Có nên hút tuyến mồ hôi trị 'viêm cánh'?

02/05/2018 - 18:30

PNO - Bỏ ra gần chục triệu đồng để trị “viêm cánh” bằng phương pháp nội soi hút tuyến hôi nách, nam bệnh nhân N.T.H. (Hà Nội) không những không khỏi bệnh mà còn nhận hậu quả là các vết sẹo dúm dó để lại ở vùng nách.

Một lần - loại mùi hôi vĩnh viễn?

Là “sếp lớn” của một doanh nghiệp tại Hà Nội, nhưng anh N.T.H. lại luôn mất tự tin mỗi lần đi gặp khách hàng, đối tác bởi “vùng cánh” luôn trong tình trạng “nặng mùi”. Căn bệnh này càng ám ảnh anh vào mùa hè, bởi vùng dưới cánh tay luôn bị ướt đầm đìa và khiến người xung quanh phải “ngộp thở”.

Mặc dù đã thử nhiều cách như bôi phèn chua, bôi chanh, tắm lá… nhưng căn bệnh của anh vẫn không thuyên giảm. Nghe quảng cáo về phương pháp nội soi trị hôi nách, anh N.T.H. quyết định tới một phòng khám tư để thực hiện phẫu thuật, với chi phí lên tới gần chục triệu đồng.

Tại đây, các bác sĩ khẳng định, phẫu thuật nội soi trị “viêm cánh” là phương pháp loại bỏ mùi hôi chỉ sau một lần phẫu thuật mà không tái phát. Các bác sĩ xác định tuyến mồ hôi rồi hút sạch bã nhờn - nguyên nhân gây ra mùi hôi của cơ thể. Sau khi gây tê, các nhân viên trong ê-kíp mổ sử dụng dụng cụ hút giống như xi lanh lớn để đưa vào trong nách của anh, thời gian thực hiện mỗi bên kéo dài 30 phút. Tuy nhiên, sau khi ca nội soi kết thúc, anh H. phát hoảng vì phát hiện vùng nách của mình trở nên “tan nát”.

Co nen hut tuyen mo hoi tri 'viem canh'?
Các bác sĩ khẳng định, nội soi hút tuyến mồ hôi nách chỉ đem lại hiệu quả nhất thời, kéo dài trong thời gian 3 - 6 tháng

Mặc dù quảng cáo nội soi hút nhưng thực tế mỗi bên nách của anh H. bị chích hai điểm và khâu tới 3 mũi. Vùng da xung quanh bị đau rát và bầm tím. Điều đáng nói là chỉ 6 tháng sau khi thực hiện phẫu thuật, bệnh “viêm cánh” của anh tiếp tục trở lại như bình thường, trong khi đó, vùng nách lại bị sẹo dúm dó, mất thẩm mỹ.

Tương tự anh H., chị V.T.T. (tỉnh Quảng Ninh) cũng gánh họa sau khi phẫu thuật nội soi hút tuyến mồ hôi nách tại một cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội. Mặc dù nhân viên cơ sở này khẳng định đây là phương pháp “ba không” (không xâm lấn, không gây đau đớn, không cần nghỉ dưỡng) nhưng kết quả, chị phải nghỉ làm tới hai tuần vì quá đau, vùng nách sưng nề, thâm tím. Ba tháng sau phẫu thuật, khi các vết thương vừa kịp lành thì tuyến mồ hôi vùng nách của chị cũng bắt đầu tái phát. 

Chỉ hiệu quả nhất thời

Tiến sĩ Phạm Cao Kiêm - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) - cho biết, căn bệnh tăng tiết mồ hôi, dân gian còn gọi là “viêm cánh”, ước tính có tới 20% dân số mắc phải. Ngoài vùng nách, nhiều người bị tăng tiết mồ hôi tại vùng tay, chân, mặt…

Co nen hut tuyen mo hoi tri 'viem canh'?
 

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, không ít bệnh nhân gặp tai biến do sai lầm khi lựa chọn các cơ sở chuyên khoa và nghe những lời quảng cáo “bùi tai”, trong đó có nội soi hút tuyến mồ hôi trị “viêm cánh”.

Theo tiến sĩ Phạm Cao Kiêm, nội soi hút tuyến mồ hôi là phương pháp đã được bệnh viện này áp dụng cách đây gần 20 năm nhưng sau đó đã bỏ vì không đem lại hiệu quả. “Các cơ sở thường quảng cáo hút tuyến mồ hôi nhưng bản chất là hút mỡ, đồng thời cắt dây thần kinh tới tuyến mồ hôi. Sau 3 – 6 tháng, dây thần kinh đến tuyến mồ hôi sẽ lại phát triển".  

Bên cạnh nội soi hút tuyến mồ hôi, các chuyên gia Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng cảnh báo về phương pháp sử dụng laser đốt tuyến mồ hôi nách. Phương pháp này chỉ đốt cháy bề mặt da mà không thể chạm tới tuyến mồ hôi nằm sâu dưới da. Do đó, không những không đạt hiệu quả mà còn khiến nhiều bệnh nhân bị tổn thương với những vết sẹo, thâm đen để lại ở vùng nách. 

Không nên và không thể triệt tiêu tuyến mồ hôi

Các chuyên gia của Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng khuyến cáo, bệnh nhân cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn bất cứ phương pháp nào tác động tới tình trạng bệnh của mình. Một phương pháp hiện đại hiện nay là sử dụng năng lượng vi sóng có thể làm tiêu hủy tuyến mồ hôi dưới da, đảm bảo bề mặt da được làm lạnh, không để lại sẹo hay vết thâm.

Dù vậy, không phải bệnh nhân nào cũng có thể đáp ứng tốt. Một số trường hợp mồ hôi vẫn bị ra trở lại, một số lại giảm tiết mồ hôi một chỗ nhưng rất có thể các tuyến mồ hôi còn lại sẽ tăng sản xuất để "bù" trở lại cho những tuyến đã bị phá hủy. “Bên cạnh đó, mồ hôi là sinh lý của cơ thể. Không nên và không thể triệt tiêu vĩnh viễn những tuyến này, bởi làm vậy có thể dễ mắc các bệnh lý về da như viêm da, nứt nẻ, các bệnh nhiễm khuẩn...”, bác sĩ Kiêm chia sẻ.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI