Đừng bỏ mặc con với xe tập đi

26/05/2017 - 16:30

PNO - Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra vì cha mẹ chủ quan khi trẻ sử dụng xe tập đi.

Chiếc xe tập đi thật ra là rất thiếu an toàn vì khi trẻ lao nhanh xe rất dễ lật, mà bộ phận cơ thể chịu nhiều tổn thương nhất khi lật xe là đầu và mặt trẻ.

Mất sạch, bỏng mặt vì xe tập đi… lật nhào

Bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Hằng - Phó khoa Răng hàm mặt, BV Nhi Đồng 1, cảnh báo: trẻ rất dễ gặp tai nạn khi sử dụng xe tập đi, một phần do cha mẹ chủ quan, tin tưởng trẻ rất an toàn trong chiếc xe tập đi mà không tính đến chuyện xe rất dễ bị lật, thậm chí lộn nhiều vòng và khi đó phần đầu, mặt của trẻ sẽ lãnh đủ những chấn thương.

Vài hôm trước, khoảng 12 giờ đêm, bé gái một tuổi N.T.T., ngụ huyện Hóc Môn (TP.HCM) được đưa vào BV Nhi Đồng 1 cấp cứu trong tình trạng mặt xây xát, miệng chảy nhiều máu, môi rách. Mẹ bé kể, trước giờ đi ngủ, vì bận làm việc nhà chị đã thả bé vào xe tập đi. Bất ngờ bé lao nhanh xe về phía mẹ, chiếc xe vướng đồ chơi trên sàn nhà, ngã lộn hai vòng, bé đập mặt xuống đất, khóc lặng.

“Đêm đó bệnh nhi (BN) rất hoảng loạn, la khóc mãi. Bốn chiếc răng cửa hàm trên mới mọc của bé bị va đập lún hết vào trong. Chúng tôi cố gắng nắn chỉnh và theo dõi để bảo tồn răng cho bé”, BS Hằng nói.

Dung bo mac con voi xe tap di
Một trường hợp ngã sấp mặt khi dùng xe tập đi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

 Tuy nhiên, sau một thời gian, bốn chiếc răng cửa của bé T. bị đổi màu, môi bé sưng vù - là dấu hiệu răng bị chấn thương đã chết tủy. Do đau đớn, bé thường xuyên quấy khóc. Vì BN quá nhỏ, không hợp tác điều trị tủy được nên cuối cùng các BS đành nhổ bỏ bốn chiếc răng.

Dù chỉ là răng sữa nhưng phải đến bảy-tám tuổi bé mới thay răng, từ nay đến khi lên bảy, bé sẽ không có bốn răng cửa, ảnh hưởng cả thẩm mỹ và chức năng nhai. Chưa kể, mất răng sữa quá sớm, những chiếc răng vĩnh viễn sau này thường có xu hướng mọc chậm, mọc lệch; nhiều trường hợp phải rạch nướu để hỗ trợ răng vĩnh viễn mọc lên vì nướu bị chai lỳ.

BS Diệp Quế Trinh, khoa Phỏng - Tạo hình, BV Nhi Đồng 1 cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp tai nạn vì xe tập đi còn thương tâm hơn. BN là bé trai P.V.K., 10 tháng tuổi, chuyển lên từ An Giang. Khi nhập viện, bé K. bị sưng nề mặt, cổ; mặt bị phỏng chiếm 18% diện tích, tổn thương độ 3. Với trẻ nhũ nhi, phỏng 18% ở vùng mặt là rất lớn, nguy cơ cao.

Dung bo mac con voi xe tap di

Chưa kể, phải theo dõi rất kỹ vì có thể bé bị phỏng cả đường hô hấp do hít khói nóng. Theo lời mẹ bé K. thì khi bé chơi trong xe tập đi ngoài sân, gia đình chủ quan không để ý vì nghĩ bé rất an toàn trong xe. Không ngờ bé lao xe đến đống um lá cây còn đang âm ỉ cháy, bị lật xe ngã sấp mặt vào đống um...

Tưởng an toàn hóa ra nguy hiểm

Chỉ từ đầu năm đến nay, BV Nhi Đồng 1 đã ghi nhận khoảng 10 trường hợp bị tai nạn vì xe tập đi, hậu quả thậm chí rất nghiêm trọng vì ngoài chấn thương răng, hàm, mặt, có bé còn bị phỏng, bị chấn thương sọ não. BV Nhi Trung ương từng ghi nhận một trường hợp té cầu thang vì xe tập đi, gãy rời xương hàm dưới. Tại Q.5, TP.HCM từng xảy ra trường hợp một bé gái 10 tháng tuổi tử vong vì chấn thương sọ não do lao xe tập đi rơi từ trên lầu xuống đất.

Dung bo mac con voi xe tap di

BS Minh Hằng nhận định: “Đa số các tai nạn vì xe tập đi của trẻ là do cha mẹ chủ quan, tưởng cho con ngồi vào xe là an toàn. Các bé bị lật xe, ngã cầu thang, lao vào cạnh bàn; thậm chí có bà mẹ cột xe vào cột nhà để con không chạy đi xa, nhưng bé lao quá nhanh, xe bị dây cột giật lại, mất đà lật nhào”.

Vì thế BS Hằng khuyến cáo, cha mẹ phải thận trọng khi cho con sử dụng xe tập đi, không được phó mặc sự an toàn của con cho chiếc xe này. Thực tế, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã cấm sử dụng loại xe này vì kém an toàn với trẻ em.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI