10 năm "nhận nuôi" chim trời làm đẹp thành phố

03/08/2015 - 15:37

PNO - Chỉ với gánh hàng nước bên hông nhà thờ và những con tem cổ, anh Cường, chị Thanh đã âm thầm bỏ tiền túi mua thức ăn cho đàn chim.

Bán hàng nước, quà lưu niệm, mua thóc nuôi chim trời

Ghé qua nhà thờ Đức Bà lúc sáng sớm hay vào giữa trưa, nhiều người dân và du khách ở TPHCM luôn thích thú ngắm nhìn hàng trăm con chim bồ câu phủ kín khoảng sân dưới chân tượng Đức mẹ hay bên hông nhà thờ.

Chẳng ai biết chủ của đàn chim là ai, nhiều người vẫn hay gọi chúng là đàn chim trời, bởi chỗ trú của chúng là nóc nhà thờ, nóc bưu điện khó ai tìm thấy. Thế nhưng, có những người đã âm thầm nhận nuôi đàn chim trời ấy hơn 10 năm qua để làm đẹp cho thành phố.

Hơn 10 năm nay, ngày nào, anh Nguyễn Phi Cường - người bán tem cổ bên hông bưu điện - cũng đến đây từ sáng sớm, gọi đàn chim xuống cho ăn. Khi có người hỏi về chủ của đàn chim này, anh cười xua tay: “Chúng tôi sống với nhau gần 10 năm rồi, nhịn vài bữa nhậu, tôi mua vài cân thóc cho chúng mỗi ngày thôi”.

10 nam
Anh Cường cho đàn chim ăn vào mỗi buổi sáng, đây là công việc anh đã làm hơn 10 năm nay khi nhận nuôi đàn chim trời làm đẹp thành phố.

Chưa kịp để người du khách hỏi thêm, anh chậm rãi kể chuyện, cách đây 15 năm, đàn bồ câu được một nhiếp ảnh gia đưa về đây. Sau đó, đàn chim bị bắt vì dịch cúm, chỉ còn hơn 10 con sống bám trụ ở khu vực nhà thờ. Anh Cường âm thầm theo dõi, nuôi dưỡng chúng. Ban đầu là những mẩu bánh thừa, rồi tới những hạt thóc, hạt đậu..., lâu dần, đàn chim quấn lấy người, cứ thể anh Cường sống với chúng đến giờ.

Người cũng góp công sức nuôi đàn chim với anh Cường là vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh - hành nghề bán hàng nước cạnh nhà thờ 20 năm nay.

Đàn chim trở thành những người bạn đặc biệt của anh chị. Gặp chị Thanh vào giờ trưa, người phụ nữ nhỏ nhắn vừa bán hàng vừa lắc lon kẽm, rải thóc gọi đàn chim xuống ăn. Nhiều du khách đang dạo quanh đó được dịp ngắm nhìn cảnh đàn chim hàng trăm con từ cành cây chao lượn, sà xuống sân.

Chị Thanh kể, tiền mua thóc, đậu cho đàn chim mỗi tháng cũng mất vài triệu đồng. Chị và anh Cường chia nhau cho đàn ăn 2 bữa: Sáng và trưa. “Chỉ khi ăn no, chúng mới bay đi nên ngày nào cũng mất tầm 5 - 7 cân thóc mới đủ. Sống lâu biết ý, chưa đủ thóc là chúng cứ đậu gần đó đợi, mình cũng sợ chúng bỏ đi nên bữa nào cũng phải canh chừng cả đàn được no mới thôi”, chị kể.

Giữ chim trời làm đẹp thành phố

10 năm gắn bó, anh Cường và đàn chim như hiểu rõ về nhau, vừa trò chuyện, anh vừa chỉ tay kể tỉ mỉ con nào bị ốm, con nào đang nuôi chim non. Tự nhận là người không chuyên lại đi nuôi chim trời nên cứ nghe ai mách cách chăm sóc nào hay, anh lại tìm tòi làm theo. Ngoài bịch thóc, anh còn mang theo bên người một ống lon thiếc đựng nhiều loại thuốc chữa bệnh cho chim.

Ngắt quãng giữa câu chuyện, vài con bay lên đậu trên tay anh tìm thức ăn. Anh kể, cảm giác những chiếc chân chim đậu trên tay gần gũi lắm, đó là cách mà chúng thể hiện sự tin tưởng với con người. Nhiều du khách cũng được anh hướng dẫn cách cho ăn để đàn chim lại gần, vuốt ve.

Từ việc làm thầm lặng của hai anh chị, nhiều người dân thành phố biết được cũng đến góp công. Có người rải thóc mỗi sáng ở tượng Đức mẹ đã 2 năm rồi. Họ chẳng bao giờ nói tên, chỉ đến để thóc, nhìn đàn ăn rồi đi.

Cuối tuần, nhiều bậc phụ huynh cũng đưa con đến chơi và cho chim ăn. Nhiều người đến lâu thành quen, thường xuyên liên lạc với anh Cường hay chị Thanh để hỏi han về đàn chim.

“Chúng tôi vui vì nhiều người cùng có tấm lòng với mình, vui vì nhiều đứa trẻ trong thành phố được ngắm đàn chim gần gũi đến vậy. Tôi rất biết ơn và sẽ cố gắng bảo vệ đàn chim thay họ”, anh Cường tâm sự.

Rất nhiều lần, có người đến xin chim để nuôi hay ngỏ ý mua thịt, anh Cường từ chối thẳng. Thấy khách lại gần quậy phá, chị Thanh vỗ thùng nước báo hiệu cho cả đàn bay đi.

10 năm, người và chim chung sống với nhau, đàn bồ câu hơn 300 con bay rộn ràng khắp khu vực nhà thờ.

Mỗi ngày, hàng nghìn người vẫn ghé thăm, ngắm nhìn đàn chim chao lượn nhưng không ai để ý chủ nhân của chúng là ai. Còn với anh Cường, chị Định, được tiếp tục công việc cùng với những con người thầm lặng khác nuôi dưỡng, bảo vệ và để đàn chim bay lượn giữa lòng thành phố hàng ngày là niềm tự hào và hạnh phúc không có gì có thể so sánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI