Làm sao nhận biết thuốc có thành phần corticoid?

23/07/2018 - 11:48

PNO - Gần đây, có nhiều cảnh báo thuốc tây để điều trị ho, cảm sốt, dị ứng cho trẻ thành phần hay có corticoid. Tôi nhận thức được corticoid rất nguy hiểm, không thể sử dụng tùy tiện cho trẻ.

Tuy nhiên, khi đọc các thành phần của thuốc tôi lại không thấy chữ nào ghi là corticoid cả, nghe nói hoạt chất này có rất nhiều dạng và thể hiện dưới các tên khác nhau. Bác sĩ có thể giúp liệt kê một số tên gọi của corticoid thông dụng hay có trong các loại thuốc uống và bôi để phụ huynh nhận biết và thận trong hơn khi mua về dùng cho con không?

Trần Thị Ngọc Phương (TP.HCM)

Lam sao nhan biet thuoc co thanh phan corticoid?
Bệnh nhi dùng thuốc corticoid đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Hà Nội

Bác sĩ Trần Thiên Tài - Phòng khám Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - trả lời: Trước tiên, phụ huynh cần phải hiểu rằng, corticoid là một loại thuốc có vai trò rất quan trọng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm, dị ứng, ức chế miễn dịch… Tuy nhiên, sử dụng thuốc có chứa corticoid phải dưới sự kiểm soát của bác sĩ về liều lượng, nồng độ, vị trí và diện tích sử dụng…

Corticoid phân loại theo hiệu lực tác động, được chia làm bốn nhóm: nhẹ, mạnh, khá mạnh và rất mạnh. Mỗi hiệu lực kể trên sẽ có một nhóm corticoid khác nhau với rất nhiều tên gọi, người sử dụng không thể nào biết được. Trong thuốc ho, thuốc giảm đau thường có corticoid dưới tên gọi Dexamethasone. Còn các loại thuốc bôi ngoài da thì hay có thành phần corticoid là Clobetasone, Triamcinolone, Betamethasone, Hydrocortisone... 

Nhìn chung, khi kê toa cho bệnh nhân, nếu có thành phần corticoid bác sĩ sẽ giới hạn thời gian sử dụng không quá 10-14 ngày. Phụ huynh không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ mà nên theo sự chỉ định của bác sĩ. Nếu lỡ mua thuốc về, đọc thành phần thấy có những tên gọi kể trên của corticoid hãy hết sức thận trọng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng. Với những loại thuốc có chứa corticoid hiệu lực mạnh, khi bôi vào vùng da mỏng có thể dẫn tới tổn thương tức thì không hồi phục.

Thanh Huyền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI