Khi cha mẹ 'hả, hử', xin con đừng phiền lòng

03/04/2017 - 09:30

PNO - "Trong nhà này, chẳng ai muốn nói chuyện với cha. Cha buồn.... cha làm bạn với tivi, con lại bực bội vì mở quá to. Cha lặng lẽ mở bản nhạc thời xưa cũ, con lại cáu gắt. Nhưng con có hiểu..." Ông T. đau lòng kể.

Người lớn tuổi khi yêu cầu con cháu nói lại cho rõ hoặc nói quá to so với mức bình thường, những người trẻ xin đừng phiền lòng vì đó là những dấu hiệu của tình trạng mất thính lực phổ biến ở những người già.

Buồn vì không được nghe và nói

Ông T.V.T. (65 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) rầu rỉ kể, khoảng 1 năm gần đây, ông trở nên cô độc vì ít được con cháu trong gia đình nói chuyện. Buồn, ông chỉ biết tìm đến những người bạn già cùng lứa tuổi hàn huyên. Con cháu xa lánh bởi mỗi lần nói chuyện, ông thấy quá khó khăn vì nghe không rõ, cứ phải hỏi đi hỏi lại.

Lâu dần rồi mọi người trong gia đình ngại nói chuyện với ông. Vốn có kinh nghiệm về chuyện bị giảm thính lực, những người bạn khuyên ông đi khám tai và mang máy trợ thính. Tuy chỉ đơn giản như vậy nhưng sau đó, do nghe rõ lại như bình thường nên ông T. vui vẻ trở lại vì đã có thể dễ dàng giao tiếp với mọi người.

Khi cha me 'ha, hu', xin con dung phien long
Khi không thể nghe và nói như bình thường, những người lớn tuổi trở nên bị mặc cảm và buồn bã

Bác sĩ Lê Long Hải, Tổng thư kí Hội Thính học TP.HCM, cảnh tỉnh: ở người già trên 70 tuổi thì hơn 50% ca bị giảm thính lực. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là mở nhạc, mở tivi với âm lượng rất lớn; hay yêu cầu người đối thoại nói lại để nghe cho rõ. Những trường hợp này nên đến các bệnh viện để khám thính lực để có thể điều chỉnh trong sinh hoạt hoặc nếu bị nặng thì nên sử dụng máy trợ thính.

Khi cha me 'ha, hu', xin con dung phien long
 

Còn theo Phó giáo sư, bác sĩ Đặng Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Thính học TP.HCM, có một cách nữa để biết người lớn tuổi trong gia đình có bị giảm thính lực hay không đó là lắng nghe giọng nói. Với những người “lớn tiếng”, phát âm rất lớn, lớn hơn mức bình thường thì không phải họ muốn thế mà chính là đã bị giảm thính lực theo kiểu nghe kém tiếp nhận: “Chính vì cảm giác nghe rất nhỏ nên họ phải nói rất lớn. Vì con người kiểm soát cường độ giọng nói thông qua sự cảm nhận và nghe của chính bản thân. Đó là tổn thương ở tai trong hoặc sau ốc tai. Nên xin thông cảm cho người nói lớn”.

Những trường hợp nghe kém tiếp nhận này xảy ra do con người tiếp xúc với tiếng ồn cường độ lớn trong thời gian dài hoặc do ngộ độc thuốc. Bác sĩ Đặng Xuân Hùng dẫn chứng những công nhân dệt ở khu vực ngã 4  Bảy Hiền trước kia khi đến khám đều có tình trạng nói rất lớn do bị giảm thính lực kém tiếp nhận. Đây là những trường hợp nặng và đa phần phải được hỗ trợ bằng máy trợ thính. Còn những người nói giọng nhỏ, trầm thì có thể họ bị giảm thính lực theo kiểu nghe kém dẫn truyền. Nguyên nhân là do tổn thương tai ngoài hoặc tai giữa. Việc điều trị cho những trường hợp này thì dễ hơn và có thể hết bệnh ngay.

Đeo tai phone thường xuyên, coi chừng bị điếc

Hiện tượng giảm thính lực xảy ra nhiều ở người lớn tuổi vì nguyên nhân chủ yếu là cơ thể lão hóa hoặc do quá trình tiếp xúc với tiếng ồn cường độ cao do công việc bắt buộc. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết hiện tượng giảm thính lực còn xảy ra rất nhiều ở người trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nguyên nhân thì ra là tại cái tai nghe nhét tai, nhất là các trường hợp vừa sử dụng tai nghe vừa chạy xe máy ngoài đường phố.

Bác sĩ Đặng Xuân Hùng cảnh báo đây là cách nhanh nhất để các bạn trẻ tự làm điếc tai của mình một cách dễ dàng nhất. Lý do vì khi nhét tai phone vào tai thì ốc tai ngoài việc phải chịu tiếng ồn rất lớn của âm thanh đường phố thì phải chống cự với âm thanh cũng nhức nhối không kém phát ra từ chiếc tai nghe.

Khi cha me 'ha, hu', xin con dung phien long
 

Phó giáo sư, bác sĩ Lâm Huyền Trân, Trưởng liên chuyên khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết trung bình một tuần ở đây khám từ 3 – 5 trường hợp bị giảm thính lực. Trong đó, số lượng người trẻ đến khám vì giảm thính lực cũng xấp xỉ ngang ngửa với số lượng người lớn tuổi khám thính lực. đó, đa số là ở độ tuổi học sinh và sinh viên.

Có trường hợp một du học sinh ở nước ngoài về nước thì cha mẹ mới phát hiện ra nghe kém nên đưa đi khám vì mới biết là do sử dụng tai nghe thường xuyên. Theo bác sĩ Lâm Huyền Trân, người Việt Nam chưa có thói quen khám thính lực cho con em để phát hiện sớm; trẻ khi đến khám thì đã bị giảm thính lực đến một nửa rồi: “Người dân chỉ có thói quen đưa con đi khám thị lực vì dấu hiệu rất rõ ràng. Còn khi bị giảm thính lực, dấu hiệu trở nên khó nhận biết vì do lượng thông tin được bù lại bằng thị giác. Điều đáng tiếc là khi thính lực bị giảm sút thì không có cách nào để trở lại như cũ”.

Các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ khi phát hiện thấy con học lực giảm sút, suy giảm sự tập trung, chú ý thì ngoài việc đi khám về thị lực thì cũng nên tầm soát thính lực. Vì khi thính lực bị giảm sút thì lượng thông tin truyền vào não cũng bị giảm sút, từ đó khiến trẻ không kịp tiếp nhận bài học, có thể trở nên kém nhạy bén hơn.

Bác sĩ Lê Long Hải, Tổng thư kí Hội Thính học TP.HCM còn cho biết ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể bị giảm thính lực, nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc do ngộ độc thuốc. Thông thường ở các nước phát triển thì trẻ sơ sinh trước khi xuất viện sẽ được tầm soát về thính lực bên cạnh các loại tầm soát khác. Trẻ chỉ cần 3 ngày tuổi thì có thể sử dụng máy đo âm ốc tai (OAE). Thời gian đo chỉ mất từ  1-2 phút và chi phí cũng chỉ khoảng 100 nghìn đồng. Việc tầm soát cũng nên thực hiện cho trẻ từ 5-6 tuổi, trước khi bước vào học lớp 1.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI