Cùng con qua năm tháng “trở trời”

27/02/2017 - 06:30

PNO - Khi con có biểu hiện ham chơi, lười bú, không thích ngủ thì cứ bình tĩnh, đừng cuống lên ép bé ăn ngủ, vô tình lại gián đoạn niềm vui khám phá và học hỏi của trẻ.

Nhiều phụ huynh trong quá trình theo dõi sự phát triển của con, cuống lên khi phát hiện ra có những ngày trẻ không chịu ăn, không chịu ngủ, hoặc rất lười bú, hoặc xao nhãng, quấy khóc… Nhiều người lo lắng mang con đi bác sĩ, bởi có thể đó là cách trẻ phát tín hiệu cho cha mẹ biết mình đang bệnh, đang mệt… Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, theo dõi trẻ và thấy trẻ vẫn vui chơi bình thường, có lẽ con bạn trong trong thời kỳ gọi nôm na là tuần tuyệt vời hay tuần kỳ diệu (wonder week).

Cung con qua nam thang “tro troi”
 

Khái niệm “wonder week” dành cho những tuần mà trẻ có những phát triển quan trọng về trí tuệ và giao tiếp hay đang học hỏi những kỹ năng đầu đời nên giai đoạn này trẻ không màng đến chuyện ăn ngủ hay giữ nếp sinh hoạt hàng ngày. Chúng chỉ đơn giản là đang hăm hở khám phá một điều gì đó. Ví dụ ở tháng tuổi thứ 2-3, bé sẽ cố gắng lật hoặc cố gắng điều khiển đầu cổ; thị giác phát triển, bé có thể nhìn xa hơn... Tất cả khiến bé háo hức khám phá thế giới xung quanh sau gần một năm trong bụng mẹ nên bé sẽ biếng bú và không chịu ngủ. 

Lời khuyên cho phụ huynh là: khi con có biểu hiện ham chơi, lười bú, không thích ngủ thì cứ bình tĩnh, đừng cuống lên ép bé ăn ngủ, vô tình lại gián đoạn niềm vui khám phá và học hỏi của trẻ. Ðừng máy móc ép trẻ vào một khuôn khổ giờ giấc ăn ngủ cố định khi bé chưa sẵn sàng mà hãy nương theo mức độ trẻ đang tận hưởng khám phá cuộc sống mới.

Nếu có thể, hãy là cha mẹ tuyệt vời khi tham gia vào hành trình khám phá này. Ví như bé đang say sưa nhìn ngắm không gian của căn phòng mình với những hình vẽ ngộ nghĩnh mà cha mẹ đã dày công trang trí, bày biện. Thay vì bắt bé ăn và ngủ, bé sẽ kêu khóc và phàn nàn bằng những tiếng rên rỉ với âm lượng to dần, chúng ta có thể làm hướng dẫn viên du lịch cho bé đi một vòng quanh căn phòng và cung cấp thông tin cho bé như bức ảnh này bố chụp khi con trong bụng mẹ bảy tháng, tranh treo tường này ông bà mua cho con... 

Ví như bé đột nhiên nhận ra mình có thể cử động được cổ và thật tuyệt diệu khi bé có thể lật được cả thân hình, đừng chê cười hay ngăn cản khi bé cố gắng di chuyển và điều khiển cơ thể. Khi giờ ăn ngủ đến mà bé đang say sưa với hoạt động thể chất mới lạ này, cha mẹ hãy giúp bé một tay, như khi bé đang cố gắng lật thì ủn nhẹ bé để bé lật thành công...

Khen ngợi bé và khéo léo nói: “Giờ chơi hết rồi, bé ăn ngoan ngủ ngoan để có sức chơi tiếp nào!”. Chắc chắn bé sẽ nhìn bạn với ánh mắt biết ơn và hạnh phúc khi cha mẹ ủng hộ và hiểu mình. Cũng tương tự như “wonder week”, “wonder year” là những năm chúng ta chứng kiến sự thay đổi lớn của trẻ về thể chất, trí tuệ, tâm hồn. “Wonder year” thể hiện những cố gắng và giải pháp của trẻ khi đối diện với những vấn đề mà trẻ còn bỡ ngỡ trên quãng đường chuyển đổi từ một đứa trẻ đến một cá nhân trưởng thành.

Những “wonder year” quan trọng là 3, 6, 9, 12, 15 tuổi. Người ta thường nói khủng hoảng tuổi lên ba hay tâm lý trẻ thay đổi khi vào lớp 1 hay dùng từ dở dở ương ương cho tuổi teen cũng nguyên do từ “wonder year” này mà ra. 

Đây là những thời điểm con cái cần chúng ta nhất. Hãy ở sát bên trẻ, hiểu trẻ, theo dõi trẻ, đừng bỏ rơi trẻ. Nhưng mặt khác, cứ giữ vững tinh thần, bình tĩnh, có vấn đề gì cũng giải quyết sáng suốt, thấu đáo. Hãy cho trẻ một khung trời riêng tư nhất định và bạn cần nói rõ với trẻ là trẻ càng trưởng thành thì khung trời ấy càng lớn. 

Mỗi khi trẻ có vấn đề bất thường về ăn ngủ, cách đi lại, ăn nói, thay đổi nếp sinh hoạt, chúng ta nên tế nhị, kín đáo để tìm ra nguyên nhân thực sự. Ví dụ có một trường hợp trẻ bị đau bụng, ăn thì ói, không tiêu, cha mẹ đưa đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, cho trẻ uống thuốc nhưng những triệu chứng trên không giảm. Nhưng sau khi tìm hiểu thì nguyên nhân thực sự là mùa hè đã hết và trẻ sợ đi học trở lại. Sau khi tìm ra nguyên nhân, người mẹ đã bình tĩnh ngồi bên con động viên con để em thích đến trường. Kể từ đó, bé hết đau bụng và thích đi học hơn.

Không nên chỉ dựa vào những biểu hiện bề nổi của trẻ để kết luận vội vàng. Hành động nôn nóng khiến vấn đề của trẻ không được giải quyết, cha mẹ hoang mang. Cùng lúc ấy, trẻ cảm thấy không được hiểu và giúp đỡ nên khoảng cách cha mẹ và con cái ngày càng xa.

Tóm lại, “wonder year” hay “wonder week” có thể làm cha mẹ và con cái lại gần nhau hơn nhưng cũng có thể làm cha mẹ và con cái thêm khoảng cách. Có hiểu trẻ thì mới đi cùng trẻ qua những tháng năm “wonder week” và “wonder year” một cách dễ dàng.

Jenny Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI