Thì... dậy muộn

06/08/2016 - 10:42

PNO - Con học lớp 12 nhưng “cái ấy” của con không chịu lớn. Trong khi tụi bạn trong lớp “súng đạn” hiên ngang thì của con vẫn như hồi tiểu học và đặc biệt, hai cái “trứng” chỉ bé bằng hột nhãn.

Con rất mặc cảm khi đi bơi với các bạn và thực lòng hoang mang vì thấy mình “hổng giống ai”.

Cho con hỏi: tình trạng của con như vậy có bình thường không, con phải làm gì để cải thiện tình hình?

(Một nam sinh giấu tên, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Thi... day muon
Ảnh mang tính minh họa

Dân gian có câu “nữ thập tam, nam thập lục” đánh dấu thời điểm dậy thì của trẻ, con gái từ 13 tuổi, con trai 16 tuổi. Ngày nay, 95% trẻ em trai dậy thì khi cán mốc 14 tuổi. Có vẻ như cái “thì” của cháu bị “dậy” hơi muộn so với các bạn, các thầy thuốc vẫn gọi là dậy thì muộn.

Tuổi dậy thì là lúc cơ thể chuyển biến từ một cậu bé thành chàng thanh niên, được diễn ra trong vài năm, bắt đầu và hoàn tất khác nhau tùy từng người. Dấu hiệu đầu tiên của thời kỳ dậy thì ở trẻ nam là tinh hoàn lớn hơn, đặc biệt có hiện tượng phóng tinh lần đầu. Bên cạnh việc tăng nhanh chiều cao, cân nặng, vai rộng và có cơ bắp, thanh quản cũng to hơn nên tiếng nói trở nên trầm đục, nổi hạt ở “ti” gây đau ngực. Hệ thống lông nách, lông chân phát triển, có ria mép và mọc râu, có khi có cả râu quai nón.

Dậy thì muộn có thể do suy tuyến sinh dục nguyên phát và thứ phát hoặc bất thường về vị trí tinh hoàn (tinh hoàn lạc chỗ, tinh hoàn ẩn) nhưng cũng có thể xuất phát từ các yếu tố khác: di truyền; bệnh mạn tính; vấn đề về tuyến yên, tuyến giáp; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý (suy dinh dưỡng, ăn không đủ bữa, biếng ăn, rối loạn ăn uống khiến cơ thể không thể phát triển với tốc độ bình thường được).

Trước hết, cháu cần tìm hiểu xem trong gia đình cháu (bố mẹ, cô dì, chú bác, anh chị em ruột, anh chị em họ) có ai chậm dậy thì hay không. Nếu đó là “truyền thống” của gia đình thì cháu không cần can thiệp gì , chỉ cần cho “nó” thêm thời gian. “Từ từ rồi khoai cũng nhừ”, cháu sẽ phát triển sau các bạn cùng tuổi và muộn vài năm mà không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản (như cha mẹ cháu đã có cháu đấy thôi!).

Nếu do việc ăn uống, ngủ nghỉ chưa điều độ thì cháu phải chú ý cải thiện. Cần điều trị tích cực các bệnh lý mạn tính chẳng hạn tiểu đường, bệnh thận, hen suyễn, suy tim… nếu có.

Cháu cần đến Bệnh viện Nam học hoặc khoa Nam học của các bệnh viện để khám hệ thống sinh dục. Các bác sĩ sẽ kiểm tra tuyến yên và tuyến giáp - nơi sản xuất hormone quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển cơ thể cũng như khám xem cháu có bị hội chứng Klinefelter hay không. Đây là căn bệnh do trục trặc nhiễm sắc thể với tỷ lệ khoảng 1/500 trẻ trai được sinh ra; lẽ ra con trai có cặp nhiễm sắc thể giới tính là XY thì người mắc hội chứng này lại thừa nhiễm sắc thể X gây tình trạng chậm phát triển giới tính. Người bị bệnh này có hệ thống lông thưa thớt, giọng nói trong trẻo, vòng 1 phát triển, ít sốt sắng với chuyện trai gái, “súng đạn” nhỏ hơn so với bình thường, người lòng khòng, tay chân dài, có người tới tận khi cưới vợ và muộn có con, đi chữa trị vô sinh mới phát hiện ra.

Trên thực tế, dậy thì muộn dễ tác động đến tâm lý tuổi teen. Thiếu niên thường cảm thấy lạc lõng, mặc cảm, tự ti khi thấy mình chậm lớn và “thấp bé nhẹ cân” thua các bạn. Một số nam sinh còn có cảm giác hoang mang vì sợ mình “không bình thường”, thậm chí bị trầm cảm, thu mình lại, tách khỏi các bạn, ngại giao tiếp.

Cháu nên hỏi ý kiến cha mẹ để có kế hoạch tổng kiểm tra sức khỏe để kịp thời “nâng cấp hạ tầng cơ sở” nhé. 

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI