Tập thể thao sai cách, lợi bất cập hại

03/10/2016 - 06:35

PNO - Thể thao rất tốt cho sức khỏe. Đa số chúng ta không chú trọng tập thể thao từ bé, mà tới tuổi trung niên mới nghĩ tới. Nhiều người tập sai tư thế, cường độ luyện tập không thích hợp, dẫn tới chấn thương nghiêm trọng.

BS Trần Đăng Khoa - Phó khoa Phẫu thuật chi dưới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, tỷ lệ nhập viện cấp cứu do tập luyện thể dục thể thao chiếm khoảng 30% tổng số ca bệnh liên quan tới chấn thương.

Nguyên nhân chủ yếu do mọi người tự chỉ cho nhau (không có huấn luyện viên), cường độ và bộ môn, bài tập không phù hợp lứa tuổi và trang bị chưa đúng. Bên cạnh đó, khi tập nhiều người có tính ganh đua nên dễ quá đà. Các bệnh nhân tới BV Chấn thương chỉnh hình cấp cứu chủ yếu do chơi tennis, đạp xe, tập võ, yoga, đá banh.

BS Khoa cho biết, ông vừa điều trị cho một nam bệnh nhân tên N.Đ.H. (54 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) bị đứt dây chằng chéo ở chân trái khi đá banh. Ông H. kể dạo này thấy sức khỏe giảm sút nên đăng ký tham gia vào đội bóng đá của cơ quan để nâng cao tinh thần thể thao.

Ngày thứ Bảy, ông cùng đồng nghiệp rủ nhau đá giao hữu với cơ quan bạn. Ai ngờ, vừa sút xong cú bóng, ông bị trượt ngã, chân đau điếng, không đứng lên nổi. Đi cấp cứu, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo. Trường hợp này không hiếm. BS Khoa cho biết, cứ 10 bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo thì ba người do đá banh.

Chị P.T.N., (48 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) được bạn bè rủ chơi tennis. Thấy môn thể thao này khá vui nên chị tự sắm giày, mua vợt về tập. Để đỡ tốn kém, thay vì thuê huấn luyện viên, chị N. nhờ luôn bạn chỉ dẫn. Sau cú đỡ bóng chị đã bị trật khớp vai. Nguyên nhân gây tai nạn do bệnh nhân lựa chọn vợt tennis không phù hợp với tay.

BS Trần Nguyên Trinh Hạnh - Phó khoa Chấn thương chỉnh hình BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng gặp khá nhiều trường hợp phải nhập viện do chơi thể thao. Điển hình là chị T.T.V. (50 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) bị trật khớp háng nhân tạo trong lúc tập yoga ở nhà. Được người thân tặng đĩa dạy tập yoga, chị V. tự mở, nhìn và bắt chước. Khi tới động tác xoạc chân rộng, bệnh nhân cảm thấy đau điếng tới mức ngã ra sàn và không co chân lại được (trước đó bệnh nhân từng phẫu thuật thay khớp háng).

Tap the thao sai cach, loi bat cap hai
BS Hạnh (phải) đang khám cho một bệnh nhân chấn thương do tập thể thao

Khi đến BV, các bác sĩ xác định chị V. bị trật khớp nhân tạo do động tác thể dục không phù hợp. “Rất may khớp chỉ trật nhẹ. Chúng tôi đã gây mê rồi nắn lại khớp. Với những trường hợp nặng chúng tôi phải phẫu thuật tái tạo lại bao khớp và dây chằng, vô cùng phức tạp”, BS Hạnh nói.

BS Hạnh và BS Khoa đều cho biết, có rất nhiều bệnh nhân tới khám vì sau khi luyện tập yoga lưng đau hơn. Thậm chí vài trường hợp tập cường độ quá cao, cơ bị căng, co rút, khiến bệnh nhân không thể ngoái cổ.

Theo BS Khoa, luyện thể thao là cả quá trình lâu dài từ khi còn trẻ chứ không phải lúc thấy sức khỏe có vấn đề mới đi tập. Với người độ tuổi trung niên, cần chọn bộ môn, cường độ luyện tập phù hợp. Khi tập phải có huấn luyện viên và trang bị dụng cụ tập cho đúng.

Ví dụ cũng là đôi giày, nhưng giày tập tennis khác giày chạy, giày đá banh. Hoặc vợt tennis cũng có nhiều loại. Khi tập luyện, đi giày và mặc đồ không đúng sẽ trơn trượt, vướng víu dẫn tới té ngã, BS Khoa cảnh báo.

BS Hạnh cũng lưu ý, những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm không nên tập các động tác cúi hoặc ngồi chồm hổm. Lúc khom cúi, lực sẽ tác động lên cột sống nhiều hơn, làm lưng đau thêm. Ai bị loãng xương cần thận trọng, luyện tập quá đà dễ dẫn tới gãy xương. Riêng với nhóm bệnh nhân đang đặt khớp nhân tạo không được tự ý luyện tập mà phải tập những bài vật lý trị liệu riêng biệt.

BS Hạnh nhấn mạnh, bộ môn yoga có rất nhiều động tác khó, điển hình như động tác trồng chuối. Chỉ cần sơ sẩy, nạn nhân có thể bị chấn thương cột sống cổ, dẫn tới liệt tứ chi, vị trí chấn thương cột sống cổ ở phía trên cao còn có nguy cơ ức chế hô hấp khiến nạn nhân ngưng thở, tử vong tại chỗ.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI