Cuộc chiến giành lại 'thiên thần tí hon'

12/05/2017 - 17:55

PNO - Chuyện xảy ra đã hơn bốn năm. Bé Huỳnh Vũ Khánh Đăng, con trai chị Vũ Kiều Thục Nguyên (38 tuổi, ngụ tại TP.HCM) nay đã đi học mẫu giáo, lanh lẹ và khỏe mạnh.

Bé Huỳnh Vũ Khánh Đăng, con trai chị Vũ Kiều Thục Nguyên (38 tuổi, ngụ tại TP.HCM) nay đã đi học mẫu giáo, lanh lẹ và khỏe mạnh. Nhớ lại chặng đường đã qua, chị Nguyên không thể kìm nước mắt.

Con đôi, đứa còn đứa mất...

Năm 30 tuổi chị Nguyên mới kết hôn, hai năm mong mỏi không có tin vui, vợ chồng chị Nguyên phải nhờ đến sự hỗ trợ bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Niềm vui chợt vỡ òa không chỉ với vợ chồng chị mà cả gia đình nội ngoại khi chị biết tin mình đã đậu song thai.

Mang thai đôi ẩn chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe, chị Nguyên lúc đó cũng lớn tuổi nên sinh non ở tuần thứ 26. Nhớ lại giây phút ấy, bà mẹ nghẹn ngào: “Lúc vào BV Từ Dũ, mình nghe mọi người nói với nhau là sinh non 26 tuần không giữ được thai. Lên bàn sinh mà tay chân mình bủn rủn, tinh thần suy sụp.

Mình không biết bấu víu vào đâu, cứ đặt tay khư khư lên bụng, tự dối mình làm thế sẽ níu được các con trong lòng mẹ lâu thêm”. Người mẹ tội nghiệp dõi theo và cảm nhận rõ thời khắc con chào đời.

Bé thứ nhất là con trai, chị Nguyên nghe tiếng con khóc. Bác sĩ bảo bé nặng 950g, khóc là tín hiệu mừng, hy vọng cứu được. Chị Nguyên lại dõi theo con gái bé bỏng còn lại, bé rời lòng mẹ nhưng không khóc, chẳng cần bác sĩ nói, chị lặng người, bởi bản năng người mẹ mách bảo chị đã… mất con rồi.

“Hai đứa con mình được bọc trong bọc ni lông để giữ ấm và mang ra ngoài. Bé trai thì chuyển ngay vào phòng hồi sức tích cực, bé gái được trao cho gia đình để lo hậu sự. Từ lúc sinh, mình không được nhìn thấy con, kể cả bé gái đã mất. Mọi người sợ mình mới sinh dễ lên cơn hậu sản”, nói đến đây chị Nguyên ôm mặt thổn thức.

Cuoc chien gianh lai 'thien than ti hon'
Chị Nguyên và gia đình luôn sát cánh bên con trai bé bỏng trong cuộc chiến giành sự sống

Vài ngày lại phải hồi sức 

Vợ chồng chị Nguyên nén đau thương, dồn sức lực, thời gian chăm sóc đứa con trai yếu ớt. Bé được đặt tên là Huỳnh Vũ Khánh Đăng. 

Khi bé Đăng được chuyển từ phòng hồi sức sơ sinh ra phòng ấp Kangaroo là mốc đánh dấu quan trọng trên hành trình hồi phục. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian mệt mỏi, cân não căng thẳng nhất với cả gia đình. Lúc em bé được đưa trả cho bố mẹ, vợ chồng chị Nguyên lần đầu tiên nhìn rõ con.

Hai vợ chồng ôm nhau khóc bởi bé quá nhỏ. “Mình không dám bế, sợ lọt tay làm rơi con, bảo chồng bế con đi. Anh ấy cũng không dám, sợ con nhỏ xíu thế kia chỉ cần khẽ chạm chắc cũng đủ làm bé đau”, chị Nguyên kể. 

Không chỉ vợ chồng chị Nguyên mà cả ông bà nội cũng thay phiên nhau vào ấp bé. Thấy bà mẹ mới trải qua sinh nở quá suy kiệt, chồng chị Nguyên thuê người để mắt em bé cho vợ tranh thủ chợp ngủ. Trong giấc chập chờn, chị giật mình tỉnh giấc liên tục, hoảng hốt quay sang con, chỉ lo điều bất trắc tới với con. 

Kể về những pha thót tim trong những ngày bé Đăng nằm ấp Kangaroo, chị Nguyên vẫn cảm thấy trống ngực đập thình thịch: “Cứ hai - ba ngày bé lại bị tím tái. Lúc đó tôi phải túm vào lòng bàn chân cho bé khóc. Bé vẫn không khóc thì lập tức vỗ lưng. Bé khóc thì mừng, bằng không là tức tốc ẵm vào phòng hồi sức tích cực.

Đa biến chứng hậu sinh non

Trải qua năm tuần, bé Đăng được chuyển qua BV Nhi Đồng 1 TP.HCM để mổ do mắt bị bong võng mạc. Sau khi mổ, bé bị những biến chứng của trẻ sinh non, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng máu, trào ngược dạ dày thực quản.

Ba của bé vào thăm, thấy bụng con sình to anh giấu bà xã, vì lo chị vừa sinh nở đã trải qua quá nhiều mất mát, đau thương sẽ không chịu nổi. Từng giờ, từng phút, từng ngày trôi qua chưa bao giờ chậm như thế. Chị Nguyên đều đặn vắt sữa gửi vào cho con. Lúc 2,5 tháng, được cho xuất viện, bé Đăng chỉ nặng 2,2kg.

Quãng đường gian nan của gia đình bé Đăng chưa dừng lại ở đó. Chứng trào ngược thực quản của bé mãi tới hơn một năm sau mới thuyên giảm. Suốt thời gian này, hễ bé vừa bú xong bình sữa, quay qua đã ộc lên thành vòi.

Những lúc như thế, chị Nguyên ôm chặt con, theo dõi cả tiếng sau mới dám đặt xuống. Khi bé Đăng 10 tháng tuổi, lại phát hiện bị thoát vị bẹn, lần nữa nhập viện phẫu thuật điều trị.

Khó khăn là vậy, nhưng gia đình chị Nguyên luôn sát cánh bên con trai. Để hỗ trợ cho hệ hô hấp của con, chị Nguyên cho bé học bơi khi chưa đầy hai tuổi, sáu tuần sau bé đã biết bơi. Mỗi ngày, chị đều đặn massage cho con hai lần. Mãi tới khi tám tháng, bé Đăng mới ăn dặm, do hệ tiêu hóa còn yếu ớt.

Hiện bé Đăng đã bốn tuổi, là cậu bé lém lỉnh, hoạt bát, yêu thích thể thao. Chị Nguyên mở điện thoại cho chúng tôi xem tấm hình ghi dấu khoảnh khắc bàn tay nhỏ xíu của bé biết nắm lấy ngón tay mẹ. Đây có lẽ là tấm hình xúc động nhất, ý nghĩa nhất của tình mẫu tử. Hành trình lớn lên của bé Đăng quả là một cuộc chiến.

Trẻ sinh non dễ stress

BS Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh - BV Từ Dũ TP.HCM cho biết, trẻ sinh ra càng non tháng thì tỷ lệ bị tàn tật càng cao. Vì chưa phát triển hoàn thiện nên những bé sinh non phải chiến đấu giành sự sống trong khoa hồi sức tích cực sơ sinh. 

Môi trường tại đây hoàn toàn không giống với môi trường trong tử cung mẹ nên dễ gây stress đối với bộ não non nớt đang trong quá trình phát triển. Các giác quan của trẻ còn yếu ớt mà phải chịu áp lực từ ánh sáng của đèn, âm thanh của máy móc và thiết bị theo dõi, mùi thuốc sát trùng. 

Đó còn chưa kể đau đớn em bé gánh chịu do các thủ thuật trong quá trình điều trị. Thiếu vắng vòng tay ôm ấp và bầu vú mẹ cũng là một trong các nguyên nhân làm trẻ sinh non bị stress. 

Bên cạnh các di chứng do sinh non về phổi, não, tim... khoa học đã chứng minh stress gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ sinh non. Từ đó, BS Từ Anh nhấn mạnh, trong giai đoạn trẻ hồi phục, không nhân viên y tế nào có thể thay thế được người mẹ chăm sóc trẻ. 

Tình yêu thương và sự nhẫn nại, kiên trì của cha mẹ là liều thuốc tốt nhất giúp những thiên thần bé nhỏ này lớn lên, hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa.

Trẻ sinh non cần nhất  vitamin… yêu 

Cuoc chien gianh lai 'thien than ti hon'

Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có từ 100.000-120.000 trẻ sinh non. Theo BS Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, tỷ lệ sinh non ở nước ta chiếm khoảng 10% số ca thai sản. Chi phí điều trị cho các bé sinh non cao gấp 10 lần và thời gian nằm viện dài gấp 9 lần, nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ em sinh đủ tháng.

Tuy chi phí điều trị cho trẻ sinh non được bảo hiểm chi trả, phụ huynh chỉ phải trả 10% (khoảng 5 triệu đồng cho hai tháng điều trị) nhưng những hệ lụy về sức khỏe thì rất nhiều. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh non như bệnh lý sản khoa của mẹ (tiền sản giật, sản giật, vỡ ối non, vỡ ối sớm, nhau bám bất thường, đa ối, hở eo tử cung…), đa thai, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, nhiễm trùng ối - màng ối.

Có những nguyên nhân có thể phòng ngừa được nếu chăm sóc thai sản tốt, khám thai định kỳ, dinh dưỡng khoa học, nhưng cũng có những trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân.

Trẻ sinh non đòi hỏi được chăm sóc đặc biệt và theo dõi liên tục bởi sức khỏe có thể yếu đi bất cứ lúc nào. Trong thời gian bé hồi phục, bé cần nhất tình yêu thương và hơi ấm từ mẹ.

Tỷ lệ bất thường về phát triển não bộ hoặc thần kinh, giác quan của trẻ sinh non từ 26 tuần tuổi thai trở xuống là 52-100%, từ 27 đến 32 tuần là 19%, 32-34 tuần là 3%. Tỷ lệ cứu sống trẻ sinh non tháng dưới 1.000g ở BV Từ Dũ khoảng 40%, trẻ 1.000-1.499g khoảng 85%, trẻ 1.500-1.999g cứu sống khoảng 98,5%. Trẻ nhỏ nhất được cứu sống có cân nặng 600g, đến nay bé đã năm tuổi và đang sống tại Mỹ cùng cha mẹ.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI