Yêu chồng thương binh phải có 'phép thần thông' để anh ấy không chết thêm lần nữa

26/07/2017 - 16:31

PNO - Những người đàn bà hậu chiến, nỗi khổ của họ giấu trong những điều tưởng chừng bình lặng mà giông bão đầy trời.

Tôi gọi điện thoại, chị đạp xe về: “Rảnh em à, có chút chuyện sáng ở chợ, đã xong, giờ lo ăn cho tụi cháu nội ngoại”. Người ta nói người đàn bà lực điền là diễn tả sự gân guốc, như chị đó. Mà không gân guốc sao được, khi nghèo khó đóng đinh trên ruộng, trong bếp lẫn đa mang của số phận.

Chị đứng sau lưng anh, cao lớn. Tôi đoán, ông chồng  khoảng  1,7m,  giờ chỉ còn 0,7m, vì đã gửi lại chiến trường đôi chân. Chị tên Nguyễn Thị Lung, thực ra là Chung, nhưng lì quá, nên lạc qua… Lung. Lì đâu không thấy, giọng chị hiền khô. Ông chồng ngó tôi cười: “Mi lầm!”.

Yeu chong thuong binh phai co 'phep than thong' de anh ay khong chet them lan nua
“Người đàn bà bốn chân” bên ông chồng thương binh

Đó là một chiều năm 1984, chị đang cắt lúa, thì cô ruột của anh Trà Quang Hảnh chạy đến, hớt hải: “Lung ơi, chỉ có con mới giúp được”. Chị quăng liềm lao theo. Người đông như kiến ở cửa hàng thương nghiệp xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; công an, huyện đội cũng có mặt.

Chị cười thành tiếng kể: “Ông Hảnh dắt về cả thảy bảy ông mà có bốn chiếc dép, thì đây, một ông mù là một đôi, hai ông cụt một chân thành một đôi, còn lại ổng và ba ông cụt hai chân. Mấy ổng uống say, hết rượu, cửa hàng không chịu bán nữa, thế là móc lựu đạn ra. Ổng nói với mấy ông kia: “Đây quê tau, tau chết, không dính tới tụi bay”.

Mấy ông kia đâu có chịu: “Anh chết, tụi em cũng chết”. Lựu đạn trên tay ổng đã rút chốt. Chị đâu có biết, khi cách chừng mấy mét, chị đứng sau lưng ổng kêu to: “Hảnh”. Ổng quay lại nhìn. Chị nói: “Thôi mà, họ sợ mấy anh say, chứ không phải coi thường đâu, về đi”.

Thế là ổng hạ tay xuống, chị chạy tìm cái ghim băng để ổng gài chốt lựu đạn lại”. “Lúc đó chị sợ chết không?”, tôi hỏi. “Có biết chi đâu, chỉ kêu đại, sợ ảnh chết thôi”. Tôi chọc: “Chị nói thiệt đi, yêu nhau phải không?”. Chị đỏ mặt: “Ừ, có tình cảm hồi đi học ở làng”.

Tôi quay sang anh Hảnh, lúc này đang lặng im xa xăm, khích: “Kiếm đã rút là chém chớ?”. Anh cười: “Tau sợ bả chết lây”. Anh đi chiến trường Campuchia từ 1980, bỏ lại đôi chân cụt tới bẹn ở bên đó. Tôi nhớ lại không khí làng quê lúc đó, hễ có bộ đội Campuchia về là mệt. Họ như mang cái chết theo về nhà, như bị chấn thương tâm hồn, luôn sẵn sàng gây gổ. Ai cũng ngán và chịu đựng. Năm 1985, khi anh về hẳn ở trại thương binh nặng Hội An, thì họ cưới nhau. Đâu có dễ. Gia đình chị phản đối, vì thương con gái. 

Anh Nguyễn Hải Triều, anh trai chị kể lại: “Đơn vị anh rút về Plâyku chờ bổ sung quân, thì hay tin bà già nói thằng Hảnh và con Lung muốn cưới. Anh nhắn về: “Mẹ à, gia đình mình quá khổ rồi, con là lính nay sống mai chết, mẹ cứ nghĩ Hảnh là con, lỡ cụt hai chân, có người muốn  cưới, mẹ nghĩ sao? Hạnh phúc của nó, để nó lo”.

Yeu chong thuong binh phai co 'phep than thong' de anh ay khong chet them lan nua
 

Tau nói vậy rồi quên, vì lại đánh nhau. Nửa năm sau tau về phép, thấy trong nhà có chữ Song Hỷ. Ủa đám cưới ai đây? Thằng Hảnh ngồi xe lăn con Lung đẩy qua gặp tau. Ba anh em đều khóc. Tau thương hắn, ngoài tình làng xóm còn tình đồng đội, tau đã thấy hắn trên võng xe chuyển từ Campuchia về, máu thấm nhỏ giọt. Đời thằng lính chiến, sống là phước rồi. Tau chỉ nói với con Lung, yêu là có trách nhiệm, đừng để người ta phải chết lần nữa”.

Chị Lung bắt đầu những ngày tháng trần ai. Làm ruộng, rẫy, nuôi hai đứa con, sau này hai đứa nữa. Một mình tất tả. Anh thì ở trại thương binh nặng. Chị nói: “Anh về giữ con để em lo công việc, chứ em chết mất”. “Ổng về, còn quậy không?”. “Răng hết được. Ảnh mặc cảm đàn ông mà không giúp được chị. Trong làng lúc đó người ta đi đãi vàng, vài bữa họ rủ ảnh nhậu, thế là say về quậy quá trời”. 

Mặt anh Hảnh xịu xuống, như có lỗi. Giọng chị không dứt, chẳng phải trách than, mà hồi ức một thuở cay đắng đang ùa về. Trùng trùng nỗi khổ như tản ra trên gương mặt mà vết nắng mưa hơn 30 năm trước còn nguyên đó. “Có ân hận khi cưới không?”. “Không em, lúc đó chỉ nghĩ phận mình sao cực quá chừng. Nhưng ngó vậy mà tình cảm lắm, nhiều lúc mưa, chị phải hốt lúa, gánh rơm cho kịp, ảnh không giúp được, cứ ngồi nhìn miết, khi nào chị làm xong mới lăn xe vô nhà, kiểu như là buồn vì bất lực”.

Chị nhìn anh trìu mến. Rồi anh cũng đi qua những năm tháng ngập ngụa rượu đó, bắt đầu lê thân vào chợ làm nghề bơm bình gaz, đỡ đần chị. Năm tháng lùi xa, con cái giờ đã lớn khôn, họ dễ thở rồi. Giờ vợ chồng chị sống với mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi.
“Anh có thấy số  anh sướng không?”, tôi hỏi. Anh im lặng.

Tôi nóng giọng: “Thì ông nói đi, may mắn quá chứ gì, ông mà không có bả rước, chắc rượu nuốt ông rồi”. “Mi nói đúng, anh may mắn, xóm này có vài thằng cũng như anh, vợ chịu không nổi, đường ai nấy đi, rồi triền miên rượu, ung thư chết hết rồi”, anh nói chầm chậm. Suốt buổi nói chuyện, lần này anh với nói một câu dài. Hình như anh giao hết cho chị, cả cảm xúc, để chị lên tiếng, như chờ chị, như đã nhờ chị bảo bọc, dựa dẫm, tựa vào vai người đàn bà ấy mà phó thác tất cả.

“Chị có bốn chân luôn đó”. “Thì phải ráng chứ sao em, rồi sẽ qua hết”. Không dễ chi có tiếng thở nhẹ nhõm khi qua gian truân, nếu không có trái tim bao dung. Bao nhiêu người lính sau chiến tranh, xếp súng đạn trở về trên chiếc băng ca, những thương tật, đáng sợ nhất là thương tật tâm hồn, lúc nào cũng như lò nhiệt cao chực nổ, rồi ngã quỵ đâu đó. Nếu không có những người đàn bà, họ sẽ vật vã đớn đau lần nữa và triền miên trong mất mát, như kể tội cuộc sống oan nghiệt và xã hội sẽ thêm những gánh nặng. 

Yeu chong thuong binh phai co 'phep than thong' de anh ay khong chet them lan nua
 

Những người đàn bà hậu chiến, nỗi khổ của họ giấu trong những điều tưởng chừng bình lặng mà giông bão đầy trời. Cuộc sống hình như chỉ trao cho họ những cơn đau. Tôi nói điều vừa nghĩ, chị như chuẩn bị sẵn, đáp liền: “Yêu là duyên phận mà em”. Cái vị của duyên phận, ở người đàn bà như chị, như hồ lô thần thông, hút hết mọi cảm giác, chấp nhận như lẽ đương nhiên, và như thế, không có phép thần thông nào khác, ngoài yêu thương. 

Mộc Miên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI