Dùng sai miếng dán... tưởng bị ma ám

28/02/2017 - 20:55

PNO - Thấy con đi loạng choạng,đờ đẫn, nhìn không rõ mọi người xung quanh, đâm đầu vào tường... chị T. nghĩ con đã bị ma ám.

 Tâm lý chung của nhiều người là miếng dán chỉ dán ngoài da nên không nguy hiểm, lỡ dùng không đúng cũng không sao, đối tượng nào sử dụng cũng được. Thế nhưng, nhiều người nhập viện do sử dụng sai miếng dán.

Chuẩn bị rước thầy cúng 

Cách đây không lâu, chị K.T. đã chia sẻ lên facebook việc gia đình chị vừa trải qua một cơn “hú hồn” với cô con gái 6 tuổi. Chuyện là khi cả nhà về quê, chồng chị đã mua một miếng dán say tàu xe dán cho con. Do chỉ mua một miếng nên không có tờ hướng dẫn sử dụng và người bán cũng không căn dặn gì. Chị T. dán cho con lúc 6g sáng, đến khoảng 11g trưa khi con đi chơi về thì thấy mặt con ửng đỏ, chị cứ tưởng bé bị say nắng nên bắt nằm nghỉ.

 Trong chuyến đi đó, con chị ngủ rất ngon và không hề nôn ói. Đến 16g, thấy con có biểu hiện không bình thường: đờ đẫn, nói nhảm, không nhận rõ đồ vật, đi loạng choạng, đâm đầu vào tường và bàn ghế mà không biết, thậm chí không nhận ra được cha mẹ… gia đình đã cho là bé bị... ma ám, và định mời thầy về cúng. Càng về khuya, biểu hiện của bé càng nặng hơn, tự cào cấu vào mặt, la hét, đi tới đi lui không ngừng.

Sợ con tự gây thương tích cho bản thân, hai vợ chồng phải chịu trận cho con cào cấu mình. Đến 5g sáng, thấy con tỉnh táo dần, tưởng bệnh đã lui, nhưng mấy ngày sau mắt bé vẫn còn mờ, không nhìn rõ mọi vật, trí nhớ cũng chưa phục hồi. Đưa con đến bệnh viện, gia đình mới biết bé bị ngộ độc miếng dán say tàu xe, do trong miếng dán có thành phần scopolamine 1,5mg/miếng, có tác dụng phụ làm liệt cơ mắt, dãn đồng tử, làm mờ mắt khiến mắt không nhìn gần được. Tác dụng phụ sẽ giảm sau 72 giờ. 

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức - ĐH Y Dược TP.HCM cho biết,thuốc ở dạng miếng dán có hai loại với hai tác dụng khác nhau. Một là loại dán lên da cho tác dụng tại chỗ như miếng dán trị đau mỏi cơ, chỉ có tác dụng giảm đau ở chỗ dán. Loại thứ hai là băng dán xuyên da (còn gọi là hệ điều trị xuyên da, viết tắt là TTS), dù dán lên da nhưng cho tác dụng toàn thân, tức là không khác gì thuốc uống hay tiêm, kiểu như dán lên da ở ngực nhưng trị được đau thắt ngực, phòng nhồi máu cơ tim hay miếng dán say tàu xe.

Dung sai mieng dan... tuong bi ma am
Dùng miếng dán phải đúng chỉ định

Loại miếng dán TTS này nếu sử dụng không đúng dễ gây ngộ độc. Các BV từng tiếp nhận không ít trường hợp bị ngộ độc miếng dán. Nguyên nhân thường gặp là do ở một số nơi bán lẻ, nhân viên bán thuốc không tư vấn kỹ; người dùng cũng không chịu đọc kỹ hướng dẫn sử dụng; chỉ nghĩ đơn giản miếng dán không phải là thuốc nên không cần liều lượng, dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh, nên đã sử dụng một lúc hai-ba miếng... 

Có thể gây tai biến

 Thật ra, băng dán xuyên da có nhiều ưu điểm như không bất tiện như dạng thuốc tiêm; không có sự biến đổi hấp thu và bị chuyển hóa bởi gan như thuốc uống; có thể cung cấp dược chất một cách liên tục không phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày; nếu muốn ngưng ngay việc điều trị thì chỉ cần bóc miếng băng dán ra khỏi da… 

Do tiện dụng nên băng dán xuyên da hiện được dùng điều trị nhiều bệnh lý như: Nitroderm TTS chứa trinitrin dùng trị đau thắt ngực, phòng nhồi máu cơ tim; Scopoderm TTS (có tên thuốc không có chữ TTS như Kimite) chứa scopolamin, dùng phòng chống say tàu xe; Estraderm TTS  chứa estrogen dùng điều trị rối loạn mãn kinh do thiếu hormone sinh dục nữ; Fetanyl TTS chứa fetanyl dùng trị đau nhức nặng như ung thư giai đoạn cuối; Nicoderm TTS chứa nicotin dùng cai hút thuốc lá…

Theo PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, do băng dán xuyên da là dạng thuốc đặc biệt cho tác dụng toàn thân nên phải thận trọng khi sử dụng và cần lưu ý:

- Nên dán Kimite phòng say tàu xe vào vùng da khô sau tai bốn giờ trước khi lên xe (nếu sáng sớm ngày hôm sau khởi hành, nên dán vào ban đêm trước khi ngủ để thuốc có đủ thời gian thấm qua da vào máu). 

- Khi gặp tác dụng phụ phải ngưng ngay sự điều trị bằng cách bóc băng dán ra khỏi da, nếu đang dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ phải báo cho bác sĩ biết. Phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em không được dùng. Ví dụ: trẻ dưới tám tuổi không dùng miếng dán Kimite chống say tàu xe, trẻ từ 8-15 tuổi có thể dùng nhưng chỉ một nửa miếng băng dán Kimite.

- Cần tuân theo hướng dẫn về cách dùng như thời điểm dán, thời gian dán là bao lâu, dán cách nào, cách hủy băng dán khi dùng xong. Sau khi dùng, không nên bỏ miếng dán bừa bãi (nên bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín) vì lượng thuốc còn thừa có thể gây hại cho trẻ em nếu chúng lấy dán vào da.

- Không dán vào những vùng da bị trầy xước vì thuốc trực tiếp đi vào máu có thể gây nhiễm trùng. Nếu vùng dán nổi mẩn đỏ thì không nên dán tiếp vì có thể bị dị ứng. Nhiều người có tâm lý dán một miếng sợ không đủ liều nên dán thêm nhiều miếng là không đúng, có thể bị quá liều thuốc gây tai biến.

- Người lớn có thể dùng miếng dán say tàu xe và dán thêm miếng trị đau mỏi cơ vì hai loại miếng dán này khác nhau (lưu ý miếng trị đau mỏi cơ chỉ cho tác dụng tại chỗ đau mỏi, không trị đau mỏi toàn thân). Trẻ con không nên dùng vì rất hiếm trẻ bị đau mỏi cơ. Trẻ có thể dùng miếng dán phòng nôn ói do say tàu xe nhưng phải thận trọng, tuân thủ những lưu ý nói trên.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI