Hơn 1 tháng trôi qua, những người thân của bé N.A.D. (9 tuổi, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) vẫn không thể tin bé không còn nữa. Bố mẹ và bà ngoại trước đó ở cùng bé trên chuyến xe cấp cứu vào ngày 2/9/2017.
|
Gia đình bé D. sống ở xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An |
Theo lời kể của gia đình, đã có những điều rất bất thường trên chiếc xe cấp cứu đó.
Lần tỉnh thức cuối cùng
5h 30 phút sáng ngày 2/9, mẹ bé D. kêu con bé thức dậy để cùng mẹ ra chợ. Bé D. nói với mẹ "sao con đau vai gáy quá". Nghĩ chuyện thường, mẹ bé lấy chai dầu xoa cho con. Một lát sau, bé D. bị tê 2 tay không điều khiển được. Ngồi trên chiếc xe máy của mẹ, ra khỏi nhà khoảng 300m, bé D. lả người, không còn điều khiển được cơ thể.
Bé được người nhà đưa đến Phòng khám đa khoa khu vực Rạch Kiến (xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Đây là cơ sở y tế công lập, cách nhà cháu bé khoảng 3km.
Theo hồ sơ bệnh án, bé N.A.D. vào viện cấp cứu lúc 6h45. Người nhà cho biết bé D. vẫn còn tỉnh, có nói nhưng giọng rất khó nghe, không thể hiểu được những gì bé nói. Tình trạng sức khỏe được bác sĩ ghi nhận là không sốt, bị rối loạn ý thức hoàn toàn, tri giác lơ mơ, tiếp xúc chậm, giọng nói ngắn, miệng tiết dịch bọt.
30 phút tại đây, cháu D. được hút đờm nhớt, thở oxy 2 lít/phút, truyền dịch Lactacringer 500ml truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, tình trạng không được cải thiện nên bé được chỉ định chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Bé tím tái nhưng không có oxy để cấp cứu?
7h15 phút, bé N.A.D. được chuyển ra xe cấp cứu. Lúc này, bé vẫn còn trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm. Anh Ngô Thành Công - bố cháu bé cho biết khi chuyển lên xe cấp cứu, con gái anh bị rút ống oxy, phải tự thở.
Gia đình thắc mắc tại sao không tiếp tục cho thở bình oxy nữa thì điều dưỡng theo xe nói rằng không cần thở oxy nữa vì sẽ làm bé bị khô phổi... Anh Công nghe xong im lặng vì hoàn toàn tin tưởng vào y bác sĩ.
Gia đình cho biết điều dưỡng ngồi phía sau ghế tài xế và từ lúc xe cấp cứu chuyển bánh, điều dưỡng quay lưng lên nói chuyện. Xe chạy khoảng 5 phút, bố bé D. ngồi phía dưới thấy con gái tím tái nên vội thông báo với điều dưỡng.
Nam điều dưỡng vội vã chạy xuống gần bé, mở van bình oxy trên xe cấp cứu nhưng không hiểu vì lí do gì mà bình oxy không hoạt động nên bé không được thở oxy.
Hốt hoảng, điều dưỡng vội lấy bóp bóng nhưng sau đó cũng không sử dụng. Sau khi cả 2 thiết bị cấp cứu đều không thể sử dụng được, điều dưỡng vội vã ấn tim để hồi sức.
5 phút sau đó, nhân viên y tế yêu cầu tài xế quay xe trở lại Phòng khám đa khoa khu vực Rạch Kiến. Run lên vì sợ hãi, người nhà yêu cầu xe cấp cứu phải đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất. Lúc này, xe đang ở địa phận huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Khi bé được đưa đến Bệnh viện huyện Bình Chánh, theo như lời kể của anh Công – bố cháu bé, các bác sĩ ở đây thông báo bé đã ngưng tim 15 phút. Bé N.A.D. được Bệnh viện huyện Bình Chánh hồi sức và tim đập trở lại.
Bé được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (ở huyện Bình Chánh). Tình trạng sức khỏe của bé khi nhập viện tại đây rất xấu: hôn mê sâu, điểm Glasgow chỉ có 3 điểm. Kết quả CT scan não cho thấy não bị phù lan tỏa, nghĩ nhiều do thiếu oxy não.
Các bác sĩ nghi ngờ bé bị hội chứng Brugada và trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm, ngày 23/9, bé N.A.D. đột ngừng tim và tử vong. Cơ thể bé không còn đáp ứng với các loại thuốc vận mạch. Gia đình đã đưa bé về nhà.
|
Bé N.A.D. chết tức tưởi ngay trên xe cấp cứu |
Các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã loại trừ hầu hết các bệnh lý thông thường như viêm não, viêm màng não do virus, bệnh do hệ thống miễn dịch, bệnh thận.
Kết quả CT não không thấy có hiện tượng tắc mạch có thể dẫn đến đột quỵ não. Kết quả điện tim cũng tương đối bình thường. Sau khi loại trừ một số bệnh, các bác sĩ nghi ngờ bé N.A.D. có thể bị hội chứng Brugada gây nên tình trạng đột tử.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả xét nghiệm để có thể chẩn đoán bệnh.
|
Dì ruột của bé: "Những gì còn lại...Nhưng con gái trong tim chúng ta là mãi mãi" |
Một chuyên gia về hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho rằng, rất khó có khả năng cả 2 thiết bị hồi sức cấp cứu là bình oxy và bóp bóng đều bị hỏng.
Trong trường hợp bình oxy không còn oxy, việc sử dụng bóp bóng vẫn có thể cung cấp đủ oxy cho cháu bé. Chuyên gia này khẳng định, nếu có đủ oxy cho bé thì chắc chắn sẽ không dẫn đến hiện tượng phù não. |
Chiều 26/10, trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Thành Công – bố của bé D. cho biết từ khi con gái anh ra đi, anh chưa nhận được một lời xin lỗi chính thức nào từ phía phòng khám cũng như không được thông báo rõ về nguyên nhân tử vong của con gái.
“Ngày làm đám tang cho bé, các bác sĩ Phòng khám đa khoa Rạch Kiến đến và đưa bao thơ đi đám nhưng tui không lấy. Cái tui cần nhất là lời xin lỗi và giải thích của các bác sĩ”.
Chúng tôi sẽ thông tin tiếp theo về vụ việc này.
Hiếu Nguyễn