Du Xuân sao cho khỏe, an toàn?

04/01/2017 - 15:48

PNO - Tết đến, mọi người thường về quê hoặc du lịch. Vậy đi như thế nào để bảo đảm sức khỏe, an toàn?

Bà bầu không nên đi xa

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM cho biết, phụ nữ mang thai nên chú ý thời điểm thích hợp để đi du lịch. Không nên đi ở những tuần đầu hoặc cuối thai kỳ. Thời điểm tốt nhất để đi xa là từ tuần 12-33 của thai kỳ và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định lên đường. Nên lựa chọn những địa điểm gần nơi sinh sống, không phải di chuyển xa để giữ gìn sức khỏe cho mẹ và bé; hạn chế những chuyến đi có thời gian di chuyển quá sáu tiếng đồng hồ để tránh tình trạng tụ máu ở chân. 

Vận động trong thời gian thai kỳ rất quan trọng, giúp máu dễ lưu thông, nhưng không nên quá lạm dụng, ham vui vì đi nhiều dễ gây mệt cho mẹ và bé. Khi đi, nên mang những đôi giày thoải mái để có thể di chuyển mà chân không bị sưng và đau; chuẩn bị một ít thức ăn mình thích, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì ở những điểm du lịch rất khó mua đồ ăn phù hợp. Nên uống nhiều nước hơn bình thường để bổ sung lượng nước đã mất do di chuyển, vận động nhiều và đừng quên mang theo các loại thuốc nếu bản thân có bệnh lý nào đó như tiểu đường, tăng huyết áp. 

Du Xuan sao cho khoe, an toan?
Ảnh minh họa

Theo BS Thông, phụ nữ mang thai nên tránh du lịch bằng máy bay, nhất là vào ba tháng cuối thai kỳ. Do áp suất máy bay thay đổi theo độ cao khiến sự lưu thông máu trong cơ thể thay đổi, dòng máu nuôi dưỡng thai nhi chảy không đồng đều, gây kích thích tử cung và dễ sinh non. Ngoài ra, do phải ngồi nhiều trong môi trường áp suất thay đổi sẽ gây ứ đọng máu ở phần dưới cơ thể, máu về tim ít hơn gây ra nhiều vấn đề huyết áp, hình thành cục máu đông… Nếu bất đắc dĩ phải di chuyển bằng máy bay thì nên kiểm tra sức khỏe của mẹ và thai nhi trước khi xuất hành. Lúc trên máy bay, nên tránh ăn những thức ăn và đồ uống có gaz và nên thường xuyên co duỗi hai chân để giảm nguy cơ phù chi dưới và huyết khối tĩnh mạch. 

Người bị bệnh đái tháo đường không nên bỏ bữa

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Đào, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), khi du lịch xa, người đái tháo đường cần mang theo thức ăn sẵn như các sản phẩm dinh dưỡng y học (là những sản phẩm dinh dưỡng có đủ các thành phần cần thiết của một bữa ăn như chất bột, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất) để khi cần thì có thứ dùng ngay, tránh bị hạ đường huyết. Nên chọn những sản phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp; cần chuẩn bị sẵn thuốc insulin có kèm bơm tiêm, hoặc thuốc uống (cho người tiểu đường type II). Nếu có điều kiện, nên đem theo dụng cụ thử đường máu. Bệnh nhân tiểu đường nên dùng giày dép đúng tiêu chuẩn để tránh bị thương tích và không nên đi chân trần. 

Tiến sĩ Đào khuyên, cần tuân thủ ăn uống đúng giờ, đúng bữa như ngày thường. Du lịch thường ăn trong nhà hàng, và các món ăn thường nhiều đường, nhiều mỡ. Người bệnh không nên ăn quá nhiều vì dễ làm đường huyết tăng/hạ đột ngột, dẫn đến biến chứng. Nếu lỡ ăn nhiều, phải liên hệ với bác sĩ điều trị để điều chỉnh thuốc và tăng cường đi bộ sau khi ăn. 

Người bị bệnh tim mạch, huyết áp cần uống thuốc đúng giờ

 Ngoài các vật dụng cần thiết, theo Phó giáo sư - tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, Trường đại học Y Dược TP.HCM, người bị tim mạch, huyết áp đừng quên mang theo “tủ thuốc di động”, bởi thiếu quần áo thì có thể mua, còn thiếu thuốc đặc trị thì chỉ biết “kêu trời”. Khi đi chơi xa, người bị bệnh tim mạch và huyết áp vẫn phải bảo đảm uống thuốc đúng giờ theo chỉ định bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc và không nên bỏ thói quen đo huyết áp hàng ngày. 

Du Xuan sao cho khoe, an toan?
Ảnh minh họa

Những người bệnh tim nên tránh những điểm đến là đồi núi, không nên đến những vùng có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể tăng thêm căng thẳng cho tim. Nếu phải đi máy bay, cần hỏi ý kiến của bác sĩ về tình trạng bệnh của mình. 

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức lưu ý thêm, người đi du lịch dễ mắc một số bệnh cấp tính như cảm sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn ói, ho, dị ứng, đau dạ dày… Vì vậy, có thể chuẩn bị sẵn một số thuốc như giảm đau, men tiêu hóa, thuốc trị táo bón, thuốc chống nôn, thuốc làm dịu và giảm ho, các kem bôi ngoài da, chống ngứa, thuốc sát trùng vết thương, băng gạc, băng cá nhân, cồn… để phòng tránh tai nạn, thương tích bất ngờ.

Cẩn thận khi ăn đặc sản lạ

Theo PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, các món hải sản như tôm, cua, sò, ốc, cá ngừ… luôn có tên trong danh mục 20 loại thực phẩm gây dị ứng, nhất là đối với trẻ em. Với bà bầu, nên hạn chế ăn cá ngừ vì cá thường chứa lượng thủy ngân, dễ gây ngộ độc cho thai phụ và thai nhi. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI