Đâu đâu cũng sản xuất được bánh pía 'Đặc sản Sóc Trăng'

13/11/2017 - 21:06

PNO - Theo ông Thái Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Tân Huê Viên, mặc dù bánh pía là một đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, nhưng hiện nay đâu đâu cũng có thể sản xuất bánh và ghi nhãn “Đặc sản Sóc Trăng".

Những bức xúc của ông Tuấn đã làm “nóng” không khí cuộc "Đối thoại cùng các lãnh đạo Bộ, ngành về những khó khăn đăng ký, xử lý, giải quyết tranh chấp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng gian, hàng giả, mã số vạch, chất lượng hàng hóa” sáng 13/11/2017. 

Dau dau cung san xuat duoc banh pia 'Dac san Soc Trang'
Lãnh đạo các Bộ, ngành đối thoại cùng doanh nghiệp.

Ông Tuấn cho biết: “Hiện tại nếu tính luôn doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình, việc sản xuất bánh pía đang nuôi sống, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Chúng tôi đã lập một hiệp hội ngành nghề sản xuất bánh pía riêng của tỉnh để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp ngoài tỉnh như Tiền Giang, Hà Nội, thậm chí là cả doanh nghiệp Trung Quốc làm nhái sản phẩm bánh pía với chất lượng kém hơn, giá thành rẻ hơn, lại ghi “Đặc sản Sóc Trăng” đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất của tỉnh nói chung và những doanh nghiệp chúng tôi nói riêng.

Có thời điểm Tân Huê Viên không có việc làm cho gần 500 lao động, giảm thu nhập cả ngàn người. Thiệt hại không thể đong, đếm hết. Nhưng khi chúng tôi khiếu kiện, thì các đơn vị này bị xử phạt chỉ hơn 100 triệu đồng. Đã đến lúc cần chế tài mạnh hơn, mới đủ sức răn đe, có như vậy mới đủ khuyến khích những người làm thực phẩm có tâm huyết cho người tiêu dùng”.

Trao đổi lại những kiến nghị này, ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng thực thi quản lý, giải quyết khiếu nại Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, trước tiên doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình. Khi phát hiện bị nhái nhãn hiệu, làm hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng… phải chủ động báo ngay cho cơ quan quản lý thị trường yêu cầu vào cuộc.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc ngay, để thực thi luật, đảm bảo doanh nghiệp, người sản xuất không bị xâm phạm quyền, bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của họ”.

Đồng tình với nhận định này, ông Kiều Nghiệp - Trưởng phòng thực thi chống hàng giả Cục Quản lý thị trường cho biết, việc tự bảo vệ và mạnh dạn lên tiếng của doanh nghiệp là điều tối cần thiết. Nhiều trường hợp phát hiện sản phẩm của doanh nghiệp bị làm giả, nhưng doanh nghiệp không muốn công khai bởi tâm lý lo mất thị trường. Năm 2018 sẽ hội nhập, nếu doanh nghiệp không tự bảo hộ sản phẩm của chính mình sẽ rất thiệt thòi.

Cuộc đối thoại ghi nhận hơn 10 lượt ý kiến của các doanh nghiệp, luật sư, luật gia trao đổi về những khó khăn, vướng mắt trong cuộc chiến chống hàng giả, bảo hộ quyền sản phẩm…

Hầu hết ý kiến đều được đại diện các Bộ, ngành ghi nhận và trao đổi thẳng thắn quan điểm, hướng xử lý cũng như nguyên do tại sao những vụ khiếu nại, khiếu kiện còn tồn đọng, vướng mắc.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI