Phòng bệnh mùa nóng cho trẻ

27/03/2017 - 07:18

PNO - Thủy đậu, quai bị, viêm não Nhật Bản, tiêu chảy, viêm hô hấp, rôm sảy... là những bệnh trẻ rất dễ mắc phải vào mùa nóng

Các bác sĩ (BS) khuyến cáo, để phòng bệnh phụ huynh nên lưu ý chăm sóc trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt đúng cách. 

Bệnh do vi rút và chăm trẻ không đúng

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, mùa nắng nóng khiến trẻ dễ mắc bệnh vì đây là thời điểm thuận lợi cho một số nguồn bệnh theo mùa do vi rút phát triển mạnh và do chế độ sinh hoạt để giảm nắng nóng không đúng cách làm trẻ dễ bệnh. Bệnh do thời tiết là các bệnh thủy đậu, quai bị, tay chân miệng, bệnh đường tiêu hóa... 

Để phòng tránh, phải chích ngừa khi trẻ còn nhỏ, trước mùa bệnh. “Việc chọn vắc-xin là dựa theo lứa tuổi chứ không phải theo mùa. Tuy nhiên, mùa nóng là mùa của vi rút các bệnh thủy đậu, quai bị, viêm não Nhật Bản... phát tán; nếu trẻ chưa chích ngừa các vắc-xin này thì nên chích ngừa ngay cho trẻ”, BS Khanh lưu ý.

Ngoài ra, trẻ còn dễ bị tiêu chảy do nguồn thức ăn, thức uống. Thức ăn có thể bị nhiễm vi khuẩn hay vi rút (bẩn), có thể nhiễm hóa chất hay dạng thức ăn chưa phù hợp với đường tiêu hóa của trẻ. Mùa nắng nóng, thức ăn khó kiểm soát, nhất là thức ăn đường phố; thực phẩm trong nhà cũng cần dự trữ đúng cách để tránh bệnh đường tiêu hóa cho trẻ. 

Nguyên nhân bệnh do cách làm giảm nắng nóng cho trẻ không đúng, cụ thể như: cho trẻ sinh hoạt ngoài trời quá nhiều, tắm nhiều lần trong ngày, đi bơi, ở phòng lạnh quá lâu rồi lại ra ngoài nóng… trẻ không thích ứng được với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột nên rất dễ bệnh.

Để phòng bệnh, không nên cho trẻ chạy nhảy nhiều ngoài trời nắng nóng, có thể khiến trẻ bị say nắng, sinh bệnh. Cần cho trẻ uống đủ nước. Trời nóng còn khiến trẻ khó ngủ, cần cho trẻ mặc đồ thông thoáng, giữ nhiệt độ trong phòng vừa đủ giúp trẻ ngủ sâu giấc. Nằm phòng máy lạnh tốt hơn mở quạt nhưng nên điều chỉnh nhiệt độ khoảng 26-28 độ C. 

Phong benh mua nong cho tre
Nên cho trẻ ăn, uống trái cây mỗi ngày để tăng sức đề kháng, phòng ngừa bệnh

“Sai lầm trong chăm sóc trẻ phụ huynh thường mắc phải là khi thấy trời nắng nóng quá thì cho trẻ vào phòng lạnh quá lâu, nhiệt độ chênh lệch khi ra ngoài dễ làm trẻ bệnh. Cơ thể trẻ cũng không chịu được nếu cứ thấy trẻ nóng bức khó chịu là cho trẻ đi tắm. Mỗi ngày chỉ nên tắm cho trẻ một lần trước giờ trưa hoặc đầu giờ chiều. Không tắm cho trẻ sau 5 giờ chiều và không cho trẻ ngâm nước quá lâu; tránh ra gió sau khi tắm, cần chuẩn bị sẵn khăn lau và quần áo để mặc ngay sau khi tắm”, BS Khanh lưu ý. 

Nhiều phụ huynh thắc mắc: “Mùa nắng nóng trẻ dễ bị rôm sảy, có thể dùng nước rau đắng tắm cho trẻ theo cách dân gian được không?”. BS Khanh giải thích, theo kinh nghiệm dân gian thì có một số loại lá tắm để giảm sảy, trong đó có lá khổ qua. Quan trọng là lá đó phải được rửa sạch và bảo đảm không có thuốc trừ sâu. Cần lau khô mồ hôi thường xuyên, cho trẻ mặc đồ thoáng, dùng vải hút ẩm, uống đủ nước… để hạn chế bị rôm sảy.

BS Đào Thị Yến Thủy, cố vấn dinh dưỡng cao cấp, BV quốc tế Hạnh Phúc, chia sẻ thêm: “Ở trẻ nhỏ hơn, rôm sảy là tình trạnh viêm da do da bị ẩm ướt thường xuyên. Cần cho trẻ uống ít nhất 600ml sữa/ngày để cung cấp đủ canxi, tắm nắng 20 phút trước 9 giờ sáng hoặc khoảng 4-5 giờ chiều. Tắm cho trẻ bằng xà bông tắm, thay áo khi áo bị ẩm ướt. Cho trẻ ngủ ở phòng thoáng mát, có thể sử dụng máy lạnh nếu quá nóng bức”. 

Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng dinh dưỡng

Ngoài các biện pháp trên, cũng cần giúp trẻ phòng bệnh bằng cách tăng sức đề kháng cho trẻ với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là phải ăn uống đa dạng, nhiều loại thực phẩm mới cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, không bị thiếu các vi chất dinh dưỡng. Bữa ăn chính phải có đủ bốn nhóm thực phẩm: đạm, tinh bột, rau củ quả, chất béo.

Cần chú ý bảo quản thực phẩm đúng cách. BS Thủy khuyên: “Thực phẩm đông lạnh có thể bảo quản nhiều tuần trên ngăn đá tủ lạnh, chỉ bị hao hụt một ít vitamin C, các thành phần đạm, béo... vẫn giữ nguyên. Nên bảo quản lạnh từng phần thực phẩm vừa đủ cho một phần ăn, sau khi rã đông là chế biến thức ăn cho trẻ ăn ngay”.

Thực tế, nhiều phụ huynh thường cho trẻ ăn kiêng (hải sản, dầu ăn, trái cây, sữa chua…) khi trẻ bị tiêu chảy nhưng theo BS Thủy, bị tiêu chảy là trẻ đang nhiễm siêu vi, sức đề kháng yếu, cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể tự chống lại bệnh. Nếu trẻ không dị ứng thì không cần kiêng cữ loại thức ăn nào cả.  

Lúc trẻ bệnh có thể cho ăn cháo, xúp loãng để dễ tiêu, dễ nuốt, nhưng cần nấu đầy đủ các chất dinh dưỡng (có thịt, rau, dầu ăn...). Không nên kiêng cữ quá mức, sẽ làm chậm quá trình hồi phục của trẻ.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI