Cứu thai từ cửa tử

18/06/2018 - 16:00

PNO - Có không ít trường hợp, dù bác sĩ cho lời khuyên, chỉ định dừng thai kỳ, nhưng những bà mẹ vẫn cố bám vào tia hy vọng cuối cùng để rồi đứa con trong bụng được chào đời, lành lặn, khỏe mạnh.

Trốn viện, giữ thai

Mới đây, chị L.H.M.N., ở Q.10, TP.HCM, đã sinh một bé trai chỉ 1kg nhưng rất kháu khỉnh trong niềm hạnh phúc của vợ chồng chị và gia đình hai bên sau 5 năm chờ đợi vì hiếm muộn. Điều đặc biệt, chị N. từng được bác sĩ của bệnh viện sản lớn ở TP.HCM chỉ định chấm dứt thai kỳ, vì bị rỉ ối, thiểu ối và nhiễm trùng ối. 

Chị N. kể: những tháng đầu thai kỳ rất bình thường. Nhưng vào tuần thai thứ 23, chị bị ra huyết hồng nên vào bệnh viện phụ sản lớn ở Q.1 khám với suy nghĩ “chắc bị động thai nhẹ”. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ thông báo: chị bị rỉ ối và bạch cầu tăng quá cao. bác sĩ nghĩ chị bị nhiễm trùng ối, phải đình chỉ thai kỳ. Nếu giữ thai, mẹ có thể phải cắt bỏ tử cung vì nhiễm trùng và có nguy cơ cao bị nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong. 

Cuu thai tu cua tu
Vợ chồng chị M.N. hạnh phúc bên con trai

Vợ chồng chị đã ký giấy đồng ý đình chỉ thai kỳ. “Cầm viên thuốc phá thai trong tay, tôi rất sợ. Vợ chồng tôi gọi điện thoại cho nhiều người thân để xin ý kiến - một nửa nói nghe theo bác sĩ, một nửa khuyên tìm nơi khác. May mắn, có người bạn giới thiệu bác sĩ Lê Văn Đức của một bệnh viện tư nên tôi đã trốn viện đi cầu may”, chị N. nhớ lại.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Đức cho chị làm thêm xét nghiệm Procalcitonin (PCT) - được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi tình trạng viêm do nhiễm khuẩn. Dù bạch cầu của chị N. vẫn cao, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy chị N. không bị nhiễm trùng và tim thai ổn. Bên cạnh đó, chị N. không có triệu chứng đặc hiệu của nhiễm trùng ở thai phụ như: sốt, đau bụng… nên được bác sĩ chỉ định tiếp tục dưỡng thai. 

Cứ cách ngày, chị được lấy máu để xét nghiệm một lần và được theo dõi thai kỳ sát sao. Bác sĩ tư vấn cách ăn uống để bổ sung nước ối và may mắn, nước ối dù thiếu - nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn. Sau một tuần nằm viện, chị được về nhà dưỡng thai. 

Khi thai kỳ được 28 tuần 2 ngày thì chị đau bụng, chuyển dạ. Điều khiến chị N. hạnh phúc hơn khi lo lắng di chứng sinh non đã không xảy ra và bé không bị nhiễm trùng. 
Hiện tại, sức khỏe bé phát triển tốt, tăng lên được 1,8kg. Các chỉ số cân nặng, chiều cao, vòng đầu tăng đều. Đặc biệt, mắt bé không bị bệnh lý võng mạc và tim cũng bình thường. Bé đang tập bú bình, dự kiến trong một, hai tuần nữa bé sẽ được xuất viện. 

Tìm đúng chuyên khoa

Với đôi vợ chồng trẻ M.T. - ở Q.5, TP.HCM - thì ký ức về những tháng ngày thai kỳ đầy hãi hùng, bởi suýt nữa anh chị đã đánh mất đứa con. Khi thai được 20 tuần thì phát hiện thai nhi bị tim bẩm sinh - tứ chứng Fallot. Bác sĩ dặn nên đi chọc ối để kiểm tra xem em bé có mắc hội chứng Down và De George (kiểu như suy giảm hệ miễn dịch) hay không, vì những em bé bị Down hoặc De George thường mắc bệnh tim bẩm sinh. Chị T. suy sụp hoàn toàn: “Tối đó, em chỉ biết khóc. Gia đình nội, ngoại cũng thẫn thờ và lo lắng”.

Sáng hôm sau, chị quay lại bệnh viện gặp bác sĩ khám thai để được tư vấn. Bác sĩ bảo: “Khoan chọc ối, hãy qua Viện Tim TP.HCM gặp bác sĩ chuyên phẫu thuật tim nhi để được tư vấn rõ hơn căn bệnh này. Nếu bác sĩ bên đó nhận lời mổ cho chị sau khi sinh thì chị quay lại tôi sẽ cho chọc ối...”. 

Sang Viện Tim TP.HCM, chị được bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên tư vấn, gỡ bỏ mọi khúc mắc, giúp chị đủ tự tin, dũng cảm để đối diện thực tế. Chị quyết định không đi chọc ối và có niềm tin sẽ sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh.  

Bốn tháng sau, chị T. chuyển dạ sinh một bé trai nặng 3,3kg. Bé khóc to, không tím tái, tự thở và tự bú bình - không giống những trẻ bị tim bẩm sinh. Chỉ có móng tay bé không hồng hào như trẻ khác. Khi được 6 tháng, bé không tăng cân và khóc thì người tím tái nên chị T. đã đưa con đến Viện Tim TP.HCM và được bác sĩ Trí Viên phẫu thuật tứ chứng Fallot thành công. Đến nay, bé đã được 29 tháng và sức khỏe bình thường.

Sau những ca cứu thai từ cửa tử này cho thấy, kiến thức y khoa là vô hạn, bác sĩ “mát tay” ở một lĩnh vực hay mỗi bác sĩ có thể tiếp cận và vận dụng theo cách riêng. “Làm sao để phát hiện sớm thai kỳ có vấn đề, có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị tốt các khâu thì ca khó có thể thành dễ”, bác sĩ Lê Văn Đức chia sẻ. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI