích thước, nên gia đình đã đưa bé đi phẫu thuật ghép da. “Khi bệnh nhi (BN) tới khám, phần da được ghép trên mặt đã thành một vết sẹo khổng lồ nhìn rất xấu. Người ta đã nghĩ lấy da đùi của bé ghép lên là yên tâm vì da trẻ con mềm mịn; nhưng không hiểu khi bé lớn lên, da đùi và da mặt phân hóa rõ hơn, da đùi lại dày hơn da mặt, nhìn rất rõ. Vết sẹo đó sẽ theo bé suốt cuộc đời”, BS Thanh nói. Thật ra trong trường hợp bé T., có khả năng bớt sẽ tự mờ đi khi BN 12-13 tuổi, gia đình không cần phải can thiệp.

Kiên trì kiểm soát, bớt có thể tự hết

Chị N.T.D., 35 tuổi, ngụ Q.7, đưa con gái là bé T.A., năm tuổi, đến Phòng khám da, BV ĐH Y Dược để điều trị bớt, buồn buồn: lúc mới sinh chị không thấy rõ bớt trên mặt bé, đến khi bé hai tuổi, chị và cô giáo mới phát hiện cánh mũi trái của bé xuất hiện một vệt đỏ có những chấm li ti như mụn trứng cá, bên trong còn có cồi trắng. Tưởng nóng quá con bị nổi rôm sảy, chị cho uống nước cam, ăn nhiều trái cây, tắm nước khổ qua... nhưng không thấy giảm, lại còn nổi rõ hơn.

Hoang mang, chị đưa con đi khám phòng mạch tư, được kê toa thuốc kháng nấm về bôi, nhưng bôi cả tháng trời chẳng hiệu quả gì. Chị lại ôm con tới các BV có chuyên khoa nhi về da liễu và giờ là BV ĐH Y Dược. Đến lúc này chị mới biết con mình không bị nấm hay rôm sảy gì, mà vết trên mặt bé gọi là nevus sùi (một dạng BBS). BS Vân Thanh khuyên chị chịu khó bôi thuốc chuyên biệt mỗi ngày để kiểm soát vết sùi, đừng vội đốt laser hay phẫu thuật cắt bỏ, khi bé lớn hơn bệnh có khả năng tự hồi phục.

Chỉ phẫu thuật nếu ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống

Theo BS Vân Thanh, BBS là cách gọi dân gian, chỉ các vết trên da của bé lúc mới sinh. Cũng có những loại BBS không xuất hiện ngay khi bé chào đời mà phải nhiều tuần, thậm chí đến tận khi dậy thì mới hiện ra. BBS được chia làm hai nhóm là mạch máu và sắc tố.

Bớt mạch máu thường gặp là bớt rượu vang (tình trạng dị dạng mạch máu thành mảng đỏ lan rộng trên da, thường xuất hiện 1/2 vùng mặt), phân bổ theo nhánh dây thần kinh (mắt, trán, môi, hàm trên).

Bớt rượu vang sinh ra là đã thấy, không hết được. Tiếp đến là bớt dạng u mạch. Trẻ sinh ra trong vòng vài ngày đầu tiên sẽ thấy có khối u gồ lên bề mặt da; dưới khối u là búi mạch máu cuộn. Khối u có màu đỏ, đè vào sẽ nhạt bớt màu. Nếu bên dưới đa số là tĩnh mạch, khối u sẽ có màu xanh tím; nếu có cả động và tĩnh mạch thì có màu xanh lẫn đỏ; nếu chỉ có động mạch thì màu đỏ.

Một dạng khác là các nevus chứa mạch máu cuộn, có thể màu đỏ hoặc nâu. U mạch đơn thuần sẽ có kích thước lớn dần theo độ tuổi của trẻ, có thể tự hết khi trẻ 9-10 tuổi. Bớt sắc tố cũng có hai nhóm là tăng sắc tố và giảm sắc tố.

BS Vân Thanh khẳng định, tùy từng loại bớt mà có cách điều trị riêng. Đa phần bớt sẽ tự nhạt đi khi trẻ lớn lên, phụ huynh cần kiên nhẫn nghe chỉ định của BS. Những u mạch máu mọc ở những vị trí như mắt, mũi, hậu môn dễ gây nhiễm trùng, ảnh hưởng thị lực, hô hấp và chất lượng sống của trẻ mới cần phẫu thuật, giải quyết sớm.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI